2
category
471460

Bản lĩnh người cầm lái

31/01/2021 19:52

Thách thức từ đại dịch Covid-19 là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nhân loại cũng như đối với đất nước ta. Nhưng với bản lĩnh của một đảng cầm quyền đã trải qua bao thử thách, thăng trầm cả trong chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc đầy máu và nước mắt lẫn hòa bình, dựng xây, đổi mới đầy nhọc nhằn, Đảng ta đã và đang lãnh đạo đất nước “vượt bão” Covid-19 bằng lối đi riêng, cách làm riêng từ chính sự ưu việt của thể chế.

Vai trò người đứng đầu – những “Tư lệnh” trong cuộc chiến

Mùa xuân năm ngoái, khi đại dịch vừa bắt đầu hoành hành, cả hệ thống chính trị của chúng ta đã vào cuộc. Không phải ngẫu nhiên mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi đó ra lời kêu gọi toàn dân, toàn quân và đồng bào ở nước ngoài chung sức chung lòng, “mỗi người dân là một chiến sĩ”. Nếu chúng ta ngược dòng lịch sử dân tộc và đất nước, không nhiều lần lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta ra lời kêu gọi toàn dân. Chỉ ở vào những thời khắc cam go nhất, cần kíp nhất quy tụ lòng dân, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, ấy là lúc người đứng đầu ra lời kêu gọi. Đảng, ở vị trí người dẫn đường chỉ lối, đã hành động kịp thời!

Đảng lãnh đạo, Đảng dẫn đường chỉ lối. Nhưng dẫn đường chỉ lối bằng cách nào? Một trong những cách rất quan trọng chính là thông qua đội ngũ cán bộ của Đảng. Bác Hồ đã dạy đó chính là cái gốc của mọi công việc. Khi Covid-19 như cơn sóng thần ập đến, điều hiếm thấy trên thế giới là những người lãnh đạo lại quyết liệt nhất họp bàn, tính toán ngày đêm tìm cách lo cho dân.

Đồ họa: Phạm Hà

Người dân không quên những ánh mắt thâm quầng của một vị lãnh đạo Chính phủ sau nhiều ngày lo lắng đẩy lùi Covid-19 vào năm ngoái. Bức ảnh phóng viên bên hành lang Đại hội XIII mới đây chụp được dáng đi vội vã và nét mặt hằn lên lo âu của Thủ tướng Chính phủ từ hội trường Đại hội tới phòng họp khẩn đối phó với Covid-19. Vai trò chỉ đạo quyết liệt, khoa học nhưng cũng rất linh hoạt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa qua với tinh thần chống dịch như chống giặc. Theo dõi thông tin truyền thông thế giới, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, Đảng, Nhà nước ta không chỉ sớm có chủ trương, giải pháp quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh mà những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vực dậy nền kinh tế cũng được đề ra rất sớm.

Các chỉ thị, nghị quyết, văn bản của Đảng, Nhà nước chỉ đạo có nhiều nhưng bao giờ cũng có một câu như có tính nguyên tắc, như một mệnh lệnh không lời: Ở đâu để xảy ra dịch bệnh lan tràn thì người đứng đầu, trước hết là bí thư, chủ tịch phải chịu trách nhiệm.

 Những Bí thư tỉnh ủy, thành ủy và nỗi niềm giữa đại hội

Hôm qua là ngày Đại hội XIII bầu Ban Chấp hành Trung ương mới, một sự kiện vô cùng trọng đại để lựa chọn những người tiêu biểu nhất, đại diện cho ý chí và khát vọng của toàn dân tộc. Thế mà khi tôi gửi bức ảnh đoàn đại biểu một tỉnh cho đồng chí Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông ở sở nọ, tôi có thắc mắc rằng có điều gì khiến đồng chí Bí thư Tỉnh ủy có vẻ không vui, như đang ưu tư gì đó. Sao lại không vui vì anh ấy là cán bộ trẻ, tham gia trung ương lần đầu lại được bầu với số phiếu rất cao? Thật xúc động khi nhận được trả lời rằng: Không có gì đâu. Chỉ là anh ấy đang rất lo lắng, nóng lòng muốn nhanh trở về chỉ đạo cùng bà con đẩy lùi Covid-19 đang gây phức tạp ở địa phương.

