Bằng chứng cho thấy các vắc xin hiện nay kém hiệu quả với biến thể Omicron
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đã có bằng chứng ban đầu cho thấy các loại vắc xin hiện nay có thể kém hiệu quả trong việc ngăn ngừa biến thể Omicron và biến thể này cũng có nguy cơ gây tái nhiễm cao hơn.
Theo Hãng tin Reuters, WHO đánh giá rủi ro tổng thể từ biến thể Omicron là “vẫn còn rất cao”, và cho biết cần nhiều dữ liệu hơn để đánh giá rõ hơn về khả năng lẩn tránh miễn dịch ở người đã tiêm vắc xin hay từng nhiễm COVID-19 của biến thể Omicron .
WHO cũng ghi nhận, tỉ lệ giải trình tự gene của biến thể Delta trên cơ sở dữ liệu khoa học toàn cầu GISAID trong tuần này đã giảm so với các biến thể đáng lo ngại khác. Tuy nhiên, điều này có thể do nhiều nước tập trung giải trình tự gene với biến thể Omicron, ít cập nhật về các biến thể khác, trong đó có Delta.
Hiện tại, biến thể Delta vẫn là biến thể chủ đạo, chiếm 99,2% trong gần 880.000 trình tự gene được cập nhật lên GISAID với các mẫu thu được trong vòng 60 ngày qua. Dù vậy, xu hướng này đang giảm về tỉ lệ so với các biến thể Alpha, Beta và Gamma, và Omicron. Có tổng cộng khoảng 3.775 mẫu (tức 0,4%) là biến thể Omicron, các biến thể Alpha, Beta và Gamma chiếm gần 0,1% mỗi loại.
Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cảnh báo Omicron có thể trở thành biến thể phổ biến nhất tại châu Âu, chậm nhất vào giữa tháng 1-2022 do số ca nhiễm Omicron tại châu Âu tăng gấp đôi sau mỗi 2-3 ngày.
Cũng trong ngày 15-12, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) ra khuyến cáo cho phép tiêm liều tăng cường với vắc xin COVID-19 loại một liều do hãng Johnson & Johnson phát triển. Mũi tiêm này, sẽ được tiêm từ ít nhất 2 tháng sau khi tiêm liều đầu tiên cho người từ 18 tuổi trở lên.
Theo EMA, mũi tiêm tăng cường với vắc xin COVID-19 do Johnson & Johnson làm tăng kháng thể chống lại virus. Liều vắc xin này có thể dùng làm liều thứ ba cho người đã tiêm với vắc xin Pfizer-BioNTech và Moderna trước đó.
Nhiều nước đang cho siết lại các biện pháp hạn chế kiểm soát dịch do lo ngại biến thể Omicron. Các nước cũng đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng.
EMA đã khuyến cáo sử dụng vắc xin do Pfizer-BioNTech và Moderna sản xuất để tiêm liều tăng cường từ 6 tháng sau tiêm. Cơ quan này cũng đang xem xét các dữ liệu liên quan đến tiêm tăng cường với vắc xin do hãng AstraZeneca sản xuất.
Khai Tâm