Bangladesh, từ “phép màu kinh tế” thành quốc gia cần IMF và cả thế giới cứu nguy

Bảo Trâm 18/11/2022 14:47

Sau Pakistan và Sri Lanka, Bangladesh là quốc gia Nam Á thứ 3 tìm đến sự hỗ trợ của IMF trong năm nay, khi nền kinh tế toàn cầu khủng hoảng.

Theo Reuters, chỉ trong vòng 50 năm, Bangladesh đã chuyển mình từ tình trạng mà các nhà ngoại giao Mỹ nhận định là “bất ổn” thành “một câu chuyện tăng trưởng truyền cảm hứng”. Các nhà máy dệt may của Bangladesh đã giúp hàng triệu người dân thoát nghèo, đặc biệt là những công nhân nữ lần đầu có công việc ổn định.

Năm 2021, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Bangladesh sẽ sớm vượt Đan Mạch hoặc Singapore. GDP tính theo đầu người của nước này đã lớn hơn nước láng giềng Ấn Độ.

Cách đây chỉ vài tháng trước, quốc gia đang phát triển này từng gây xôn xao dư luận và truyền thông như một “phép màu kinh tế”. Song tất cả những gì Bangladesh đã phấn đấu đạt được trong những thập kỷ qua hiện đang bị suy thoái toàn cầu đe dọa. Mới đây, IMF đã đạt được thỏa thuận sơ bộ với Bangladesh về vấn đề cung cấp gói hỗ trợ trị giá 4,5 tỷ USD.

Sau Pakistan và Sri Lanka, Bangladesh là quốc gia Nam Á thứ 3 tìm đến sự hỗ trợ của IMF trong năm nay, khi nền kinh tế toàn cầu khủng hoảng.

Theo Reuters, Bangladesh – một quốc gia trẻ với dân số khoảng 170 triệu người – khó có thể chống chọi với trạng suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay, vì đất nước này phụ thuộc nhiều vào phần còn lại của thế giới.

Bangladesh là quốc gia xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Quốc gia này có một cộng đồng lớn người dân lao động ở nước ngoài và gửi tiền về nhà cho gia đình. Và chính phủ Bangladesh dựa vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu để vận hành lưới điện.

Do đó, sức khỏe của nền kinh tế Bangladesh chủ yếu dựa vào 3 yếu tố: xuất khẩu, kiều hối và giá nhiên liệu – tất cả đều chịu ảnh hưởng do tình hình chung trong những tháng gần đây.

Giá cả leo thang khiến đời sống người dân chịu ảnh hưởng nghiêm trọng

Bà Farria Naeem, nhà kinh tế học tại Trung tâm Tăng trưởng Quốc tế và Trường Kinh tế London, cho hay: “Tình hình trở nên tồi tệ hơn trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu biến động”.

Tháng 8 năm nay, mức lạm phát của Bangladesh tăng lên 9,25% – cao nhất trong hơn một thập kỷ.

Ngành công nghiệp dệt may – cụ thể là lĩnh vực sản xuất hàng may sẵn là động lực của nền kinh tế Bangladesh. Ngành công nghiệp này chiến hơn 80% lượng hàng xuất khẩu của cả nước, và đóng góp ngày càng nhiều cho nền kinh tế toàn cầu. Chính phủ Bangladesh từng dự báo rằng đến năm 2025, các nhà máy của nước này sẽ sản xuất 10% tổng lượng hàng may mặc trên thế giới.

Khi đại dịch COVID-19 ập tới, ngành công nghiệp may mặc của Bangladesh đã bị tàn phá nặng nề. Các nhà máy đóng cửa, và ít nhất 1/4 lực lượng lao động của họ – tức khoảng 1 triệu người – đã mất việc làm. Nhiều người trong số họ đã rơi vào cảnh đói nghèo.

Năm 2021, khi nhu cầu ở phương Tây tăng trở lại, các nhà máy của Bangladesh bắt đầu nhận được đơn đặt hàng trở lại. Đầu năm nay, số lượng đơn đặt hàng đã tăng vọt. Vào tháng 6, Bangladesh đã xuất khẩu hơn 4 tỷ USD hàng may mặc – một kỷ lục của nước này.