Thực tế tại Đại hội XIII, lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố đang tham dự Đại hội đã xin ý kiến và được Đoàn Chủ tịch cho phép rời Đại hội để về trực tiếp chỉ đạo công tác chống dịch tại địa phương, xuống tận xã, phường, bám sát chỉ đạo của Trung ương, với tinh thần quyết liệt, hành động đồng bộ.

Ban tổ chức Đại hội XIII tiến hành xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Trọng Hải.

Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đúc rút một trong những bài học kinh nghiệm: Sự tham gia đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, chúng ta đã từng bước kiểm soát thành công đại dịch Covid-19…”. Chỉ có từ vai trò lãnh đạo của Đảng, mới có đội ngũ cán bộ biết lo cho dân như cho chính người thân của mình. Đó chính là nét ưu việt của thể chế, của chế độ XHCN trong cuộc chiến với Covid-19 thách thức an ninh phi truyền thống chưa từng có với nhân loại.

Bên lề Đại hội XIII của Đảng, phóng viên Báo Quân đội nhân dân phỏng vấn đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình. Anh cũng chia sẻ thật lòng, mong đại hội thành công và mong… sớm trở về để lãnh đạo, điều hành địa phương đẩy lùi Covid-19. Nếu Covid-19 còn thì nhân dân không có Tết, bản thân mình cũng không có Tết. Không chỉ thế, Covid-19 nếu kéo dài sẽ còn làm hỏng nhiều dự định phát triển của Thái Bình mà tỉnh đang ấp ủ. Cách đây ít lâu, khi về làm việc tại Thái Bình, chúng tôi cũng rất ngạc nhiên khi tình cờ thấy trên bàn làm việc của anh, có một tài liệu dày cả trăm trang với nội dung là bức tranh tổng thể về kinh tế Thái Bình và định hướng phát triển. Hỏi tác giả là ai thì anh nói anh tự soạn. Dù không phải là người địa phương, cũng không phải là nhà khoa học, nhà kinh tế nhưng đã được Đảng giao trọng trách thì phải tự tìm hiểu để gánh vác công việc tốt hơn.

Đồ họa: Phạm Hà

Câu chuyện về Bí thư tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải khiến tôi chợt nhớ đến câu chuyện một đồng chí Bí thư Thành ủy khác. Đó là đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Là nhà lãnh đạo đứng đầu một thành phố lớn bận trăm công nghìn việc, nhưng năm 2020, ông đã sớm tìm hiểu, nghiên cứu, biên soạn hẳn một tài liệu dài 16 trang với những thông tin đậm cơ sở khoa học, so sánh kinh nghiệm thực tiễn từ nhiều nước trên thế giới để đưa ra những giải pháp, đề xuất thiết thực đẩy lùi dịch bệnh. Tài liệu được gửi tới Thủ tướng Chính phủ và gửi tới lãnh đạo các ban, ngành, địa phương ở TP Hồ Chí Minh. Ông cũng sớm đề xuất giải pháp từ nhìn nhận kinh nghiệm của Nhật Bản, có chính sách hỗ trợ khi công nhân, người lao động mất việc làm. Cùng với đó là nghiên cứu thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn, thực hiện các chính sách ổn định xã hội. Đọc tài liệu 16 trang của ông, tôi vừa ngạc nhiên vừa xúc động. Chỉ có thực sự vì dân, vì nước, một người lãnh đạo cấp cao của Đảng mới có thể viết lên những điều như thế.

Tôi chợt nhớ đến những lời sâu sắc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cách đây 61 năm, cũng vào dịp mùa xuân như thế này, tại lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng (3-2-1960): “Đảng vừa lo tính công việc lớn như đổi nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của nước ta thành một nền kinh tế và văn hóa tiên tiến, đồng thời lại luôn luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà mắm muối cần thiết cho đời sống hằng ngày của nhân dân. Cho nên Đảng ta vĩ đại vì nó bao trùm cả nước, đồng thời vì nó gần gũi tận trong lòng của mỗi đồng bào ta”.

