Bán mỗi lít xăng lỗ gần 1.000 đồng khiến doanh nghiệp lao đao
Khan hiếm nguồn cung và chịu lỗ là tình cảnh của doanh nghiệp xăng dầu thời điểm này. Bộ Công Thương đề xuất được linh hoạt trong điều hành giá nhằm bảo đảm ổn định thị trường.
Thời điểm tháng 5/2020, hàng loạt cây xăng trên cả nước đồng loạt treo biển hết hàng, tạm nghỉ bán vì thiếu hụt nguồn cung. Hơn 1 năm sau, tình trạng này tiếp tục tiếp diễn với lý do tương tự.
“Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, kỳ điều chỉnh giá tiếp theo là ngày 1/2 (tức mùng 1 Tết) nhưng phải chờ đến thời gian điều chỉnh giá mới là 11/2. Tức mức giá cũ phải áp dụng đến 15 ngày trong khi giá xăng dầu thế giới đang tăng rất cao và liên tục”, Hoàng Thị Điều – chủ một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở Đắk Lắk – phản ánh.
“Điều này dẫn đến giá nhập cao hơn giá bán ra khiến đại lý bán lẻ thua lỗ trầm trọng”, bà Hoàng Thị Điều bức xúc.
Bà cho rằng trong thời điểm này các bộ ngành cần vào cuộc có cơ chế linh hoạt điều chỉnh giá xăng dầu kịp thời để doanh nghiệp không bị lỗ nặng. “Mỗi ngày bán ra hàng nghìn lít xăng nhưng càng bán nhiều, chúng tôi càng lỗ. Năm trước cũng xảy ra tình trạng này và năm nay lại tiếp diễn”, chủ doanh nghiệp này than.
Theo một số chuyên gia và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, hiện vẫn còn nhiều bất cập trong công tác điều chỉnh giá xăng dầu và cách tính toán chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu.
Chẳng ai muốn bán lỗ
Chị Nguyễn Thị Phương Thu – chủ một cửa hàng xăng dầu tại Hà Nội – cho biết từ 6h sáng 9/2 doanh nghiệp đầu mối đã thông báo mức chiết khấu (hoa hồng) mới. Cụ thể, dầu âm 100 đồng/lít, xăng RON 95 – III âm 200 đồng/lít, xăng E5 âm 300 đồng/lít.
“Nguồn hàng khan hiếm, các đầu mối phía Bắc cũng không có hàng. Khó khăn lắm tôi mới đặt được thì chiết khấu âm, cửa hàng bán lẻ phải gánh thêm chi phí vận chuyển, nhân công, thuê mặt bằng giá cao. Tính ra, mỗi lít xăng âm gần 1.000 đồng nhưng cửa hàng vẫn phải cố cầm cự để giữ khách”, chị than.
Theo chị Thu, thông thường mức chiết khấu xăng dầu có thể được hưởng lên tới 300-500 đồng/lít. Tuy nhiên, lúc này mức chiết khấu giảm dần đến mức 0%, thậm chí âm. “Do đó, mới xuất hiện tình trạng có cây xăng treo biển, hết hàng tạm nghỉ bán hoặc giảm số lượng bán ra”, chị nói.
“Không có hàng mà găm”, đó là câu khẳng định của chị Thu cũng như nhiều doanh nghiệp, đại lý xăng dầu khác khi được hỏi về việc có hay không tình trạng găm hàng chờ tăng giá. Thực tế hiện nay, nhiều đại lý bán lẻ xăng dầu đang phải chật vật vì không đủ nguồn cung trong khi càng bán ra càng lỗ.
Không chỉ chị Thu, nhiều đại lý khác cũng cho biết đang gặp rất nhiều khó khăn vì mức chiết khấu âm. “Sáng nay mức chiết khấu xăng tiếp tục âm 600-650 đồng/lít. Làm ăn kinh doanh ai mà chẳng muốn có lãi, nhiều nơi đóng cửa là điều dễ hiểu”, anh V – một đại lý xăng dầu tại Tiền Hải, Thái Bình – than thở.
Theo anh, đang có sự bất cập trong điều hành giá xăng dầu khiến các doanh nghiệp kinh doanh chịu thiệt. “Trong khi giá bán lẻ thì chịu sự quản lý của nhà nước, thì giá chiết khấu của các kho bán cho doanh nghiệp lại tự khống chế”, anh nói.
Không chỉ các doanh nghiệp tư nhân, đại lý nhỏ lẻ mà các đơn vị đầu mối phân phối xăng dầu lớn cũng gặp khó vì giá xăng trong nước chưa điều chỉnh tương ứng với giá thế giới.
Có tình trạng nhiều cây xăng đang phải nhập hàng giá cao, trong khi giá bán thấp chưa được điều chỉnh.
Đại diện PV OIL
Đại diện PV OIL cho biết tình trạng thiếu xăng chỉ diễn ra cục bộ ở một vài cây xăng và trong một thời gian ngắn. Các cây xăng này chỉ thiếu xăng A95, còn xăng E5 và dầu DO vẫn cung cấp bình thường.
PV Oil cũng nói do nhu cầu xăng A95 ở một số địa phương tăng đột biến, đặc biệt là địa phương gần biên giới với Campuchia. doanh nghiệp đầu mối không cung cấp kịp thời.
