2
category
400989

Báo chí phải phụng sự đất nước, nhân dân

14/06/2020 06:35

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh báo chí nước ta là báo chí cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, có sứ mệnh phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu tại buổi họp.

Sáng 13-6, tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6.1925 – 21.6.2020), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Hội nghị gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu.

Đi đầu trong việc định hướng dư luận xã hội

Tới dự Hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị: Ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư; ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; ông Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo các ban, bộ ngành trung ương; lãnh đạo các cơ quan báo chí; các nhà báo lão thành và 187 nhà báo tiêu biểu đại diện cho hơn 41.000 người làm báo cả nước đang ngày đêm nỗ lực, cống hiến hết mình để thực hiện tốt sứ mệnh người làm báo.

Phát biểu tại hội nghị, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng, nhấn mạnh 95 năm qua, kể từ ngày báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, xuất bản số đầu tiên, khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí đã luôn đồng hành trên những chặng đường đấu tranh kiên cường của Đảng ta, nhân dân ta, vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội.

Báo chí phải phụng sự đất nước, nhân dân - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Bình – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương – trao bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương cho ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác báo chí Ảnh: NGÔ NHUNG

Trong các cuộc kháng chiến anh dũng ấy, hàng trăm nhà báo – chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, góp phần tô thắm thêm trang sử vẻ vang của báo chí cách mạng và của dân tộc. Trong thời kỳ đổi mới, hơn 30 năm qua, những người làm báo tiếp tục là đội quân chủ lực đi đầu trong việc định hướng dư luận xã hội.

Từ những ngày đầu non trẻ, báo chí đã khẳng định tính chính nghĩa cách mạng. Tôi luyện, trải qua từng thời kỳ cách mạng của đất nước, báo chí không ngừng lớn mạnh, trưởng thành và đã trở thành vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng. Đến nay, cùng với những thành tựu to lớn, toàn diện của đất nước, báo chí nước ta đã có bước phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ. Nhiều tác phẩm báo chí có chất lượng tốt, thể hiện bản lĩnh chính trị và trách nhiệm xã hội, kỹ năng nghề nghiệp của người làm báo, tạo được hiệu quả xã hội cao, sức lan tỏa rộng rãi trong nhân dân.

Báo chí đã có những đóng góp quan trọng trong công tác thông tin về chủ quyền biển, đảo; thông tin tuyên truyền về đối ngoại; thông tin về những thành tựu trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới…

Mỗi nhà báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng

Phát biểu tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh gần một thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, vị thế của báo chí và người làm báo được tiếp tục khẳng định. “Đây là bước phát triển rất đáng tự hào của báo chí cách mạng – đội quân xung kích trên mặt trận tư tưởng – văn hóa của Đảng ta”.

Những người làm báo Việt Nam không ngừng được nâng cao về năng lực, phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; đã và đang nỗ lực cố gắng làm chủ công nghệ làm báo hiện đại, không ngừng đổi mới, sáng tạo về hình thức thể hiện, phương thức phát hành. Nội dung thông tin trên báo chí ngày càng toàn diện, đa dạng, phong phú, chất lượng chính trị, giá trị văn hóa trong các sản phẩm báo chí không ngừng được nâng cao.

Theo Thường trực Ban Bí thư, thời gian vừa qua, nhiều cơ quan báo chí đã đi đầu trong đấu tranh chống quan điểm sai trái; nhiều cơ quan báo chí, nhiều phóng viên đã có thông tin, phản ánh sinh động công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng với nhiều cách tiếp cận và phản ánh đa dạng, chính xác, góp phần cổ vũ, động viên các cơ quan pháp luật điều tra, xử lý có hiệu quả, tạo hiệu ứng dư luận xã hội tích cực, lan tỏa tới các tầng lớp nhân dân.

“Đảng, nhà nước ghi nhận và biểu dương những đóng góp quan trọng của báo chí, đã góp phần tạo niềm tin của nhân dân với Đảng, nhà nước và chế độ ta” – ông Trần Quốc Vượng nói.

Theo Thường trực Ban Bí thư, tình hình thế giới và khu vực biến động mạnh, chuyển đổi sâu sắc, khó lường; những thành tựu của khoa học – công nghệ đã làm cho báo chí có bước phát triển vượt bậc, song cũng tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của báo chí truyền thống. Do đó, để báo chí hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử của mình, đề nghị mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo, trước hết, hãy học và noi gương Bác Hồ – một nhà báo lớn, về phong cách và đạo đức làm báo. Phải thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Người: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén” và “Viết để làm gì? Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần chúng”.

Theo ông Trần Quốc Vượng, báo chí nước ta là báo chí cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, “có sứ mệnh phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân”; thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí là thông tin trung thực nhưng phải phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân. “Điều đó đòi hỏi mỗi nhà báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng”.

Báo chí phải là lực lượng xung kích trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch, nhất là những thông tin sai trái trên internet, mạng xã hội. Cần kịp thời phát hiện cổ vũ, giới thiệu gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, góp phần xây dựng, củng cố, vun đắp bản lĩnh, trí tuệ, văn hóa, đạo đức, tinh thần, ý chí và khí phách con người Việt Nam.

Ông cũng đề nghị các cơ quan chỉ đạo, quản lý, cơ quan hội, cơ sở đào tạo báo chí, cần quan tâm hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị nghề nghiệp và nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ người làm báo. Quan tâm nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để hỗ trợ các cơ quan báo chí, người làm báo bảo đảm điều kiện làm việc, thu nhập để yên tâm làm báo.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng cho biết Ban Tổ chức đã lựa chọn 187 người làm báo tiêu biểu để tôn vinh tại hội nghị. Đó là những người làm báo có thành tích nổi bật, đóng góp xuất sắc trong hoạt động báo chí, được cơ quan, đồng nghiệp tín nhiệm, đánh giá cao.

Hội nghị cũng tôn vinh 7 nhà báo lão thành tiêu biểu, những người đã có cống hiến lớn lao, dành nhiều tâm huyết và tình cảm, có nhiều đóng góp cho nền báo chí cách mạng Việt Nam. Đó là các nhà báo: Thái Duy, Phan Quang, Hà Đăng, Phạm Khắc Lãm, Hồ Tiến Nghị, Hồng Vinh, Nguyễn Thị Kim Cúc.

Văn Duẩn/NLD

Đọc nhiều