Tuy nhiên, một tháng sau đó, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu, đơn đặt hàng lại giảm mạnh, cụ thể là giảm 30% – một con số thiệt hại khổng lồ.

Bà Naeem giải thích: “Bangladesh đã xuất khẩu thực sự mạnh mẽ trong 14 tháng liên tiếp, nhưng số liệu đã giảm mạnh vào tháng 9. Điều này có phần liên quan đến những khó khăn của phương Tây. Nếu kinh tế của phương Tây suy thoái, xuất khẩu của Bangladesh sẽ chịu tổn hại”. Các công nhân Bangladesh cảm nhận rất rõ những khó khăn này.

Ông Taslima Akhter, Chủ tịch Hiệp hội Công nhân May mặc Bangladesh, cho biết: “Hiện nay họ không có nhiều việc để phải làm thêm giờ như trước. Nhưng nhiều người không thể sống chỉ với mức lương cứng, mà họ còn làm thêm giờ để trang trải chi phí sinh hoạt. Do đó nếu không làm thêm giờ, họ sẽ rất khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát hiện tại”.

Phần lớn công nhân may mặc ở Bangladesh là phụ nữ (ước tính số công nhân nữ dao động từ 58% đến 80%.) Trong khi những người thuộc cấp quản lý được trả lương cao hơn có xu hướng là nam giới, hầu hết công nhân nữ chỉ được nhận mức lương tối thiểu là 8.000 taka, tương đương khoảng 80 USD mỗi tháng.

Với tình trạng giá thực phẩm tăng cao, mức lương nói trên thường sẽ không đủ trang trải. Do đó, ông Akhter muốn chính phủ tăng mức lương tối thiểu cho người lao động: “Gạo, trứng, rau và các loại nhu yếu phẩm khác đều đắt đỏ hơn. Ngoài ra, giá khí đốt và giá điện cũng tăng vọt. Do đó cả người lao động và ngành công nghiệp đều đang gặp khó”, ông Akhter nói.

Lưới điện của Bangladesh dễ bị tổn thương và phụ thuộc một phần vào nhiên liệu nhập khẩu, thứ ngày càng đắt đỏ trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng hiện nay. Giá nhiên liệu và giá điện tăng cao khiến chính phủ quyết định cắt điện luân phiên, và giới chức Bangladesh nói rằng tình trạng này có thể kéo dài đến năm 2026.

Giống như nhiều nước đang phát triển, chính phủ Bangladesh cũng trợ giá nhiên liệu. Tuy nhiên, vào tháng 8, chính phủ Bangladesh đã quyết định rằng họ không còn đủ khả năng để duy trì mức giá thấp. Chỉ trong một tuần, giá xăng, dầu diesel và dầu hỏa đã tăng hơn 50%. Truyền thông địa phương cho biết đây là đợt tăng giá mạnh nhất kể từ khi Bangladesh tuyên bố độc lập vào năm 1971.

Chính phủ Bangladesh đang cố gắng đa dạng hóa nguồn nhiên liệu nhập khẩu, sử dụng than nhiều hơn. Nước này cũng đang khoan tìm nguồn nhiên liệu hóa thạch ngoài khơi Vịnh Bengal, và đang xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, dự kiến ​​bắt đầu hoạt động vào năm 2023.

Những gì đang diễn ra ở Bangladesh đã cho toàn cầu thấy rõ tác động cực nghiêm trọng khi quá phụ thuộc vào các nền kinh tế bên ngoài. Bangladesh là một ví dụ tiêu biểu cho thấy các nền kinh tế trên toàn cầu liên kết và ảnh hưởng tới nhau như thế nào, và suy thoái kinh tế toàn cầu đang ảnh hưởng đến các nước nghèo hơn ra sao. Ngay cả những “phép màu kinh tế” cũng không tránh khỏi nỗi đau, theo Reuters.

Bảo Trâm (Theo Reuters)

Đọc nhiều