“Bắn nhầm một viên đạn” vào Nga ở Syria, Israel sẽ nếm đòn trả đũa tàn khốc?
Israel chỉ cần bắn nhầm một viên đạn vào Nga ở Syria, một cuộc chiến có thể ngay lập tức nổ ra, kéo theo sự xuất hiện của Mỹ.
Trong một tháng qua, Israel đã tăng cường các cuộc không kích vào Syria với quy mô, cường độ và tần suất lớn chưa từng có từ trước đến nay. Điều này đã khiến các nhà quan sát đặt ra câu hỏi về viễn cảnh xung đột giữa Israel và Nga có xảy ra hay không?
Đặc biệt nhất là câu hỏi: Nếu Moscow dùng lực lượng quân sự chống lại Israel, liệu Mỹ có chấp nhận đánh mất uy tín của mình khi không can thiệp giúp đỡ đồng minh lâu năm?
Mâu thuẫn Nga-Israel
Theo National Interest, Israel vẫn quyết tâm dồn ép lực lượng Iran ở Syria trong nỗ lực giữ cho lực lượng của Tehran tránh xa biên giới. Trong khi đó, Nga có hàng ngàn binh sĩ ở Syria có thể vô tình bị vướng vào trong trận chiến nảy lửa hoặc thậm chí có thể chủ động phản ứng lại trong trường hợp quân đội Syria bị dồn ép quá mức.
Cả Tel Aviv lẫn Moscow đều không mong muốn một cuộc chiến theo kịch bản đó, đặc biệt khi có sự tham gia thêm của Mỹ. Tuy nhiên, chính sách của Israel lại mâu thuẫn với ý nghĩ như vậy khi nước này sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để đẩy lực lượng Iran ra khỏi Syria.
Và nếu Nga không muốn có thêm các cuộc tấn công, họ phải đảm bảo rằng Syria không trở thành một căn cứ tên lửa khác của Iran ở biên giới Israel.
Quan hệ giữa Nga và Israel ngày nay ấm áp hơn nhiều so với thời Chiến tranh Lạnh. Cảm nhận bên ngoài có thể thấy một sự thân thiện nhất định và mong muốn hợp tác giữa hai nước. Tuy nhiên, bên dưới những nụ cười là sự cảnh giác, nghi ngờ và xung đột lợi ích cơ bản.
Hai nước đã từng rơi vào vòng xoáy căng thẳng khi phòng không Syria vô tình bắn hạ một máy bay Nga vào năm ngoái trong lúc đang phản ứng lại các cuộc tấn công của Israel. Tuy nhiên, Nga vẫn đổ lỗi cho Israel về sự cố và trả đũa bằng cách cung cấp tên lửa phòng không S-300 tiên tiến cho Syria.
Mặc dù có những tranh cãi không đáng có, Israel vẫn coi giá trị ở Nga là một sự kiềm chế tiềm năng đối với Iran và là đòn bẩy khả thi để đưa lực lượng Iran ra khỏi Syria. Đối với Moscow, mối quan hệ thân thiện với Israel mang lại nhiều ảnh hưởng hơn ở Trung Đông ngay trong lúc Mỹ giảm quy mô hiện diện trong khu vực.
Israel có thể sống chung với Nga bên cạnh, nhưng nhất định không phải là người Iran. Nhưng câu hỏi là làm thế nào Israel sẵn sàng đấu tranh cho quyền tự do hành động của mình trong việc ngăn chặn Iran, trong khi không gây ra một cuộc khủng hoảng với Moscow thêm lần nữa?
Có các cơ chế tránh xung đột tại chỗ, bao gồm một đường dây nóng giữa quân đội Israel và Nga. Tuy nhiên, những sợi dây kết nối đó là không đủ để tránh việc một sự cố bắn nhầm khiến máy bay Nga bị hạ.
Bờ vực hiểm nguy
Có lẽ vụ máy bay Il-20 của Nga bị bắn rơi vào năm ngoái đã xảy ra một cách không may. Tuy nhiên, không khó để tưởng tượng ra có nhiều tình huống tai nạn không kém khác có thể xảy ra.
