2
category
442978

Bão số 9 đang vào bờ, nhiều tỉnh thành cấm người dân ra đường sau 20h

Hoài Nam 27/10/2020 17:00

Trong chiều nay 27-10, bão chủ yếu di chuyển theo hướng Tây với tốc độ rất nhanh là 20-25 km/h, bão sẽ đi thẳng vào bờ.

Nhiều tỉnh thành như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế, Bình Định… đã yêu cầu người dân không ra khỏi nhà từ 20h.

Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh thành như Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Quảng Nam… thông báo cho học sinh nghỉ học vào ngày 28-10.

Trong chiều 27-10, đã có 2 tàu cá bị chìm do bị phá nước khi đang đi tránh trú bão ở Khánh Hòa. Khu vực tàu bị nạn đang có sóng và gió lớn nên công tác cứu hộ cứu nạn diễn ra hết sức khó khăn.

Tỉnh Bình Định: Người dân không được ra đường tới khi có thông báo mới

Đến 21h30 ngày 27-10, toàn bộ người dân sống tại khu vực ven biển thị xã Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) đã được di dời đến nơi an toàn.

Ông Văn Thanh Gia, phó bí thư thị xã Hoài Nhơn, cho biết thông tin trên. Người dân sống ở khu vực nguy hiểm đã đến nơi an toàn và đang nghỉ ngơi lấy sức.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Hồ Quốc Dũng, đã công văn yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 22h tối nay 27-10. Khi bão đổ bộ, người dân tuyệt đối không được ra đường để đảm bảo an toàn. Khi bão tan, chính quyền có thông báo thì người dân mới được ra đường.

Đà Nẵng: giăng rào chắn ở các lối lên cầu Sông Hàn và Cầu Rồng

21:36

Tại TP Đà Nẵng đang có gió lớn kèm mưa to. Lực lượng chức năng vẫn đang tháo dỡ các bảng biển trên các con đường. Dù đã có thông báo cấm ra đường sau 20h nhưng trên cầu Rồng, cầu Sông Hàn vẫn có người dân qua lại. Nhiều xe đã phải dừng dắt bộ qua cầu vì gió quá mạnh.

Cơ quan chức năng giăng barie chắn lối lên cầu Rồng – Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Sau 22h, lực lượng chức năng đã giăng rào chắn ở các lối lên cầu Sông Hàn và Cầu Rồng, chỉ có một số xe người dân có lý do khẩn cấp hoặc về nhà ở gần các cầu này mới được phép đi qua, còn lại đều phải quay đầu xe.

Mưa bắt đầu lớn và gió càng lúc càng mạnh ở TP Đà Nẵng mặc dù đây không phải là nơi tâm bão số 9 trực tiếp đổ bộ.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, nhờ việc cắt tỉa cây xanh được thực hiện rất tốt trước mỗi trận bão nên dù gió lớn, tại Tp này vẫn chưa xuất hiện cây hãy đổ.

Khẩn trương cứu dân trong “thời gian vàng”

20:57

Trong cuộc họp vào lúc 19h tối 27-10 tại sở chỉ huy tiền phương (Đà Nẵng), Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định, từ giờ cho đến 2h ngày 28-10 là thời gian vàng để các địa phương tiếp tục các biện pháp phòng tránh và sơ tán dân.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo cuộc họp tiền phương tối 27-10

Phó thủ tướng không vừa lòng khi một số địa phương đến thời điểm này vẫn chưa hoàn tất công tác di dân đến nơi an toàn, hoặc di dân đến những nơi tập trung chưa đảm bảo an toàn với bão cấp 12 – 13, giật cấp 14 – 15. Biện pháp bảo vệ các công trình vẫn chưa tương xứng với cường độ cơn bão.

“Tôi yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải thức trắng cả đêm nay để chỉ đạo. Các đồng chí ngồi trong phòng họp này cũng phải thức trắng cả đêm để chỉ đạo. Tôi yêu cầu ngay sau cuộc họp này, công an gọi cho công an, bộ đội gọi cho bộ đội, các ngành gọi cho các ngành… để làm sao hạn chế thấp nhất có thể thiệt hại về người.

