Báo cáo mới nhất của Mỹ về Biển Đông

13/01/2022 17:09

Chính quyền Mỹ ra văn bản trong đó phản đối các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời cáo buộc Bắc Kinh đang có cách hành xử “cưỡng ép và phi pháp”

Các chiến hạm Mỹ hoạt động ở Biển Đông (Ảnh minh họa: Hải quân Mỹ).

Trong báo cáo số 143 công bố tháng 12-2014, phía Mỹ chỉ đặt câu hỏi về tính hợp pháp của “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đưa ra vào năm 2009 và yêu cầu Bắc Kinh làm rõ “đường 9 đoạn” này dựa trên cơ sở pháp lý nào.

Báo cáo số 150 công bố ngày 12-1-2022 là sự tiếp nối báo cáo 143, với cơ sở lập luận vững chắc hơn là phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS).

Trong vụ việc do Philippines đệ trình, Tòa trọng tài bác bỏ cái gọi là quyền lịch sử mà Trung Quốc đưa ra trên Biển Đông. Bất chấp điều này, Trung Quốc vẫn tiếp tục cải tạo và bồi đắp phi pháp các thực thể nhân tạo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Bắc Kinh cũng thúc đẩy luận điệu UNCLOS thiếu sót và cần được bổ sung dựa trên luật quốc tế nói chung để bảo vệ các yêu sách hàng hải vô lý ở Trường Sa.

Trong báo cáo số 150, nhóm tác giả của Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định UNCLOS vẫn điều chỉnh được các tranh chấp tại khu vực và việc Trung Quốc nói công ước này thiếu sót là sự coi thường tính toàn diện của UNCLOS.

Video của Đài ABS-CBN (Philippines) cho thấy tàu hải cảnh và tàu tên lửa Trung Quốc bám theo tàu chở nhóm phóng viên đài này tại quần đảo Trường Sa ngày 8-4-2021 – Video: ABS-CBN News

Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo phi pháp thành đảo nhân tạo với các hệ thống vũ khí, máy bay triển khai bất hợp pháp – Ảnh: AMTI/CSIS

Dựa trên UNCLOS, phía Mỹ nhấn mạnh trong báo cáo số 150:

Thứ nhất, việc Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền với các thực thể không đáp ứng được định nghĩa về đảo và nằm ngoài lãnh hải hợp pháp là trái với luật pháp quốc tế.

Mỹ và các nước sẽ không công nhận các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, đặc biệt tại Bãi ngầm James, Bãi Tư Chính và Bãi Cỏ Mây.

Thứ hai, các đường cơ sở thẳng mà Trung Quốc tự vẽ ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là trái với luật quốc tế. Mọi ý định hay hành động áp dụng điều tương tự ở các nhóm đảo khác, bao gồm quần đảo Trường Sa, đều phi pháp.

Phía Mỹ khẳng định không có quần đảo nào trong số yêu sách 4 quần đảo mà Trung Quốc gộp chung là “Nam Hải chư đảo” đáp ứng được điều 7 của UNCLOS về đường cơ sở thẳng.

Chính vì điều này, mọi yêu sách hàng hải của Trung Quốc dựa trên “Nam Hải chư đảo” là không phù hợp với luật quốc tế.

“Trong các vùng biển đưa ra yêu sách hàng hải ở Biển Đông, CHND Trung Hoa đã đưa ra nhiều yêu sách về quyền tài phán không phù hợp với luật pháp quốc tế”, phía Mỹ khẳng định.

Chẳng hạn, Trung Quốc yêu cầu sự cho phép trước đối với các tàu chiến thực hiện việc đi lại vô hại trong lãnh hải. Bằng cách đặt ra các luật hàng hải mới, Bắc Kinh tự cho mình thẩm quyền ngăn chặn, xử lý các hành vi mà nước này cho là vi phạm luật quốc gia Trung Quốc trên Biển Đông.

Cuối cùng, giống như báo cáo số 143, nhóm tác giả khẳng định cái gọi là “quyền lịch sử” mà Trung Quốc nêu ra trong “đường 9 đoạn” không dựa trên bất kỳ cơ sở pháp lý nào được quy định trong UNCLOS.

“Ảnh hưởng tổng thể của các yêu sách hàng hải này là việc Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền hoặc một số loại đặc quyền tài phán đối với gần như toàn bộ Biển Đông một cách bất hợp pháp.

Những yêu sách này làm suy yếu nghiêm trọng thượng tôn pháp luật trên biển và nhiều điều khoản của luật quốc tế được công nhận rộng rãi như được phản ánh trong UNCLOS.

Vì lý do này, Mỹ và nhiều quốc gia khác đã bác bỏ những yêu sách này của Trung Quốc nhằm ủng hộ trật tự hàng hải quốc tế dựa trên luật lệ ở Biển Đông và trên toàn thế giới”, phía Mỹ nhấn mạnh.

Khai Tâm

Đọc nhiều