Bằng chứng cho thấy Iran bắn nhầm máy bay chở 176 người
Nếu giả thuyết lực lượng Iran vô tình bắn rơi máy bay Ukraine International là chính xác, thảm kịch lịch sử năm 1988 khi dân thường thiệt mạng vì xung đột Mỹ – Iran lại tái diễn.
Iran có thể đã không gây ra thương vong cho quân nhân Mỹ đồn trú tại Iran trong cuộc không kích rạng sáng 8/1. Tuy nhiên, ngày càng nhiều bằng chứng củng cố cho giả thuyết lực lượng Iran gây nên thảm kịch cùng ngày, cướp đi mạng sống của 176 người có mặt trên chuyến bay PS752 thuộc hãng hàng không Ukraine International.
Chỉ vài tiếng sau khi nước này phóng ít nhất 16 tên lửa đạn đạo vào hai căn cứ Al-Assad và Erbil hôm 8/1, chiếc Boeing 737-800 số hiệu PS752 vào lúc 6h12 vẫn được phép cất cánh từ Imam Khomeini tại thủ đô Tehran đi Kiev, Ukraine. Khoảng 2 phút sau, máy bay mất tính hiệu. Giới chức Iran xác nhận máy bay rơi tại khu vực tây nam thủ đô, khiến toàn bộ hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Canada cáo buộc Iran bắn tên lửa
Phía Tehran vẫn khẳng định thảm kịch hàng không này không phải do hành động quân sự gây nên. Tuy nhiên, theo nhiều hãng tin, cộng đồng tình báo Mỹ tin rằng tên lửa phòng không Iran đã bắn rơi chiếc máy bay thương mại.
Trả lời họp báo ngày 9/1, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố có thông tin tình báo đáng tin cậy cho thấy Iran là thủ phạm. Ít nhất 63 hành khách trên chuyến bay là công dân Canada.
Có 138 nạn nhân trong thảm kịch có mối liên hệ với Canada. Nhiều hành khách có mặt trên chuyến bay xấu số là sinh viên quốc tế đang trên đường đến những trường đại học trên khắp đất nước.
“Chúng tôi nhận tin tình báo từ nhiều nguồn, trong đó có nguồn tin riêng và từ các đồng minh. Nhiều chứng cứ cho thấy máy bay bị bắn hạ bởi tên lửa đất đối không của Iran. Có thể họ không cố ý”, Thủ tướng Trudeau từ chối tiết lộ chi tiết bằng chứng thu thập được. Ông cho biết những diễn biến vừa qua cho thấy “cần mở cuộc điều tra sâu về vấn đề này”.
Không lâu sau phát biểu của Thủ tướng Trudeau, New York Times đăng tải video được cho là khoảnh khắc tên lửa đất đối không bắn trúng máy bay Ukraine khi đang bay trên vùng trời Tehran.
Dù đoạn video không rõ nét và được quay từ khoảng cách rất xa, hình ảnh vẫn đủ để người xem nhận ra đã có một vụ nổ trên không trung. New York Times tiết lộ máy bay không rơi ngay lập tức, mà vẫn cố quay đầu trở về sân bay Imam Khomeini trước khi phát nổ và rơi xuống khu vực thưa dân cư.
Cơ quan điều tra các nước chưa chính thức xác nhận Iran là hung thủ gây nên thảm kịch. Quá trình thu thập thông tin đang tiếp diễn. Dù vậy, những bằng chứng ban đầu ngày càng củng cố giả thuyết nước này có trách nhiệm trong vụ việc.
Hình ảnh và âm thanh trong đoạn video New York Times công bố trùng khớp với thông tin về đường bay của PS752 và ảnh chụp vệ tinh khu vực. Gần 10 giây sau hình ảnh đốm nổ giữa trời, được cho là tên lửa bắn trúng chiếc Boeing 737, âm thanh của vụ nổ mới được camera thu lại.
Độ trễ giữa hình ảnh và âm thanh cho thấy máy bay cách nơi ghi hình hơn 3.200 m. Khoảng cách này trùng khớp với đường bay của chiếc Boeing và hiện trường ghi hình, được xác minh thông qua ảnh chụp vệ tinh và các công trình được camera ghi lại.
“Chiến tranh không bao giờ miễn phí”
Sau vụ Iran nã “mưa tên lửa” vào lãnh thổ Iraq, nhắm đến hai căn cứ có quân đội Mỹ đồn trú, ấn tượng ban đầu của đa số là Tổng thống Donald Trump đã “giành phần thắng” trong đợt so găng lần này với Tehran. Quân đội Mỹ loại khỏi vòng chiến và cục diện khu vực một nhân vật có sức ảnh hưởng lớn phía Iran, tướng Qasem Soleimani.
Đợt không kích rạng sáng 8/1 kết thúc mà không có thiệt hại về người cho phía Mỹ ở cả hai căn cứ Al-Assad và Erbil. Số thương vong giữa hai phía dừng lại ở số 2, chia đều cho mỗi bên.
Tuy nhiên, bức tranh toàn cảnh sẽ thay đổi nếu thảm kịch hàng không cướp đi sinh mạng 176 dân thường được chứng minh là bị trúng tên lửa. Vụ rơi máy bay có thể được xem là hệ quả từ hành động đáp trả quân sự phía Iran trả thù cho tướng Soleimani, và rộng hơn là căng thẳng leo thang giữa Washington và Tehran.
Những bằng chứng New York Times và nhiều đăng tải khác cho thấy lực lượng phòng không Tehran được đặt trong tình trạng báo động sau khi phóng tên lửa vào căn cứ Mỹ. Họ có thể đã nhầm máy bay thương mại Ukraine với máy bay quân sự Mỹ.
Tuy nhiên, đây không phải một bi kịch không thể tránh khỏi. Tai nạn xảy ra vì tình hình khu vực leo thang căng thẳng. Iran và những bên thúc đẩy xung đột, bao gồm nhiều quan chức và cựu quan chức trong chính phủ Tổng thống Donald Trump, đều có trách nhiệm dẫn đến sai lầm kinh hoàng này, theo Vox.
“Chiến tranh không miễn phí bao giờ”, Ilan Goldenberg, chuyên gia về Iran tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS), nhận định.
Một lần nữa, thảm kịch bắn nhầm máy bay thương mại đã tái diễn trong lịch sử đối đầu Washington – Tehran.
Năm 1988, tàu chiến mang tên lửa dẫn đường USS Vincennes của Mỹ bắn rơi máy bay thương mại hãng Iran Air, khiến 290 hành khách thiệt mạng. Tàu chiến Mỹ cũng nhầm đó là máy bay quân sự. Chuyến bay định mệnh IR655 hằn sâu trong ký ức của người dân Iran, góp phần tạo nên tâm lý thù địch không ngừng đối với Mỹ.
Trong màn “đấu khẩu” trên Twitter giữa giới chức Iran và Mỹ sau cái chết của Qasem Soleimani, Tổng thống Hassan Rouhani đã nhắc người đồng cấp Trump “hãy nhớ về con số 290”. Ông đáp trả việc tổng thống Mỹ đe dọa tấn công 52 cứ điểm ở Iran tượng trưng cho 52 người Mỹ bị bắt làm con tin.
Sự trùng hợp lịch sử khiến giới quan sát và những người trong cuộc không khỏi cảm thấy chua chát.