86
topics
589726

Bảng xếp hạng tào lao về “Dân chủ” không thể bôi nhọ hình ảnh Việt Nam

An Diễm 15/02/2022 18:00

Báo cáo chỉ số Dân chủ năm 2021 của EUI xếp Việt Nam vào nhóm nước phi dân chủ, và nó trở thành “mồi ngon” được các đối tượng hải ngoại thi nhau chia sẻ nhằm bôi nhọ đất nước.

Khái niệm “dân chủ” hay dân làm chủ là một mục tiêu mà mọi quốc gia văn minh, tiến bộ, trong đó có Việt Nam đều theo đuổi. Nó thể hiện ở việc các chính quyền luôn hướng đến việc xây dựng Nhà nước với các chính sách “của dân, do dân và vì dân”. Thế nhưng thuật ngữ này đã bị một nhóm quốc gia và một số tổ chức chính trị lợi dụng, biến thành của riêng để chê bai nước khác là thiếu dân chủ. Cần nhìn nhận rằng mỗi quốc gia tùy theo văn hóa, xã hội và các đặc điểm riêng của mình sẽ xây dựng các cơ chế, mô hình xã hội chính trị riêng biệt để đáp ứng nhu cầu phát triển đặc thù. Khi một quốc gia nào đó vơ lấy khái niệm “dân chủ” và đặt tên nó cho mô hình chính trị xã hội của riêng mình thì bản thân khái niệm này đã không còn giữ được tính đúng đắn khách quan như bản chất của nó nữa.

Báo cáo chỉ số Dân chủ được một tổ chức có tên là Bộ phận Tình báo Kinh tế (EUI) thuộc tập đoàn Economist tại Anh khai sinh từ năm 2006 và ra mắt đều đặn hàng năm kể từ 2010. Trong báo cáo mới nhất năm 2021, Việt Nam bị xếp vào nhóm nước phi dân chủ, độc tài. Thực tế thì đây là một kết quả lặp đi lặp lại đến mức nhàm chán nhưng các đối tượng hải ngoại vẫn vui mừng và hớn hở chia sẻ mỗi khi Báo cáo được phát hành. Có lẽ đơn giản vì chính họ luôn thấp thỏm và lo lắng việc đến một lúc nào đó Economist sẽ buộc phải nhìn nhận Việt Nam khác đi. Tuy nhiên còn có một số dữ liệu khác xung quanh bản Báo cáo năm 2021.

Có tổng cộng 167 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng “dân chủ”, trong đó có 74 quốc gia “dân chủ” hoặc “dân chủ thiếu sót” bao gồm Mỹ và toàn bộ các quốc gia châu Âu. Đây là bằng chứng cho thấy khái niệm “dân chủ” đã bị áp đặt thiên lệch về các mô hình chính trị của châu Âu và chỉ có nước nào giống châu Âu nhất mới được công nhận là “dân chủ”. Báo cáo cũng chỉ ra sự thật “cay đắng” là có chưa tới 1 nửa quốc gia trong số được khảo sát là “dân chủ”, cho thấy việc đánh giá và xếp hạng này có vấn đề. Nếu như một mô hình nào đó là tốt đẹp, là phổ quát, và mang lại giá trị cho người dân thì chắc hẳn phải được nhiều người theo đuổi, và phải chiếm đa số trong bảng xếp hạng. Kết quả ở Báo cáo cho thấy điều ngược lại: một nhóm thiểu số các quốc gia đang muốn áp đặt cho phần còn lại của thế giới.

Chính sự lệch lạc này tạo ra nhiều hệ lụy khó lường. Tại Việt Nam thời gian qua, nhiều đối tượng lợi dụng danh nghĩa “tự do, dân chủ” để gây rối loạn xã hội, vi phạm luật pháp Việt Nam đã bị khởi tố và nhận những án phạt tù thích đáng. Thế nhưng một số trong những kẻ phạm tội này như Phạm Đoan Trang lại được nhiều tổ chức chính trị trao tặng bằng khen, huân chương, giải thưởng vì “dân chủ”. Không chỉ Việt Nam, khi chính phủ Mỹ khởi tố và truy nã Julian Assange vì nhiều tội danh liên quan gián điệp và công bố các tài liệu quân sự bí mật thì nhiều tổ chức xã hội cũng lên tiếng phản đối, cho rằng anh ta bị vi phạm nhân quyền và quyền tự do báo chí.

Thông qua Báo cáo dân chủ 2021, Economist còn phải thừa nhận một sự thật “cay đắng” khác như họ ghi trên trang chủ là “Quá trình dân chủ hóa bị đảo ngược nhiều hơn vào năm 2021, với tỷ lệ người dân sống trong một nền dân chủ giảm xuống dưới 50% và các chế độ độc tài ngày càng được củng cố”. Cần biết năm 2021 là một năm khó khăn của cả thế giới do tình hình dịch bệnh, và cả thế giới phải áp dụng nhiều biện pháp nỗ lực chung nằm ứng phó tình hình. Dường như trong thời điểm khó khăn nhất thì mô hình kiểu phương Tây mà họ rêu rao “dân chủ” gặp vấn đề, và nói thẳng là không phù hợp để xử lý các vấn đề ngoài thực tế. Báo cáo hàng năm của Viện Quốc tế về Dân chủ và Hỗ trợ Bầu cử (IDEA) phát hành cuối tháng 11/2021 cũng xếp Mỹ vào nhóm nước “dân chủ tụt lùi”. Đây là thực tế cho thấy thế giới đã bắt đầu chuyển dịch, và có lẽ ngày mà mô hình chính trị xã hội của Việt Nam được thừa nhận sẽ không còn xa nữa.

Rõ ràng là các đối tượng hải ngoại không hề “công bằng” khi trích dẫn kết quả Báo cáo dân chủ năm 2021, họ chỉ dám tung hê chi tiết xếp hạng Việt Nam vốn đã quá nhàm chán và có thể đoán trước, mà lờ đi các yếu tố khác cho thấy sự chuyển dịch quan điểm của thế giới văn minh. Chính nghĩa đang dần đẩy lùi cực đoan, và nếu Economist không chịu thay đổi thì sẽ đến lúc bản Báo cáo dân chủ của họ chỉ còn là trò cười cho thế giới. Những quan điểm bôi nhọ, chống phá Việt Nam sẽ ngày càng trở thành thiểu số và không ai quan tâm nữa.

An Diễm

Đọc nhiều