Trước mắt, các địa phương phải tổng kiểm tra các điểm sơ tán dân, chỗ nào chưa an toàn, không thể chịu được gió cấp 12 – 13 thì phải dời dân đi nơi khác”, phó thủ tướng nói.

Gấp rút sơ tán dân cồn An Phú giữa sông Trà Khúc vào bờ

20:31

Tối 27-10, ông Võ Văn Khương, chủ tịch xã Tịnh An, TP Quảng Ngãi cho biết đơn vị đang phối hợp lực lượng quân đội, công an dùng thuyền di dời, sơ tán các hộ dân ở cồn An Phú giữa sông Trà Khúc vào bờ tránh bão.

Sơ tán người dân ở thôn An Phú, xã Tịnh An, thành phố Quảng Ngãi lúc 20h15 ngày 27-10 – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhiều hộ đang sơ tán trong tối nay có trẻ nhỏ – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo ông Khương, do nước sông Trà Khúc dâng cao nên đường dân sinh ra thôn An Phú đã ngập, lực lượng chức năng phải dùng thuyền. Dự kiến đến 21h tối nay, toàn bộ người dân thôn An Phú của xã sẽ được đưa vào bờ.

Nhiều hộ dân khu dân cảng Sa Huỳnh vẫn chưa chịu di tản

20:09

Khoảng 17h, mưa gió bắt đầu nổi lên ở khu vực cảng cá Sa Huỳnh, tổ dân phố Thạch Bi 1, P.Phổ Thạnh, Thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi, một trong những khu vực đang được xác định nằm trong vùng tâm bão số 9. Tuy nhiên, đến 19h, điểm được chọn làm nơi di tản trú bão là Trường Tiểu học Phổ Thạnh 2 vẫn mới chỉ có hai hộ dân vào trú bão.

Người dân cảng Sa Huỳnh đội mưa ra kiểm tra tài sản – Ảnh: SƠN LÂM

Cầu Thạnh Đức vượt qua đầm Nước Mặn, nơi sát cảng cá Sa Huỳnh, ngăn cách giữa tổ dân phố Thạch Bi 1 và tổ dân phố Thạnh Đức 2 đã bị cấm để hạn chế sóng to, gió lớn gây nguy hiểm cho người qua lại. Tuy nhiên, vẫn rất nhiều người đội mưa ra xem lại các ghe cá của mình vì “không yên tâm”.

Ông Võ Đông Châu, trưởng tổ dân phố Thạch Bi 1 khi thấy phóng viên, đã than thở: “Người dân vẫn chủ quan quá, chiều nói tự đi di tản hết rồi nhưng bây giờ nhiều người đã quay lại nhà. Chính quyền nhắc nhở nhiều rồi”.

Ông Châu cho biết đặc biệt, khu vực Cồn Nước Mặn như một hòn đảo nổi giữa đầm, có 102 hộ cần di chuyển, nhưng đến giờ vẫn còn nhiều người chưa chịu đi. Ông Châu cho biết cứ đà này, phải đi vận động cho đến nửa đêm. Hiện, khu vực này vẫn có mưa và nhiều gió thổi tứ phía, điển hình kiểu thời tiết trước khi bão vào.

Bão cách Phú Yên 315km, sức gió giảm 1 cấp

19:49

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Lúc 19h hôm nay 27-10, tâm bão số 9 cách Phú Yên khoảng 315 km. Sức gió mạnh nhất cấp 14 (135-150km/h), giật cấp 16, giảm 1 cấp so với các bản tin trước đó.

Tâm bão số 9 ở khoảng 13,7 độ Vĩ Bắc; 112,2 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng khoảng 480km, cách Quảng Nam 425km, cách Quảng Ngãi 385km, cách Phú Yên 35km.

