Bảng lương lãnh đạo châu Á
Các nước đều có quy định lương rõ ràng cho các vị trí lãnh đạo và con số này chênh lệch rất lớn giữa các quốc gia. Lương lãnh đạo Việt Nam ở mức nào so với một số nước châu Á?
1. Trung Quốc
Theo thông tin mới nhất tìm hiểu được, vào năm 2015, Trung Quốc đã tăng lương ở mức rất cao cho những quan chức làm việc trong chính phủ sau khi nhiều người đã xin nghỉ việc vì lương thấp. Lần tăng lương năm 2015 là lần tăng lương đầu tiên kể từ năm 2006.
Theo đó, lương của Chủ tịch Tập Cận Bình tăng từ 7.020 nhân dân tệ (hơn 25 triệu VND) lên 11.385 nhân dân tệ (gần 50 triệu VND), tăng khoảng 60%.
Có thể thấy lương Chủ tịch Trung Quốc từ năm 2015 đã cao gấp hơn 2.5 lần lương Chủ tịch nước Việt Nam sẽ được nhận vào năm 2022.
2. Campuchia
Bất ngờ nhất là lương của Thủ tướng Campuchia, vào hồi đầu năm 2021, Thủ tướng Hun Sen tuyên bố đã đóng góp 7 tháng lương của mình để Campuchia chống dịch, tờ Khmer Times cho biết. Tại đây, lãnh đạo Campuchia tiết lộ lương Thủ tướng mà ông thực nhận hàng tháng.
Ông cho biết: “Để đóng góp cho quỹ chiến đấu với Covid-19, năm trước tôi đã dành cả 7 tháng lương của mình (sau khi đã đóng thuế) góp cho Bộ Y tế. Thu nhập của tôi là 2.463 USD (khoảng hơn 56 triệu VND) và tôi phải đóng tiền thuế mỗi tháng là 224 USD, như vậy lương tôi còn là 2.238 USD (hơn 51 triệu VND). Tổng cộng, tôi đóng góp 7 tháng lương tức là 15.674 USD (hơn 359 triệu VND) cho Bộ Y tế.”
Lương Thủ tướng Hun Sen của Campuchia hiện nay cao hơn lương Chủ tịch Trung Quốc trong khi ở năm 2020, GDP Trung Quốc gấp gần 600 lần GDP Campuchia (15,38 nghìn tỷ USD so với 26.3 tỷ USD). Lương của ông Hun Sen gấp hơn 2.7 lần lương Thủ tướng Việt Nam.
3. Thái Lan
Thủ tướng Thái Lan nhận lương hàng tháng là 75.590 baht, phụ cấp chức vụ hàng tháng là 50.000 baht, tổng cộng là 125.590 baht (hơn 86 triệu VND). Ông Prayut Chan-o-cha đã tiết lộ về mức lương trên cũng trong một lần đóng góp lương để hỗ trợ Thái Lan chống dịch hồi tháng 7/2021.
Lương của Thủ tướng Thái Lan gấp hơn 4,6 lần lương của Thủ tướng Việt Nam.
4. Philippines
Vào năm 2018, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu tại Trại Tướng Adriano Hernandez ở Iloilo rằng ông cần được tăng lương bởi mức lương ông nhận là không thể đủ để chi tiêu.
Ông cũng cho biết thêm, với núi công việc mà ông phải giải quyết hằng ngày thì lương xứng đáng phải cao hơn 7 lần lương được nhận lúc bấy giờ (khoảng 3.860 USD/tháng, tương đương gần 89 triệu VND).
Tới năm 2021, hệ số lương của Philippines đã được thay đổi như sau (áp dụng từ ngày 1/1/2021 và đã được Tổng thống Rodrigo Duterte kí quyết định vào ngày 8/1/2020):
Theo Hiến pháp Philippines, Tổng thống sẽ sở hữu lương ở hệ số 33, tương đương 403,620 – 415,728 PHP mỗi tháng (185-190 triệu VND).
Tổng thống nhận lương ở hệ số 33
Các bậc lương trong hệ số lương phụ thuộc vào thời gian cụ thể một nhân viên làm việc và một người có thể được tăng bậc lương mới khoảng 3 năm 1 lần nếu thế hiện khả năng và nỗ lực trong công việc. Như vậy, Tổng thống Duterte sẽ chỉ được tăng lương 1 lần do hệ số lương 33 chỉ có 2 bậc.
Như vậy, lương của ông Duterte đã tăng hơn gấp đôi so với năm 2018, tuy nhiên vẫn chưa đạt được mức “gấp 7 lần” như ông mong muốn. Tuy nhiên, đây cũng là một mức lương lãnh đạo khá cao so với các nước được đem ra so sánh.
5. Singapore
Thủ tướng Singapore nhận tổng gói lương hàng năm khoảng 2.2 triệu USD/ năm (gần 50.5 tỉ VND), cao gấp hơn 225 lần lương Thủ tướng Việt Nam. Ông hiện là lãnh đạo có lương cao nhất trong các lãnh đạo thế giới. Lương của thủ tướng gấp 20 lần GDP bình quân trên đầu người của nước này. Một lý giải cho mức lương cao như vậy có thể là chi phí sinh hoạt ở Singapore khi nước này là thành phố đắt đỏ bậc nhất thế giới.
6. Việt Nam
Theo Nghị quyết 27 năm 2018 Trung ương 7 khóa XVII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, bảng lương mới đáng lẽ được áp dụng từ đầu năm nay, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc áp dụng được lùi tới ngày 1/7/2022.
Theo đó, lương của Chủ tịch nước cao nhất với hệ số 13,00 có mức 19,37 triệu đồng/tháng. Lương của Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội cùng hệ số 12,50 tương ứng hơn 18,6 triệu đồng/tháng.
Ngoài mức lương này, các lãnh đạo còn được hưởng một số phụ cấp kèm theo tùy mỗi chức danh, lĩnh vực cụ thể như: phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp kiêm nhiệm chức danh, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp khu vực,…
GDP Việt Nam ở đâu so với Đông Nam Á?
Theo dự báo trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (World Economic Outlook) mới cập nhật ngày đầu tháng 10 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhiều khả năng trong năm 2021, Việt Nam sẽ đứng thứ 6 Đông Nam Á về quy mô kinh tế, với mức tăng trưởng 3,8%, đạt 353,77 tỷ USD.
Còn theo dự báo mới nhất của ADB, Việt Nam sẽ đứng ở vị trí thứ 5. Trong khi Singapore giành lại vị trí thứ 4 về quy mô kinh tế với mức tăng trưởng 6,5%, đạt 359,38 tỷ USD.
Trong năm 2020, GDP Việt Nam đứng thứ 4 Đông Nam Á, thậm chí đứng trên cả Singapore.
Như vậy có thể nói, Việt Nam có thứ hạng khá trong bảng xếp hạng GDP của Đông Nam Á, đồng thời các dự báo đều chỉ ra tăng trưởng lạc quan của Việt Nam trong năm nay, trong khi đó, lương của các lãnh đạo Việt Nam thấp hơn khá nhiều so với các nước được so sánh.
Lan Chi