“Hiện tại, giá xăng ở Việt Nam chưa điều chỉnh (do kỳ điều chỉnh trùng với mùng 2 Tết Nhâm Dần), do đó giá xăng dầu trong nước đang thấp hơn nhiều so với giá thế giới, đơn cử như ở Campuchia. Có tình trạng nhiều cây xăng đang phải nhập hàng giá cao, trong khi giá bán thấp, chưa được điều chỉnh”, lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối xăng dầu này lo ngại.
Sau khi xảy ra tình trạng thiếu hàng cục bộ do nhu cầu tăng đột biến, PV OIL cũng cho biết đã nhanh chóng bổ sung nguồn hàng, đảm bảo nguồn cung cho các doanh nghiệp bán lẻ. Đơn vị này đã có kế hoạch nhập khẩu tăng thêm và dự kiến lượng xăng dầu về cảng Việt Nam ngày 20/2 là 26.000m3 xăng và 42.000m3 dầu.
Cần có cơ chế bảo hiểm giá cho doanh nghiệp
Ông Đào Đình Thiêm – Giám đốc Công ty Petromekong, đơn vị thành viên của PV OIL – cho biết nguyên nhân cửa hàng xăng dầu số 58 (TP Châu Đốc, An Giang) hết xăng RON 95 trong ngày 6/2 là do một số cửa hàng trên địa bàn ngưng hoạt động dẫn đến lượng khách hàng đổ dồn về mua tăng đột biến.
Theo ông, do các tuyến đường khu vực miền Tây thời điểm đó thường xuyên ùn tắc giao thông nên xe giao hàng không cung cấp xăng RON 95 kịp.
“Trong những ngày đầu năm, mật độ giao thông tăng cao nên việc cung cấp hàng chậm trễ hơn so với dự kiến nhưng vẫn đảm bảo cung cấp nguồn hàng theo số lượng cam kết với khách hàng”, ông nói.
Trong khi các doanh nghiệp than thiếu xăng, rất khó nhập hàng từ các doanh nghiệp đầu mối thì Bộ Công Thương khẳng định tình trạng thiếu hụt chỉ xảy ra cục bộ tại cửa hàng đại lý của doanh nghiệp nhỏ, do tâm lý găm hàng nhằm trục lợi.
Tuy nhiên, chủ doanh nghiệp tư nhân xăng dầu ở Đắk Lắk cho hay đã gọi điện đặt hàng với đầu mối xăng dầu nhưng không ai dám khẳng định có hàng hay không.
“Do nguồn cung khan hiếm nên từ ngày 21/1 đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa nhập được dầu nên chỉ bán xăng. Nếu nói đại lý găm hàng thì cơ quan chức năng phải đến trực tiếp kiểm tra lượng hàng tồn trong bể chứa và xử phạt thật nặng”, bà Điều nói.
Theo một số chuyên gia và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, chính sách điều chỉnh giá xăng dầu giảm từ 15 ngày còn 10 ngày đã gây nên một số ảnh hưởng. Cụ thể, theo quy định định kỳ điều chỉnh giá tiếp theo là ngày 1/2 (ngày 1 Tết) tuy nhiên quy định mới, thời gian điều hành sẽ lùi sang kỳ điều hành tiếp theo là ngày 11/2.
Trong khi đó, giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao, nguồn cung khan hiếm các doanh nghiệp đầu mối trong nước đã phải giảm chiết khấu đồng loạt, có nơi về mức 0% khiến các doanh nghiệp tư nhân, đại lý xăng dầu gặp khó khăn, nhiều cửa hàng tạm ngưng kinh doanh để giảm lỗ.
Nếu nói đại lý găm hàng thì cơ quan chức năng phải đến trực tiếp kiểm tra lượng hàng tồn trong bể chứa và xử phạt thật nặng
Hoàng Thị Điều – chủ một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở Đắk Lắk
Ông Huỳnh Ngọc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam – cho rằng hoạt động của doanh nghiệp đang bị phụ thuộc nhiều vào giá dầu thế giới, giá lên thì lãi, giá xuống thì lỗ.
“Do đó, cần có cơ chế bảo hiểm giá cho doanh nghiệp xăng dầu để tránh được những cú sốc giảm giá mạnh mà thị trường mang lại, và nên đưa chi phí này vào kết cấu hình thành giá cơ sở”, ông nêu quan điểm.
Đánh giá về chi phí kinh doanh định mức (chi phí lưu thông), lãnh đạo Hiệp hội cho rằng mức chi phí này ở Việt Nam hiện ở mức thấp, chỉ chiếm 5-7% giá cơ sở và không đủ cho doanh nghiệp trang trải trong bối cảnh lạm phát như hiện nay, trong khi con số này ở Singapore là 27%.
Chiều 9/2, tại cuộc họp khẩn đảm bảo ổn định nguồn cung xăng dầu, Bộ trưởng Công Thương cũng đề nghị Cục Quản lý giá rà soát và tính toán lại mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu cho phù hợp với thời giá hiện hành và thực tế chi phí phát sinh trong kinh doanh xăng dầu hiện nay.
Bộ Công Thương đồng thời đề nghị Chính phủ cho phép cơ quan này linh hoạt trong điều hành giá xăng dầu nhằm bảo đảm giá xăng dầu trong nước bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới.
Khai Tâm