Báo cáo của Thanh tra Chính phủ: Một số vụ ‘nhũng nhiễu’ làm ảnh hưởng uy tín ngành

17/07/2019 22:34

Đó là nhận định của Thanh tra Chính phủ được nêu trong báo cáo sơ kết công tác thanh tra 6 tháng đầu năm khi nhắc đến những vụ việc tiêu cực tại Thanh Hóa và Thanh tra Bộ Xây dựng ‘vòi vĩnh’ tại Vĩnh Phúc.  

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ: Một số vụ nhũng nhiễu làm ảnh hưởng uy tín ngành - Ảnh 1.
Bà Nguyễn Thị Kim Anh – trưởng đoàn thanh tra Bộ Xây dựng – bị Công an khởi tố, bắt tạm giam hồi trung tuần tháng 6 – Ảnh tư liệu

Thanh tra Chính phủ vừa có báo cáo sơ kết công tác thanh tra 6 tháng đầu năm 2019 và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm. Báo cáo này để phục vụ cho hội nghị trực tuyến ngành thanh tra dự kiến tổ chức ngày 18-7.

Theo báo cáo, trong 6 tháng toàn ngành đã triển khai hơn 3.500 cuộc thanh tra hành chính và hơn 84.600 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

Qua thanh tra phát hiện vi phạm hơn 50.000 tỉ đồng, 1.000 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 34.500 tỉ đồng và 142 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 15.839 tỉ đồng.

Ngành thanh tra đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với gần 700 tập thể và nhiều cá nhân; ban hành hơn 54.000 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền hơn 1.500 tỉ đồng; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 44 vụ, 73 đối tượng.

Theo Thanh tra Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành đã có nhiều đổi mới, như đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác thanh tra từ những năm trước đây như: việc chậm ban hành kết luận thanh tra; việc xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, nhất là tại doanh nghiệp; công tác đôn đốc việc thực hiện kết luận chỉ đạo và xử lý về thanh tra nhất là về tiền, tài sản, đất đai và việc hoàn thiện cơ chế, chính sách.

Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ đã tập trung thúc đẩy tiến độ, hoàn thiện dự thảo, ban hành, công khai kết luận thanh tra, trong đó có những cuộc thanh tra phức tạp, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như cuộc thanh tra về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM; Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty Gang thép Thái Nguyên; việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác trên địa bàn TP Đà Nẵng; việc chấp hành quy định pháp luật đối với một số dự án đầu tư, xây dựng có liên quan đến Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Q.P…

Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ cũng nhìn nhận công tác ngành còn có những hạn chế nhất định. Nhiều cuộc thanh tra triển khai chậm so với kế hoạch, vẫn còn một số cuộc thanh tra còn kéo dài khi xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra.

Công tác quản lý nhà nước về hoạt động thanh tra chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao, việc phối hợp trong giám sát hoạt động đoàn thanh tra còn có mặt hạn chế.

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cũng nhắc đến những vụ việc tiêu cực, cơ quan thanh tra nhũng nhiễu, “vòi vĩnh” đối tượng bị thanh tra gây bức xúc dư luận. Cụ thể, cơ quan công an đã bắt quả tang, khởi tố 5 cán bộ thanh tra tỉnh Thanh Hóa, khởi tố 3 cán bộ Thanh tra Bộ Xây dựng “vòi vĩnh” nhận tiền tại Vĩnh Phúc. Các cán bộ thanh tra cùng bị khởi tố về hành vi nhận hối lộ.

“Trong hoạt động thanh tra, một số công chức, viên chức thanh tra không chấp hành nghiêm nội quy, quy chế của ngành thanh tra và Thanh tra Chính phủ, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành”, báo cáo của Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.

(Theo Tuổi Trẻ)

Đọc nhiều