Báo Đức: NATO ‘giật mình’ trước sự trỗi dậy của Trung Quốc

05/09/2019 07:13

Với khả năng quân sự của mình ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Trung Quốc hiện đang vượt mặt Mỹ và các đồng minh – theo Die Welt.

Các chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Quốc gia Sydney tiến hành nghiên cứu và đưa ra kết luận rằng Bắc Kinh hiện đã tăng cường sức mạnh quân sự đến mức có thể trấn áp người Mỹ và các đồng minh của họ tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương chỉ trong một thời gian ngắn – theo Die Welt.

Sau khi “ngủ quên” và thức giấc thấy sự trỗi dậy quân sự của Trung Quốc, NATO ngay lập tức đánh kẻng báo động, “điên cuồng” tìm kiếm câu trả lời cho những thách thức chiến lược mới. Tổng thư ký Liên minh Jens Stoltenberg nói: “Chúng tôi nhận thấy sự trỗi dậy của Trung Quốc có tác động đến an ninh của chúng tôi, một phần là bởi Trung Quốc đang ngày càng áp sát hơn. Điều này đang xảy ra ở Bắc Cực, châu Phi và chúng tôi thấy rằng họ đang đầu tư rất nhiều tiền vào các cơ sở hạ tầng quan trọng, trong đó có cả ở châu Âu”.

Không những thế, Bắc Kinh còn đang tăng chi tiêu rất nhiều cho vũ khí – ấn phẩm Đức tiếp tục. Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, thời điểm hiện tại, Trung Quốc có đến 2 nghìn tên lửa tầm ngắn, tầm trung và tầm xa. Kho vũ khí này đặt ra mối đe dọa đối với các căn cứ quân sự của Mỹ và đồng minh ở Tây Thái Bình Dương.

Bao Duc: NATO 'giat minh' truoc su troi day cua Trung Quoc hinh anh 1
NATO giật mình trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Các chuyên gia Australia cho rằng người Mỹ sẽ không có đủ thời gian để kịp phản ứng với những vụ phóng tên lửa, bất chấp việc Washington kiểm soát khu vực chiến lược quan trọng này trong nhiều thập kỷ qua bằng cách thiết lập các căn cứ quân sự ở Hawaii, đảo Guam, Diego Garcia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Singapore. Hiện giờ, sự bảo đảm an ninh mà Mỹ cung cấp cho các đồng minh của mình có thể cũng trở nên vô nghĩa.

Theo các chuyên gia, Trung Quốc đang theo đuổi “một chính sách rất hung hăng”. Trung Quốc muốn trở thành một cường quốc có khả năng áp đặt trật tự tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhưng đồng thời cũng có cả tham vọng toàn cầu. Và tại điểm này, tất nhiên, Trung Quốc có giao nhau lợi ích với Mỹ.

Washington hiện đang chịu những áp lực về quân sự và tài chính, tờ báo lưu ý. Trước bối cảnh như vậy, người ta có thể hiểu tại sao Tổng thống Mỹ Donald Trump lại khẳng định rằng các quốc gia thành viên NATO phải dành ít nhất 2% GDP cho quốc phòng. Tuy nhiên, các tác giả của nghiên cứu này lại tỏ ra nghi ngờ về khả năng Mỹ có thể tìm thấy câu trả lời chính xác trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Bắc Kinh cũng nhanh chóng có những phản ứng về kết quả nghiên cứu này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng khẳng định đất nước của ông đang đi theo con đường “phát triển hòa bình”, và chính sách phát triển vũ khí này chỉ mang tính chất phòng thủ.

Sự phát triển vũ khí của Trung Quốc có thể còn mang lại những tác động về kinh tế đối với Mỹ. Mục tiêu của Bắc Kinh là ngăn chặn tàu Mỹ tiếp cận các khu vực nhất định trên Thái Bình Dương. Và điều này có thể gây tổn hại không chỉ về mặt quân sự, mà còn cho cả những lợi ích thương mại của Washington.

Ông Jens Stoltenberg khẳng định Trung Quốc còn đang tạo ra mối đe dọa hạt nhân. Thêm vào đó, việc mua hoặc thuê lại các cảng biển, nhà máy đóng tàu, cũng như việc thiết lập các căn cứ hải quân cũng là một phần trong chiến lược của Bắc Kinh. Người Trung Quốc hiện đang nhắm tới Papua New Guinea – nơi bị sa lầy trong nợ nần, và xưởng đóng tàu quốc gia ở Vịnh Subic của Philippines. Brussels cũng không loại trừ khả năng quân đội Trung Quốc có thể sớm xuất hiện ở Balkan.

Văn Đức

 

Đọc nhiều