Covid-19 và trách nhiệm nêu gương của đảng viên

Chúng ta ngăn chặn thành công đại dịch Covid có một phần quan trọng chính từ sự nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tấm gương Trung úy Nguyễn Đình Thông – Đội trưởng Đội Vũ trang Đồn Biên phòng Thạnh Trị, Bộ Chỉ huy BĐBP Long An hay tin bố ở quê qua đời vì bạo bệnh đã nén đau thương, xin phép chỉ huy lập bàn thờ tạm ngay Chốt kiểm soát để anh và đồng đội bái vọng rồi tiếp tục làm nhiệm vụ. Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm Chính trị, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, nhiều cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng đã hoãn lại các công việc riêng, công việc gia đình, thậm chí bố mẹ mất, hoãn cưới để thực hiện làm nhiệm vụ ở các chốt ngăn dịch. Đầu năm 2020, có 30 trường hợp hoãn tổ chức lễ kết hôn; 21 trường hợp vợ sinh con chưa về được; 3 trường hợp có người thân mất không kịp về… Mùa xuân này, trước diễn biến gia tăng của dịch bệnh, lai thêm rất nhiều cán bộ, chiến sĩ, đảng viên Bộ đội Biên phòng gác phép, gác Tết, dãi nắng dầm sương làm nhiệm vụ.

Đó chính là biểu hiện sinh động của trách nhiệm nêu gương nhưng Đảng ta cũng kiên quyết với những biểu hiện thiếu gương mẫu, thiếu trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh. Năm ngoái, một Phó chủ tịch HĐND huyện Hớn Quản (tỉnh Bình Phước) quát tháo, chống đối tại chốt kiểm dịch đã bị dư luận lên án gay gắt và vị cán bộ này lập tức đã bị kỷ luật, bị tạm đình chỉ công tác. Chỉ vài giờ sau khi vị này có hành vi vô trách nhiệm, coi thường lực lượng chức năng kiểm soát phòng dịch, cán bộ đó đã bị cấp ủy, chính quyền địa phương, dưới sự chỉ đạo của Bí thư tỉnh ủy, người đứng đầu địa phương kiên quyết xử lý làm gương.

Đồ họa: Phạm Hà

Tại Hà Tĩnh, một phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Khê cũng bị tạm đình chỉ công tác vì làm đám cưới cho con trai vi phạm quy định cấm tụ tập đông người trong thời điểm chống dịch. Nghiêm khắc hơn, tại Thanh Hóa, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thị xã Bỉm Sơn bị yêu cầu kiểm điểm vì vắng mặt trong buổi họp về phòng, chống dịch. Tại Hải Phòng, Đắk Nông, đã có một số cán bộ bị điều chuyển công tác do không quyết liệt trong chống dịch.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng có kết luận rất đúng rằng: “Ứng phó với dịch bệnh cũng là một thử thách để đánh giá cán bộ”. Phát biểu tại Đại hội XIII, Tổng Bí thư còn nêu quan điểm “6 dám”, trong đó đề cao, bảo vệ những cán bộ dám đương đầu với thử thách. Mới đây, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu toàn bộ cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu trong thực hiện “5K” (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế).

Sức mạnh kỷ luật và đoàn kết có khi cao hơn pháp luật

Nhiều quốc gia có quản lý hiện đại, có nền pháp quyền kỹ trị tân tiến nhưng đã không thể ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh chỉ vì những lý do đơn giản như không thể khiến cho toàn thể người dân cách ly xã hội hay đeo khẩu trang. Có nước châu Âu nổi tiếng văn minh hiện đại nhưng khi cảnh sát cấm tụ tập đêm Giao thừa còn bị người quá khích tấn công để ngang nhiên tụ tập, đốt pháo, bất chấp bóng ma Covid-19.

Thế nhưng ở Việt Nam, để giúp đất nước vượt qua “bão Covid-19” và phát triển, mỗi cán bộ, mỗi người dân đề cao tinh thần tập thể, ý thức vì cộng đồng, vì lợi ích chung của đất nước và xã hội chính là một bí quyết quan trọng. Những năm chiến tranh giữa mưa bom bão đạn, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, vừa xây dựng kinh tế ở miền Bắc vừa chi viện cho miền Nam, đất nước chúng ta đã vượt qua những thử thách mang tầm lịch sử và thời đại chính nhờ tinh thần tập thể. Đã có một thời, từng suy nghĩ, từng hành vi của mỗi người đều gạt lợi ích cá nhân mình sang một bên, hành động vì cái chung, vì cộng đồng. Ai nghĩ riêng tư, vụ lợi cho mình đều cảm thấy xấu hổ, lạc lõng.

