Daily Sun: Kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi đáng kinh ngạc

Bảo Trâm 06/12/2021 08:52

Trang Daily Sun của Anh vừa có bài viết với tiêu đề “Vietnam’s economy showing signs of recovery: IMF” (Kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi: IMF) để nói về tình hình kinh tế hiện tại của Việt Nam sau khoảng thời gian dài chịu sự khủng hoảng do giãn cách vì Covid-19.

Trang Daily Sun đã trích nhận định của ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam, với nhận định nền kinh tế Việt Nam đang có những dấu hiệu phục hồi đáng kinh ngạc, bắt đầu từ quý 4/2021, có thể đạt tăng trưởng GDP 2,5% năm nay và 6,6% năm 2022.

Trong bài viết được Daily Sun đăng tải đã đưa ra một số dấu hiệu tích cực cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi tăng trưởng, đồng thời nhấn mạnh tình hình khó khăn của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay như tỷ lệ tạm ngừng kinh doanh tháng 11 tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2020; tỷ lệ doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tăng 13,8%…

Nói thêm về việc đạt được tăng trưởng như dự đoán, trang Daily Sun cho rằng, việc tăng cường năng lực y tế đóng vai trò quan trọng trong việc hồi phục các hoạt động kinh tế, cùng với đó là các chính sách tài khóa, tiền tệ kịp thời và đúng đối tượng, các công cụ tái cơ cấu để hỗ trợ phát triển trong dài hạn… có thể giúp giảm thiểu tác động của đại dịch.

Theo Daily Sun, trong tài liệu tầm nhìn kinh tế thế giới gần đây nhất cho thấy, mặc dù đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến khó lường, bao gồm khu vực châu Á. Tuy nhiên, nhìn chung tăng trưởng trên thế giới vẫn sẽ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng có lợi cho Việt Nam.

Trích ý kiến từ ông Francois Painchaud cho biết, quy mô của các biện pháp hỗ trợ tài khóa ở các nền kinh tế phát triển, có thể áp dụng được ở các quốc gia khác, bao gồm Việt Nam. Quan trọng hơn, các hỗ trợ về chính sách cần phải dựa trên diễn biến của dịch bệnh cũng như tiến trình phát triển kinh tế của từng nước. Các biện pháp đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội cần phải đi kèm với sự hỗ trợ chính sách ở các ngành nghề cần thiết.

“Các biện pháp hỗ trợ tạm thời nhưng kịp thời cần phải được cung cấp cho các hộ gia đình hay các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi chúng ta dần hướng tới việc mở cửa trở lại. Việt Nam phụ thuộc ít hơn rất nhiều về chuyển tiền mặt cũng như một số nguồn thu so với các quốc gia khác. Những vấn đề này không ảnh hưởng quá nhiều đến Việt Nam trong trung hay dài hạn, ngay cả khi cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn,” ông Francois Painchaud nói.

Bày tỏ ấn tượng với công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có chiến lược tiêm chủng vaccine, trang Daily Sun trích lời ông Francois Painchaud cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang có những dấu hiệu phục hồi, bắt đầu từ quý 4/2021, có thể đạt tăng trưởng GDP 2,5% trong năm nay và 6,6% trong năm 2022.

Ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam

Mặc dù trong thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến việc làm, đặc biệt khu vực phi chính thức; các doanh nghiệp dễ bị tổn thương, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Song những khát vọng của Việt Nam vẫn có thể đạt được nhưng đòi hỏi những cải cách quyết liệt hơn, theo Daily Sun.

“Chúng ta cần phải có các biện pháp hỗ trợ thanh khoản tạm thời kịp thời, đúng đối tượng, giúp cho các doanh nghiệp có thể tránh được gián đoạn cũng như ảnh hưởng về lâu dài; có các gói kích cầu, kích thích không gian tài khóa dồi dào; tăng chi tiêu cho y tế, điều trị, tiêm chủng và trợ cấp; cân nhắc chuyển lỗ hoặc chuyển lỗ ngược; tăng cường đầu tư công; hỗ trợ đầu tư tư nhân; cải thiện khả năng chống chịu; cải cách cơ cấu quyết liệt; duy trì ổn định vĩ mô…” – ông Francois Painchaud nói thêm.

Bảo Trâm (Theo Daily Sun)

Đọc nhiều