Kiểm soát nghiêm việc cấm người dân ra đường sau 20h

19:45

Chủ tịch UBND Quảng Nam Lê Trí Thanh đã có công văn yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 20h tối nay 27-10, cho đến khi có thông báo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ làm việc ngày 28-10 (trừ các bộ phận liên quan đến phòng, chống thiên tai).

Đường phố Đà Nẵng vắng vẻ, người dân hạn chế ra ngoài trong tối 27-10 – Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi có công văn giao Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương, Chủ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị, cơ quan mình và diễn biến của cơn bão số 9, thực hiện việc cho người lao động tạm thời nghỉ việc ngày 28 và 29-10.

Theo chỉ đạo tại sở chỉ huy tiền phương (Đà Nẵng), việc cấm người dân ra đường chưa có luật cấm nhưng vẫn dùng từ “cấm” và phải ráo riết, nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn cho người dân. Lực lượng CSGT cũng đã có mặt ở một số tuyến đường để điều phối các dường xe và chuẩn bị kiểm soát nghiêm việc người dân ra đường sau 20h. Hiện TP Đà Nẵng đã bắt đầu xuất hiện mưa.

Gió bão ở Song Tử Tây đã giảm

Lúc 19h20 ngày 27-10, ông Hoàng Thanh Tú – chủ tịch UBND xã đảo Song Tử Tây (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) – cho biết gió bão đã giảm bớt một cấp, còn khoảng cấp 7-8, sóng cũng giảm còn cấp 6, biển động mạnh.

“Toàn bộ xã đảo Song Tử Tây an toàn. Chỉ có một số cây xanh ngã đổ”, ông Tú thông tin.

Cây xanh ngã đổ ở xã đảo Song Tử Tây – Ảnh: CÔNG VIỄN

Trước đó, từ rạng sáng 27-10, ở xã đảo Song Tử Tây có gió mạnh cấp 8-9, sóng cấp 7, mưa lớn. Tình trạng thời tiết này kéo dài cả ngày 27-10 tại xã đảo này.

Thầy giáo Nguyễn Hữu Phú, giáo viên ở xã Song Tử Tây, cho hay anh ở đây từ năm 2018, từng chứng kiến nhiều trận bão, nhưng cơn bão số 9 này lớn, gió giật mạnh liên tục và kéo dài suốt ngày.

Ông Lê Đình Hải – chủ tịch UBND huyện Trường Sa – cho hay bão số 9 ảnh hưởng trực tiếp đến xã đảo Song Tử Tây, các xã đảo, đảo còn lại của huyện bị ảnh hưởng nhẹ hơn nhưng sóng biển dâng cao.

Quảng Nam bắt đầu có mưa, gần 10.000 người sơ tán đến nơi an toàn

Đến 18h, tại khu vực gần biển huyện Núi Thành, TP Tam Kỳ đã bắt đầu có mưa sau những ngày nắng ráo. Theo ghi nhận của PV, ở TP Tam Kỳ bắt đầu có mưa nhỏ nhưng không có gió. Tại miền biển huyện Núi Thành, nhiều người dân cho biết mưa đã nặng hạt kèm theo gió mạnh.

Gần 10.000 người dân sống ở ven biển, khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt ở ba xã Tam Thanh, Tam Phú, Tam Thăng (TP Tam Kỳ) đã được lực lượng phòng chống thiên tai tỉnh này đưa về các trường học, nhà văn hóa để tránh trú bão số 9.

Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai đã bố trí 8 điểm tiếp nhận dân, chuẩn bị lương thực, nước uống trong vòng hai ngày, phát đồ dùng cá nhân như chăn, chiếc, xếp bàn thành giường. Cán bộ y tế theo dõi cho những người mắc bệnh tại các điểm tiếp nhận dân.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền – ban quản lý tại Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam – cho biết, đã bố trí hơn 20 phòng để đón hơn 600 người dân. “Chúng tôi còn huy động nguồn vốn xã hội để mua lương thực và nước uống cho người dân trong vòng hai ngày tránh bão”, bà nói.

