Tập Cận Bình đang đóng vai “người tốt” còn Trung Quốc là “Chiến lang”

28/06/2021 14:55

Thuật ngữ “Chiến lang” xuất phát từ một bộ phim cùng tên của Trung Quốc, dùng để chỉ các quan chức ngoại giao tìm mọi cách bảo vệ, bênh vực chính quyền bất chấp việc sỉ nhục, làm phương hại người khác.

Vụ tẩy chay nhãn hiệu thời trang H&M vì không sử dụng bông Tân Cương là một vụ điển hình của chủ nghĩa dân tộc phát tác (Ảnh: Deutsche Welle).
Vụ tẩy chay nhãn hiệu thời trang H&M vì không sử dụng bông Tân Cương là một vụ điển hình của chủ nghĩa dân tộc phát tác (Ảnh: Deutsche Welle).

Tuy nhiên, cách đây không lâu, ông Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo đảng và nhà nước Trung Quốc dường như đã phát đi tín hiệu sửa đổi đường lối ngoại giao được cho là hiếu chiến này. Khi phát biểu tại một Hội nghị Bộ Chính trị hôm 3/6, ông Tập Cận Bình đã yêu cầu xây dựng một hình ảnh Trung Quốc “đáng tin cậy, đáng yêu và đáng kính”, đồng thời yêu cầu các quan chức và giới truyền thông “hãy nói những điều hay của Trung Quốc”.

Trang Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 27/6 đăng bài “Ngoại giao Chiến lang và ‘nói tốt về Trung Quốc’” bàn về vấn đề này. Bài báo viết: Một số nhà phân tích cho rằng động thái này cho thấy Bắc Kinh đã ý thức được rằng sau nhiều năm ra sức kích động chủ nghĩa dân tộc trong nước, không gian ngoại giao của Trung Quốc đã trở nên rất hạn chế. Ông Florian Schneider, Giám đốc Trung tâm Leiden Nghiên cứu châu Á tại Hà Lan cho rằng việc điều chỉnh đường lối ngoại giao cho thấy các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đã nhận ra rằng “chiến lược ngoại giao của Trung Quốc trong những năm gần đây đã không được hoan nghênh ở nước ngoài, ngay cả trong số các đồng minh của họ”. Ông cho rằng giới lãnh đạo Trung Quốc đã rơi vào tình thế khó xử. Một mặt, họ cam kết với cộng đồng quốc tế về một Trung Quốc hiền lành và tốt bụng; nhưng mặt khác, họ lại hứa với người dân trong nước một Trung Quốc tự tin và mạnh mẽ.

Báo Đức: mâu thuẫn giữa ngoại giao Chiến lang và “nói tốt về Trung Quốc” ảnh 1
Phát biểu tại Hội nghị Bộ Chính trị hôm 3/6, ông Tập Cận Bình yêu cầu các cơ quan tuyên truyền phải tạo ra hình ảnh một nước Trung Quốc “đáng tin, đáng yêu, và đáng kính” (Ảnh: CNS).

Những quan chức và trí thức Trung Quốc tỉnh táo chủ trương tái độ khiêm nhường, thường bị phe dân tộc chủ nghĩa chỉ trích. Vào tháng 6 năm nay, một số blogger “yêu nước” đã mở cuộc tấn công dữ dội vào một dự án trao đổi học thuật do chính phủ Nhật Bản tài trợ, cáo buộc những người Trung Quốc tham gia dự án này là “Hán gian” vì họ không chỉ lấy tiền của người Nhật mà còn viết bài ca ngợi Nhật Bản. Cuối cùng, chính phủ Trung Quốc buộc phải đứng ra làm rõ, tuyên bố rằng dự án trao đổi học thuật này có lợi cho việc “xây dựng lòng tin, tăng cường tình hữu nghị”. Tuyên bố của chính quyền rõ ràng trái ngược hoàn toàn với những blogger yêu nước đã chửi bới một nhà văn Trung Quốc là “kẻ tay sai táng tận lương tâm của Nhật Bản”.

