Báo chí quốc tế nói gì về “Gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng” của Việt Nam ?

Lan Hoa 06/04/2022 10:27

Nếu xem nền kinh tế sau COVID-19 giống như một người vừa trải qua cơn “bạo bệnh” thì các gói hỗ trợ kinh tế kịp thời giống như 1 liều thuốc bổ giúp người bệnh phục hồi sức khỏe một cách nhanh chóng và an toàn. 

Tại Việt Nam, ngay từ đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành gói hỗ trợ khổng lồ với quy mô 350 nghìn tỷ đồng (tương đương 4% GDP). Đây là gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế lớn nhất từ trước đến nay kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Ba tháng trôi qua, chúng ta hãy cùng nhìn nhận và đánh giá về hiệu quả của gói kích cầu này dưới góc độ của báo chí quốc tế.

Mới đây, Fibre2Fashion – chuyên trang kinh tế lớn về ngành Dệt may của Mỹ đã có bài phân tích ngắn về gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ của Việt Nam. Trong bài viết, tác giả đã trích dẫn những phát biểu quan trọng của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2022 để làm nội bật nội dung của gói hỗ trợ này.

Thủ tướng cho biết, Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội với quy mô 350 nghìn tỷ đồng sẽ tập trung cho các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính như mở cửa nền kinh tế gắn liền với đầu tư; nâng cao năng lực y tế về phòng chống dịch bệnh; đảm bảo an sinh xã hội và việc làm cho người dân, đồng thời hỗ trợ phục hồi các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ…

Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ tập trung cho 3 khâu đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Cùng với đó, tiếp tục xây dựng, phát triển nền nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đẩy mạnh phòng chống tiêu cực tham nhũng; làm trong sạch bộ máy nhà nước, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số và đẩy mạnh chuyển đổi xanh, trên tinh thần không đánh đổi môi trường và công bằng xã hội để chạy theo tăng trường kinh tế lâu dài.

Trong tuần qua, hàng loạt các trang báo lớn cũng đưa tin về sự tăng trưởng GDP đáng kinh ngạc của Việt Nam trong quý I/2022. Dù mới chỉ triển khai một thời gian ngắn, nhưng “Gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng” của Chính phủ đã góp phần khắc phục đáng kể những thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra, đồng thời khôi phục lại thị trường lao động, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, đưa nền kinh tế quay trở lại trạng thái bình thường mới và bắt kịp với xu hướng phát triển của thế giới hiện tại.

Mới đây, Nasdaq- công ty dịch vụ tài chính tại Mỹ đưa tin : “Tăng trưởng GDP quý I của Việt Nam đạt 5% mặc dù có nhiều khó khăn”. Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng khá trong quý đầu tiên bất chấp những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 và vấn đề bất ổn chính trị toàn cầu.

Lĩnh vực sản xuất và xây dựng tăng 6,38% so với một năm trước đó, trong khi dịch vụ tăng 4,58% và nông nghiệp tăng 2,45%. Xuất khẩu trong quý đầu tiên tăng 12,9% và nhập khẩu tăng 15,9%. Các mặt hàng lớn như điện thoại, quần áo và giày dép tiếp tục là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022. Capital Economics kỳ vọng sự phục hồi của Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì trong những tháng tới, nhưng cũng cảnh báo những rủi ro bởi vấn đề năng lượng toàn cầu.

Cùng lúc, trang Nikkei Asia Review của Nhật cũng nhận định, doanh số bán lẻ của Việt Nam tăng 4,4% trong ba tháng đầu năm 2022 so với cùng thời điểm năm 2021. Điều đó đánh dấu sự phục hồi đáng kể trong bối cảnh hạn chế đại dịch thắt chặt.

Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 (nguồn: VNDIRECT RESEARCH)

Chính phủ vào ngày 15/3 đã quyết định mở cửa, chào đón khách du lịch nước ngoài. Điều này được cho là sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng nhanh chóng cho ngành dịch vụ, phục hồi du lịch. Vào tháng 12 vừa qua, Ngân hàng Phát triển Châu Á đã đặt mục tiêu năm 2022 cho tốc độ tăng trưởng của Việt Nam là 7,5%. Nhờ vậy Việt Nam sẽ là nước đứng đầu khu vực ASEAN và có tiềm năng trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trong khu vực Châu Á trong năm 2022.

Trong nước, tính đến ngày 25/3/2022, tổng số vốn được bàn giao cho các bộ, cơ quan và địa phương đủ điều kiện giải ngân trong năm 2022 đã đạt 82% số vốn kế hoạch ban đầu.

Cùng với sự ủng hộ của nhân dân cả nước và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, Gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ của Chính phủ đã phát huy được hiệu quả chỉ trong thời gian ngắn, tạo động lực để khôi phục, phát triển đất nước theo chiều hướng nhanh chóng và bền vững. Bởi vậy, kinh tế – xã hội của nước ta trong ba tháng đầu năm 2022 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hầu hết các ngành, các lĩnh vực đều có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các nguồn vốn lớn được bảo đảm đã tạo điều kiện để nền kinh tế chung mở cửa và ổn định trong những giai đoạn tiếp theo. Điểm sáng nổi bật trong quý I/2022 là tăng trưởng GDP đạt mức khá, tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 7,79% . Đáng chú ý, khu vực dịch vụ trong quý I cũng tăng trưởng khởi sắc khi hàng hoạt các động dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, bán lẻ… có dấu hiệu sôi động trở lại.

Tổng kết lại, có thể thấy rằng từ khi với gói kích cầu 350 nghìn tỷ của Chính phủ được triển khai,  cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân và các doanh nghiệp, Việt Nam chúng ta đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về kinh tế và xã hội kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Các doanh nghiệp phần nào đã giảm nhẹ được khó khăn, tăng sức chống chịu và dần phục hồi, tiếp tục con đường tái cơ cấu và ổn định nền kinh tế chung của xã hội.

Lan Hoa (Theo Nikkei, Nasdaq, Fibre2Fashion)

Đọc nhiều