Sơ đồ đường đi và vị trí tâm bão lúc 16h – Ảnh: Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia

Còn 20 tàu cá trong vùng nguy hiểm

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, đến đến 16h ngày 27-10. Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định đã cấm biển.

Tuy nhiên, vẫn còn 20 tàu nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão số 9. Trong đó, có một tàu cá tàu cá BĐ-96388 /12 ngư dân bị phá nước chìm cách Hòn Tre, Khánh Hòa 120 hải lý. Tại khu vực này, tàu BĐ-98658-TS/14 LĐ đã tiếp cận nhưng không tìm thấy 12 người của tàu BĐ-96388. Hiện các lực lượng đang thông báo để các tàu hoạt động gần khu vực trên tham gia tìm kiếm người mất tích.

Về công tác sơ tán dân, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên dự kiến sơ tán 492.000 người trong khu vực nguy hiểm trước khi bão đổ bộ, và hoàn thành trong chiều 27-10. Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định quyết định cho học sinh nghỉ học từ ngày 27-10.

Chiều 27-10, Sở Giáo dục và đào tạo Khánh Hòa có văn bản thông báo cho toàn bộ học sinh các cơ sở giáo dục trên địa bàn nghỉ học vào ngày 28-10.

Mưa trắng trời ven biển Quảng Ngãi

Từ hơn 17h10 ngày 27-10, tại xã ven biển Bình Đông (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã bắt đầu có mưa lớn. Người dân đang khẩn trương di chuyển về nhà hoặc đến những nơi trú ẩn mà chính quyền địa phương đã hướng dẫn từ trước.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Thanh Vũ – chủ tịch UBND xã Bình Đông – cho biết, đến thời điểm này, địa phương đã di dời 4.000 người đến nơi trú ẩn an toàn, trong đó đa số là người già, phụ nữ và trẻ em. Hiện, số còn lại chủ yếu là thanh niên cũng sẽ được đưa đến nơi ở an toàn.

Ven biển Quảng Ngãi đã xuất hiện mưa to trắng trời – Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Tại huyện Lý Sơn, lúc 18h, ông Nguyễn Quốc Việt, chủ tịch UBND huyện này cho biết mưa lớn và gió đang bắt đầu mạnh dần, các loa phát thanh và lực lượng chức năng rà soát, đề nghị người dân không ra khỏi các nhà ở và khu vực trú bão an toàn.

Gần 1.000 người dân được sơ tán đến tránh trú bão tại các nhà nghỉ, khách sạn, cơ quan, trường học kiên cố. Đồng thời bố trí trang thiết bị, thức ăn đầy đủ cho những hộ dân sơ tán tập trung.

Đối với đảo Bé, người dân đã đến trụ sở làm việc và trường học trên đảo tránh trú bão. 1,5 tấn gạo cũng được xuất hỗ trợ dân, đề phòng trường hợp sau bão sóng to tàu bè không tiếp cận đảo tiếp tế cho người dân.

“Theo dự báo 0h đêm nay bão sẽ đổ bộ vào Lý Sơn, dù các phương án chống bão đã xong nhưng huyện vẫn trực chiến 24/24 giờ, sẵn sàng trong mọi tình huống xảy ra trong và sau bão”, ông Việt nói.

Quy Nhơn bắt đầu mưa lớn

Từ khoảng 16h ngày 27-10, khu vực TP. Quy Nhơn đã bắt đầu có mưa. Cường độ mưa lớn dần. Đến 17h30, mưa đã bắt đầu nặng hạt và có gió lớn.

Tuân thủ các quy định nhằm hạn chế thiệt hại trong bão – lũ, người dân TP. Quy Nhơn hầu như không ra khỏi nhà. Đa số các hàng quán đều đã đóng cửa.

Tàu cá từ Trường Sa về Quy Nhơn tránh bão

Những tàu đánh cá từ Trường Sa và các vùng biển Bắc Bộ, Nam Trung Bộ đã cập vào vùng bờ biển Quy Nhơn để tránh trú bão số 9 đang đến rất gần.