Khi dự án giao lưu văn hóa Trung – Nhật đang gây ra một cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng, một vụ việc khác đã xảy ra: một đoàn thượng nghị sĩ Mỹ đáp máy bay vận tải quân sự đến Đài Bắc để tặng vaccine COVID-19 cho Đài Loan. Lập tức có cư dân mạng phẫn nộ đăng bài chất vấn: “Chiếc máy bay này đã xâm lược vùng trời của chúng ta. Tại sao chúng ta không bắn hạ nó”. Rất nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã bày tỏ ý kiến ​​tán thành bài đăng này và chỉ trích chính phủ “mềm yếu bất lực”.

Báo Đức: mâu thuẫn giữa ngoại giao Chiến lang và “nói tốt về Trung Quốc” ảnh 2
Sự kiện các thượng nghị sỹ Mỹ đáp máy bay quân sự đến Đài Bắc đã gây nên làn sóng giận dữ trong cộng đồng mạng Trung Quốc (Ảnh: AP).

Khi tình thế có lợi cho mình, chính quyền Bắc Kinh có xu hướng dung túng, thậm chí kích động chủ nghĩa dân tộc. Việc tẩy chay các nhãn hiệu quần áo nước ngoài xuất hiện trên Internet Trung Quốc đầu năm nay minh chứng cho vấn đề này. Các nhà sản xuất quần áo này thông báo rằng họ sẽ không sử dụng vải bông được sản xuất ở Tân Cương vì bị nghi ngờ sử dụng lao động cưỡng bức.

Tuy nhiên, ngay cả những người ủng hộ cấp tiến nhất đối với nhà cầm quyền cũng thừa nhận rằng thái độ ôn hòa và lời lẽ nhẹ nhàng dường như phù hợp hơn với vị thế nước lớn của Trung Quốc. Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập của tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times) theo chủ nghĩa dân tộc, vào tháng trước đã viết rằng các tài khoản mạng xã hội của các cơ quan truyền thông chính thống của Trung Quốc nên nêu cao “ngọn cờ nhân đạo”. Trước đó, một tài khoản mạng xã hội của truyền thông chính thống đã sử dụng giọng điệu chế giễu để nói về việc Ấn Độ bất lực trong công tác đối phó với dịch bệnh.

Ông Jonathan Hassid, Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Iowa (Mỹ), nói với hãng tin Pháp AFP rằng, tư tưởng Chiến lang có lúc có thể khiến tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát. “Nếu Trung Quốc muốn thiết lập một hình ảnh quốc tế ôn hòa, những người yêu nước trong nước của họ sẽ tràn đầy phẫn nộ. Nhưng nếu làm theo những người yêu nước này, cộng đồng quốc tế sẽ có ấn tượng rất tiêu cực về Trung Quốc”.

Báo Đức: mâu thuẫn giữa ngoại giao Chiến lang và “nói tốt về Trung Quốc” ảnh 3
Câu nói cứng rắn của ông Dương Khiết Trì đáp trả Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại cuộc gặp gỡ Alaska được in lên áo pull, vỏ điện thoại…bán khắp Trung Quốc (Ảnh: Deutsche Welle).

Đường lối cứng rắn sẽ không thay đổi

Bài báo của Deutsche Welle viết: Vào giữa tháng 6, Bắc Kinh đã ban hành “Luật chống nước ngoài trừng phạt” nhằm phản kích khi bị các lệnh trừng phạt của nước ngoài. Việc tờ báo dân chủ Hong Kong Apple Daily (Bình Quả Nhật báo) vừa bị đóng cửa vào tuần trước một lần nữa khiến Bắc Kinh trở thành tâm điểm chú ý của quốc tế. Có nhiều dấu hiệu cho thấy ngôn ngữ ngoại giao của Bắc Kinh có thể có xu hướng ôn hòa, nhưng đường lối cứng rắn của họ sẽ không có những thay đổi thực chất. Adam Ni, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Chính trị Canberra (Australia), cho rằng các mục tiêu mà Bắc Kinh đang theo đuổi là “mâu thuẫn với nhau”: “Một mặt Bắc Kinh muốn cải thiện hình ảnh quốc tế của mình, nhưng nhu cầu của chính trị trong nước và lợi ích của chính họ khiến các nhà chức trách phải làm những việc với hiệu quả ngược lại”.

Thu Thủy

Tags :
Đọc nhiều