Đó có thể là các cố vấn hoặc kỹ thuật viên người Nga thương vong trong một cuộc không kích của Israel vào một cơ sở ở Iran hoặc Syria. Một quả bom thông minh của Israel tấn công vào một căn cứ của Nga, hoặc một phi công hoặc hệ thống phòng không của Nga bị một đợt tấn công của Israel làm tổn hại.
Hoặc đơn giản là Nga chỉ cảm thấy bắt buộc phải hỗ trợ cho đồng minh Syria bằng cách đáp trả bằng các hành động quân sự.
Rõ ràng, Israel không khoe khoang về sức mạnh của mình so với Nga, một siêu cường trước đây có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất hành tinh. Tuy nhiên, Israel cũng không phải là một quốc gia yếu ớt. Dù nhỏ bé nhưng họ không ngại sử dụng “nắm đấm” của mình khi cần thiết.
Trên thực tế, nguy cơ một cuộc chiến giữa Nga và Israel đã từng suýt nổ ra trong quá khứ chứ không phải chỉ trong các tình huống lý thuyết.
Sau Chiến tranh Sáu ngày năm 1967, các máy bay chiến đấu của Liên Xô đã được gửi đến Ai Cập. Quyết định này đã dẫn đến một sự cố khét tiếng vào tháng 7/1970 khi trong một cuộc phục kích trên không được lên kế hoạch kỹ lưỡng ở kênh đào Suez, các máy bay chiến đấu của Israel đã bắn hạ năm máy bay MiG-21 của Liên Xô chỉ trong ba phút.
Ở thời điểm hiện tại, Nga không cần phải chiến đấu trực tiếp với Israel để làm tổn thương nước này. Các quan chức Israel dường như ít quan tâm đến một cuộc đụng độ tay đôi giữa các lực lượng Israel và Nga. Họ lo ngại hơn về việc Nga có thể cung cấp vũ khí tiên tiến như tên lửa phòng không cho các đối thủ của Israel như Syria và Iran.
Đầu những năm 1970, Liên Xô đã cung cấp nhiều tên lửa phòng không và vũ khí cho Ai Cập và Syria, gây tổn thất nặng nề cho máy bay của Israel trong Chiến tranh Tháng Mười năm 1973. Nếu muốn, Nga có thể khiến các hoạt động trên không của Israel trở nên rất tốn kém. Tương tự như cuộc xung đột Ả Rập-Israel (hoặc Iran-Israel), mối nguy hiểm thực sự không phải là xung đột trong nội bộ khu vực, mà là nó có thể leo thang nguy hiểm đến mức nào. Trong cuộc chiến năm 1973, Liên Xô đe dọa sẽ gửi quân tới Ai Cập trừ khi Israel đồng ý ngừng bắn. Mỹ đã đáp trả bằng cách cảnh báo hạt nhân.
Trong trường hợp Israel hoặc Nga ra đòn, Mỹ rất có khả năng sẽ giữ uy tín của mình bằng cách can thiệp vào cuộc chiến để giúp đỡ đồng minh lâu năm.
Còn với Nga, một cường quốc mới nổi đang coi sự can thiệp vào Syria là một biểu tượng đáng tự hào về sức mạnh quân sự tái sinh và vị thế đáng gờm trên toàn cầu, chắc chắn sẽ không thể ngồi im khi một máy bay của mình bị bắn hạ hoặc một người lính Nga tử vong.
Căng thẳng giữa Israel và Nga sẽ dẫn đến một cuộc đụng độ giữa quân đội Mỹ và Nga. Cuối cùng, một bên nào đó sẽ phải lùi lại. Nhưng Iran sẽ không từ bỏ tiền đồn của mình ở biên giới Israel và Nga có lẽ không thể ép buộc họ. Sau đó, chính Israel sẽ ra tay một cách dứt khoát hơn để ngăn chặn Iran.
Mạnh Kiên/SH