Khu vực đầm Thị Nại có khoảng 600 tàu thuyền neo đậu. Đa số là tàu đánh bắt xa bờ trở về trong ngày 26 và 27-10. Cảng cá Hải Cảng (TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, gần đầm Thị Nại) vẫn tấp nập mua bán để kịp chuyển đi toàn bộ số cá tàu vừa đưa về từ trưa 27-10. Đây cũng là những chuyến hàng cuối cùng trước khi biển động trong nhiều ngày tới.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra ứng phó bão tại khu công nghiệp Dung Quất

Chiều 27-10, sau khi thăm hỏi người dân tại khu sơ tán Cửa Đại, Hội An, Quảng Nam, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu đoàn công tác chia thành 3 mũi đi kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó bão.

Phó thủ tướng tiếp tục đi kiểm tra công tác tác ứng phó bão tại khu công nghiệp Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi.

Đoàn do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường kiểm tra công tác ứng phó bão tại khu kinh tế Chu Lai, tỉnh Quảng Nam.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra cầu cảng số 1 Cảng Dung Quất chiều 27-10 – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn kiểm tra công tác đảm bảo an ninh an toàn cho người dân tại Quảng Nam, Đà Nẵng.

Tại Hội An, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ, đây là cơn bão mạnh nhất trong 20 năm, các nhà yếu sẽ không chịu nổi.

“Nên bà con chịu khó vất vả, thực hiện ý kiến chỉ đạo chính quyền, chủ động sơ tán. Tôi đề nghị lực lượng công an bảo vệ tài sản người dân, bảo vệ an ninh trật tự để bà con yên tâm. Tôi cũng đề nghị chính quyền bảo đảm lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho bà con tại nơi sơ tán. Khi an toàn, chúng ta sẽ trở về”, phó thủ tướng chia sẻ với người dân địa phương.

Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh cần khẩn trương gia cố các khu vực sạt lở nguy hiểm, xung yếu, bảo vệ các cơ sở kinh tế ven biển, nhà cửa, tài sản của người dân.

Thị xã Đức Phổ bắt đầu có mưa

Mưa đã bắt đầu xuất hiện tại xã Phổ An, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi. Từ chiều nay, tại các xã ven biển, phóng viên ghi nhận gió giật do bão cũng đã xuất hiện và tăng dần cường độ. Theo bản tin dự báo thời tiết mới nhất của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, các huyện phía nam tỉnh Quảng Ngãi, bao gồm thị xã Đức Phổ sẽ là tâm bão số 9 khi đổ bổ vào đất liền.

Tại xã Phổ An, hơn 400 hộ dân với 1.300 nhân khẩu đã bắt đầu di tản tránh bão.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Công điện 1490/CĐ-TTg yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 9

Để ứng phó với bão, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Các bộ, ngành và địa phương tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt công tác ứng phó với bão theo Công điện số 1470/CĐ-TTg ngày 26-10-2020 của Thủ tướng Chính phủ; các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Ban Chỉ đạo tiền phương.

Tiếp tục rà soát, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm và về nơi tránh trú an toàn.

Rà soát, chủ động sơ tán triệt để người dân ra khỏi những nơi nguy hiểm, không bảo đảm an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp, nhất là trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản trên biển, ven biển; trên tàu thuyền; trong các nhà không an toàn, các khu dân cư vùng thấp trũng ven biển, cửa sông, bãi ngang có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu hoặc tác động trực tiếp của sóng…

Chằng chống, gia cố nhà cửa, kho tàng, trụ sở, trường học, cơ sở y tế, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, triển khai phương án bảo vệ các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch để hạn chế thiệt hại do bão.

Chủ động khuyến cáo, hướng dẫn người dân hạn chế hoặc không ra đường trong đêm nay và ngày mai.

Triển khai các biện pháp phòng, chống mưa lũ trước, trong và sau bão, đặc biệt lưu ý bảo đảm an toàn hồ đập, ứng phó nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu.

