419
category
399900

Bàn về đề xuất phí chống ngập tại TP.HCM tính theo m2/tháng

Quỳnh Quỳnh 10/06/2020 12:40

Tại buổi họp báo chiều 4/6, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho hay mức giá dịch vụ chống ngập 3.668 đồng/m2/tháng do Phân viện Kinh tế xây dựng miền Nam (Bộ Xây dựng) xác định theo đặt hàng của Sở.

Giá dịch vụ chống ngập trên địa bàn TP.HCM được đề xuất là 3.668 đồng/m2/tháng đang gây nhiều tranh cãi. Bởi xã hội hóa đồng nghĩa với việc người dân TP sẽ phải đóng phí chống ngập.

Cuối năm 2019, Hội Nước và môi trường TP.HCM dẫn số liệu từ Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP.HCM cho hay từ năm 2008 – 2018, TP đã chi 22.948 tỷ đồng cho công tác chống ngập. Đến năm 2020, con số này sẽ lên tới 120.246 tỷ đồng và còn hơn nữa. Điều này có nghĩa hội dự báo ngập sẽ vẫn ngập và tiếp tục nặng thêm, theo cách thức chữa ngập như hiện tại.

Mỗi khi mưa lớn thì một số con đường của TP.HCM chìm trong biển nước.

Chi hàng ngàn tỷ đồng không hiệu quả, chính quyền TP vẫn dự kiến tiêu tốn kinh phí cho kế hoạch “xã hội hóa” chống ngập. Dù phí có chồng thuế hay không, với tình trạng hiện tại, người dân có quyền truy cứu trách nhiệm đối với hàng ngàn tỷ đồng thành phố đã đầu tư thất bại, khiến đời sống cư dân phải trả giá.

Nhiều ý kiến của các bạn đọc đề xuất, TP phải khơi lại các dòng chảy đã bị lấp, cần sớm nạo vét thật sâu tuyến kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, kênh Tẻ, kênh Ðôi, sông Chợ Ðệm – Bến Lức, xây kè bảo vệ bờ, trả lại các vùng trũng trữ nước. Ðồng thời không nên cấp phép xây dựng chung cư, nhà cao tầng ở những khu vực có nền đất yếu và bùn nhiều (như khu vực quận 7, quận 2). Về vấn đề này, Ngô Viết Nam Sơn cho hay nguyên nhân chính gây ngập tại Việt Nam mà đặc biệt là TP.HCM là do phát triển thiếu bền vững, đô thị hóa tràn lan, thiếu không gian dành cho nước và không nâng cấp hạ tầng, đánh giá tác động môi trường lại do chính chủ đầu tư thực hiện, làm qua loa để được cấp phép. Ngập là hệ quả của việc buông lỏng quản lý trong cấp phép quy hoạch, xây dựng, với trách nhiệm chính của chính quyền và doanh nghiệp. Ông Sơn nhấn mạnh: “Chống ngập là dịch vụ công. Người dân đã phải đóng thuế và nhà nước có trách nhiệm đảm bảo họ được sống ở nơi không có ngập lụt. Nay vì lỗi do chính quyền, do doanh nghiệp, người dân tự nhiên phải chịu ngập rồi còn phải trả tiền chống ngập nữa thì quá vô lý”.

Quan điểm trái chiều, anh Tuấn Anh (Quận 9, TPHCM) nhận định việc thu giá dịch vụ chống ngập là điều hoàn toàn nên làm. “Cũng như các dịch vụ công khác, chúng ta vẫn đóng thuế nhưng khi đi bệnh viện phải đóng viện phí, đi học phải đóng học phí, di chuyển đóng phí đường bộ thì tại sao chống ngập phải giữ bao cấp? Đối với tất các lĩnh vực, phải dựa trên quy luật kinh tế chung: Thu đủ bù chi. Nếu ngân sách không đáp ứng được thì phải thu thêm”.

Cũng có quan điểm gần tương đồng với anh Tuấn Anh, anh Minh chia sẻ: “Nên thu phí chống ngập vì ngập là do dân chứ không phải tại nhà nước. Dân ai cũng phải đóng tiền hằng tháng để tăng thu ngân sách và nên mời nhà thầu Trung quốc vào thực hiện đại dự án này vì chỉ có nhà thầu TQ mới đủ uy tính và năng lực”.

Một bạn đọc thắc mắc: “Muốn trị dứt bệnh, phải chẩn đoán đúng bệnh, bốc đúng thuốc. Người dân khó có thể hiểu những cụm từ hoa mỹ như “xã hội hóa chống ngập”, “siêu máy bơm thông minh chống ngập”… Họ chỉ cần biết, khi đã xã hội hóa, thu phí chống ngập, mà nếu không hết ngập thì có trả tiền lại cho dân không?”. Ban đọc ở Quận 6 cho rằng: “Thực tế cách đóng tiền chống ngập chỉ là phương án ngọn, không giải quyết được gốc gác vấn đề. Nhưng đất nước ta còn nghèo, để nhà nước phát triển và tìm ra phương án tốt hơn thì làm biện pháp này trong thời gian cấp bách trước khoảng 2 năm, sau đó phải có biện pháp triệt để hơn. Chúc đất nước luôn phát triển và đi lên một cách chắc chắn căn cơ hơn”.

Là một trung tâm kinh tế lớn của cả nước, tuy vậy, nhiều năm qua, TP.HCM luôn chịu thiệt hại nặng nề do tình trạng ngập lụt trên quy mô rộng. Những đợt triều cường và mưa lớn gây ngập úng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động giao thông thường nhật. Điều đáng buồn hơn là công tác chống ngập ngày càng trở nên bế tắc, trong đó thiếu vốn là lý do quan trọng nhất. Và để xử lý tình trạng này, thành phố đang xây dựng phương án thu phí chống ngập. Mặc dù đây là phương án được đưa ra để có cơ sở kêu gọi nguồn vốn đầu tư xã hội hóa, thế nhưng ngay lập tức nó đã gây ra nhiều tranh cãi. Thiết nghĩ trước mắt, nên tập trung giảm tối đa tỷ lệ thất thoát nước sạch sinh hoạt, ngân sách cũng có một khoản tiền lớn để chi xài cho các nhu cầu thay vì tính chuyện chống ngập bằng cách thu phí tới người dân. Còn theo bạn, việc thu phí chống ngập có hợp lý hay không?

Quỳnh Quỳnh

Đọc nhiều