130115
topics
382308

Báo chí xứng đáng là “mũi tiên phong” trên mặt trận tuyên truyền

sông trà 07/04/2020 18:28

Nếu như lực lượng cán bộ y tế trên tuyến đầu chống “giặc” COVID-19, quân đội công an là lực lượng hỗ trợ bệnh nhân, người nghi ngờ bị lây nhiễm, thì phóng viên, nhà báo là mũi tiên phong trên mặt trận tuyên truyền, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giữ vững “trận tuyến thông tin”.

Nghề báo cũng bị “sốc” vì dịch

Hội Nhà báo Việt Nam đã phải gửi Chính phủ về việc “Đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ cơ quan báo chí và người làm báo do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19”

Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã khiến nền kinh tế thế giới và trong nước chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Khi mà thị trường tiêu thụ bị co hẹp, các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, khách sạn nguồn thu bị sụt giảm. Với các ngành sản xuất, khó đảm bảo công việc cho người lao động trong tháng 3 vì thiếu hụt nguyên liệu sản xuất.

Theo thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ trong 2 tháng đầu năm nay đã có tới 16.151 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, 2.807 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Đây là tháng đầu tiên hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ghi nhận những tác động của dịch COVID-19.

Theo đó, một hệ lụy lớn, khó khăn lớn mà người trong nghề chúng tôi phải nói ra, dù không muốn nói đó là: Dịch COVID-19 được ví như “giọt nước tràn ly” đẩy báo chí vào tình hướng “tay bấu mép vực”, kiệt sức khi nào không hay. Bởi vừa phải gồng mình chạy đua với thông tin, tác nghiệp trong nguy hiểm, canh cánh nỗi lo “cơm áo gạo tiền, khi doanh thu sụt giảm trầm trọng.

Một con số thống kê cho thấy, trong số 72 cơ quan phát thanh truyền hình, số cơ quan tự chủ hoàn toàn kinh phí là 16, số cơ quan tự chủ một phần là 51, số cơ quan được ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên là 5. Tổng doanh thu của của năm 2019 đạt 11.394 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2018, nhưng doanh thu quảng cáo sụt giảm. Theo báo cáo của một số đài phát thanh truyền hình, số nộp ngân sách nhà nước giảm do doanh thu giảm.

Có thể nói, báo chí đang trải qua giai đoạn đặc biệt khó khăn. Khi mà lượng người xem tăng đột ngột nhưng tiền lại giảm sút vì quảng cáo mất mùa, phát hành “đóng băng”, trong khi vẫn phải tác nghiệp  trên tuyến đầu thông tin nguy hiểm.

Độc giả thì muốn cập nhật thông tin mới, nhưng cơ quan báo chí thiếu tài chính, tháo gỡ thế nào thì vẫn phải giải được bài toán trả lương, trả nhuận bút cho người lao động. Nhiều cơ quan báo chí phải tự chủ về tài chính dường như “kiệt sức”, việc vang lên tiếng cầu cứu cũng là “bất đắc dĩ”.

Mới đây, Hội Nhà báo Việt Nam gửi Chính phủ về việc “Đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ cơ quan báo chí và người làm báo do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19”, trong nội dung công văn có viết:

“Cho phép cơ quan báo chí được gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân năm 2020; miễn tiền phạt chậm nộp thuế. Cho phép các cơ quan báo chí được phép lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và được sử dụng một phần kinh phí từ quỹ này để chi cho một số hoạt động phục vụ công tác bảo vệ, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh của cơ quan và phóng viên tác nghiệp hiện trường.

Bổ sung trang thiết bị công nghệ phục vụ các kênh họp chuyên môn trực tuyến hoặc tổ chức trực tuyến trong thời gian phòng chống dịch; hoặc các sự kiện; điều tiết bổ sung cho quỹ, đảm bảo để cán bộ, phóng viên an tâm tác nghiệp trong thời gian tuyên truyền phòng chống dịch bệnh”.

Các cơ quan báo chí cũng phải tự vượt qua thử thách hiện nay như cộng đồng doanh nghiệp, không đòi hỏi những ưu tiên hơn bất kỳ tổ chức nào khác. Hai nội dung đề xuất trên của Hội Nhà báo Việt Nam là phù hợp với thực tế, rất mong được Chính phủ chấp thuận.