Các bí thư, chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Bình Thuận; các tỉnh khu vực Tây Nguyên trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về địa phương của mình. Yêu cầu giảm thiểu ở mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão gây ra.

2. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các địa phương huy động tối đa lực lượng, phương tiện, tập trung ứng phó, cứu hộ cứu nạn khi bão vào và sau khi bão kết thúc, nhất là những sự cố sạt lở đất, ngập lụt.

Bình Sơn bắt đầu gió mạnh

16h30, tại huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, nơi được dự báo là tâm bão khi bão đổ bộ vào đất liền, gió bắt đầu quật từng đợt.

Các lực lượng cứu hộ, cứu nạn vẫn đi rà soát các khu vực, đảm bảo không có người dân nào ở lại những nơi không an toàn.

Theo kinh nghiệm của nhiều ngư dân, bão chắc chắn sẽ rất lớn. Bởi trong ngày, trời ngả màu vàng như mỡ gà rán, gió đứng đến mức không có động tĩnh.

Kinh nghiệm của ngư dân rất đáng giá bởi nhiều năm, họ dựa vào kinh nghiệm dân gian để di chuyển, mấy trận bão trước dù chính quyền có lệnh sơ tán nhưng người dân hiếm khi chịu di dời. Lần này, các làng chài ven biển điều chủ động di dời, chèn chống nhà cửa từ sớm.

Di dời thêm nhà cấp 4, nhà kết cấu yếu ven biển

Sau cuộc họp trực tuyến với Ban chỉ huy tiền phương do phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ trì, ông Hồ Quốc Dũng – bí thư kiêm chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, chỉ đạo các địa phương, lực lượng chức năng trong toàn tỉnh phải vận động di dời các nhà cấp 4, nhà kết cấu yếu ven biển để đảm bảo an toàn cho người dân.

Cấp tập vét ao bán tôm chạy bão số 9

Ngày 27-10, nhiều hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ven biển xã Phổ An, thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi) huy động nhân lực khẩn trương vét ao bán xổ để chạy bão số 9 sắp đổ bộ.

Ông Nguyễn Tấn Mỹ – chủ tịch UBND xã Phổ An, cho biết nghề nuôi tôm thẻ tại vùng cát ven biển tại xã này khá phát triển với hơn 100 hộ nuôi. Tuy nhiên khu vực nuôi tôm nằm rất sát bãi biển, có những ao bên ngoài chỉ cách mép nước vài chục mét nên khả năng bão số 9 mang theo sóng lớn sẽ đánh vào ao nuôi gây thiệt hại nặng.

Do đó từ sáng 27-10, hàng chục hộ nuôi đã gọi thương lái về bán xổ chạy bão, đặc biệt là các ao nuôi sát biển. Do bán xổ và kích cỡ tôm nhiều ao nuôi chưa đạt nên giá thu mua có thấp hơn bình thường, một số hộ chỉ mong bán thu hồi vốn hoặc chịu lỗ nhẹ.

Dù vậy, đối với những ao tôm đã lớn đúng kích cỡ, giá thu mua vẫn được giữ tương đương với ngày thường. Chiều 27-10, chị Phạm Thị Thắm, xã Phổ An, đang nhờ hơn chục người hỗ trợ thu hoạch tôm để cân cho thương lái.

Để đảm bảo an toàn cho các hộ nuôi tôm, UBND xã Phổ An đã cử người đến từng ao nuôi vận động người dân ký cam kết thực hiện biện pháp bảo vệ tài sản và rời khỏi ao nuôi trước 17h ngày 27-10.

Mẻ tôm thu hoạch chạy bão vẫn đầy ắp và được giá của hộ chị Thắm – Ảnh: TẤN LỰC
Tôm thẻ chân trắng loại lớn được người nuôi thu hoạch gấp rút trong ngày 27-10 – Ảnh: TẤN LỰC

Hoài Nam (t.h)

Tags :
Đọc nhiều