Giữ vai trò tiên phong ở “trận tuyến thông tin”

Dịch COVID-19 đã và đang lan rộng trên khắp thế giới và thông tin sai lệch về nó cũng lan rộng tương tự. Các ông lớn mạng xã hội như Facebook, Twitter và Google cho biết, họ đã nỗ lực xoá những tin giả về virus corona khỏi nền tảng của mình nhanh nhất có thể và nhấn mạnh việc hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các tổ chức chính phủ khác để đảm bảo mọi người dùng đều nhận được thông tin chính xác.

WHO vào tháng 2 cũng đưa ra cảnh báo về những email giả, giả mạo đại diện WHO gửi đến một số người dân. Những email này đều mang các mã độc, gây nguy hiểm đến thông tin của người dùng.

Công ty an ninh mạng Check Point cho biết, trong số hơn 4.000 trang web liên quan đến virus corona và sử dụng các từ khóa như “corona” và “covid” mà công ty này theo dõi, 3% được coi là mang lại thông tin độc hại và 5% khác được cho là đáng ngờ.

Còn ở Việt Nam hiện nay, khi số lượng người sử dụng Internet là 64 triệu, chiếm 2/3 dân số; 58 triệu tài khoản Facebook…, không gian mạng trở thành một môi trường lý tưởng để phát triển và kéo theo cả những cạm bẫy, “rác rưởi”.

Đáng chú ý, lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các thế lực thù địch, các đối tượng chống đối, phản động và một số người dân nhận thức chưa đầy đủ… đã đăng tải, phát tán nhiều thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc tình hình dịch bệnh tại Việt Nam.

Vì lẽ đó, nhiệm vụ của báo chí là tường thuật một cách chi tiết ở mức cần thiết giúp công chúng hiểu đúng về những gì đang diễn ra. Những nhà báo tác nghiệp ở các vùng dịch và các điểm có nguy cơ lây nhiễm cao, cũng là một sự dấn thân, chấp nhận rủi ro vì trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Điều này cũng có nghĩa, một nghĩa vụ nặng nề đối với các nhà báo là phải tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức cao nhất khi đưa tin về dịch bệnh.

Thực tế, các cơ quan báo chí đã chủ động tăng thời lượng, số lượng các tin, bài khuyến cáo, hướng dẫn người dân nhận thức đầy đủ nguy cơ và cách thức phòng ngừa dịch bệnh, cũng như nâng cao ý thức về việc tuân thủ các khuyến cáo, biện pháp của cơ quan chức năng nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Việc cập nhật thường xuyên, liên tục, chính xác, đầy đủ của cơ quan báo chí về diễn biến tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống, ngăn chặn lây lan dịch bệnh từ nguồn chính thức của cơ quan cơ quan có thẩm quyền đã giúp ngăn chặn sự hoang mang, lo lắng cho xã hội trước nhiều nguồn tin giả, tin sai sự thật về COVID-19 đã và đang xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội.

Theo đánh giá mới đây của Tiểu ban Truyền thông (thuộc Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19), thời gian qua, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, sự đồng hành với ý thức trách nhiệm cao của người dân trong việc hợp tác cùng chính quyền thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình. Đặc biệt, các cơ quan báo chí đã thể hiện được rõ vai trò quan trọng của mình trong thời gian vừa qua.

Có thể nói, thời điểm toàn quốc đang cùng chung vai chống dịch, báo chí cần đưa tin một cách chính xác, trung thực có kiểm chứng từ cơ quan chức năng. Đặc biệt, không khai thác thông tin theo mạng xã hội nhằm tránh tạo hoang mang trong dư luận.

Và dù cũng đang chịu những áp lực, khó khăn, vất vả nhất định, nhưng vượt lên trên tất cả – báo chí vẫn làm tròn sứ mệnh truyền tải thông tin của mình, còn người làm báo xứng đáng là chiến sĩ trên “trận tuyến thông tin”.

Sông Trà

Đọc nhiều