Các bác sĩ căng mình phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: TTXVN.

Năm 2020, sống trong giai đoạn cách ly xã hội với cuộc sống kinh tế mang dáng dấp thời chiến, giúp chúng ta thêm một lần nhận ra, đâu phải trong cơ chế thị trường chỉ lợi ích cá nhân, chủ nghĩa cá nhân có thể lên ngôi trên hết mà từ mặt trái của cơ chế thị trường, với thách thức an ninh phi truyền thống trong đại dịch lại đặt ra đòi hỏi rất cao của ý thức tập thể, của tinh thần mỗi người vì mọi người!

Bài học dựa vào dân vào cộng đồng để chống dịch là những cách mà có lẽ chỉ Việt Nam làm được. Phát biểu chỉ đạo trong cuộc họp khẩn ngay bên lề Đại hội XIII vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị học tập cách làm ở TP Hải Phòng: “Chúng ta phải phát động lại việc đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng, như kinh nghiệm của Hải Phòng huy động 30.000 người dân tham gia các tổ chống dịch cộng đồng”.

Cũng từ trong những ngày cách ly ấy, chúng ta càng nhận ra sự ưu việt, mặt tích cực của chế độ XHCN, vai trò của “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” được vận hành như thế nào. Càng trong cam go, thách thức của đại dịch, càng thấy cần thiết phải duy trì kỷ cương, phép nước gắn với kỷ luật của Đảng, sự tự giác và khơi dậy sức mạnh cộng đồng, vai trò làm chủ của người dân. Chúng ta không phủ nhận và vẫn hướng tới Nhà nước pháp quyền XHCN, nhưng chúng ta cũng rất cần đề cao vai trò nêu gương và kỷ luật Đảng, vai trò tự quản của người dân. Khi cơ chế đó được vận hành tốt, nhiều khi sức mạnh của nêu gương, tự giác, sức mạnh của kỷ luật và sức mạnh của đoàn kết còn tạo thành thế trận lòng dân, sức mạnh đó mạnh mẽ hơn cả pháp luật.

Ngày 28-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc triệu tập cuộc họp khẩn về công tác phòng, chống Covid-19 tại phòng họp thuộc Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, nơi Đại hội XIII đang diễn ra. Ảnh: VGP.

Niềm tin và bản lĩnh Việt Nam

Năm 2020, dù trong sóng gió Covid-19, Việt Nam vẫn giữ vững được ổn định vĩ mô, nằm trong nhóm 10 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới. Việt Nam thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh thành công vừa phát triển kinh tế-xã hội. Dù Covid-19 diễn biến phức tạp, kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 2,91%. Đáng chú ý là năng suất lao động của toàn nền kinh tế trong năm 2020 đạt 117,9 triệu đồng/lao động, tương đương 5.081 USD/lao động, tăng 290 USD so với năm 2019. Khi các quốc gia bị “ngăn cách” với nhau vì Covid-19, thì năm 2020, Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng và mạnh mẽ hơn khi có thêm 3 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Nhìn lại sự bùng phát đại dịch toàn cầu, GS Jonathan London, công tác tại Viện Nghiên cứu châu Á, Đại học Leiden, Hà Lan đã chỉ trích gay gắt không ít nhà lãnh đạo ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển nhưng đã thiếu tỉnh táo, bản lĩnh và sự kiên quyết, dám nghĩ dám quyết cần có. Với niềm tin và bản lĩnh Việt Nam, bản lĩnh của một đảng cầm quyền đã tôi luyện trong thử thách thì thách thức Covid-19, dù có nhiều nét phức tạp chưa từng có, nhưng xét một cách toàn diện, nó chưa phải là trang sử cam go, nguy hiểm nhất so với những gì chúng ta đã trải qua trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc hay những khó khăn, khủng hoảng sau giai đoạn đầu đổi mới. Chắc chắn chúng ta sẽ tiếp tục vượt qua, tiếp tục chiến thắng để đón một mùa xuân mới, mừng Đảng mừng xuân với cuộc sống bình thường mới trong “ngày bình thường, ngày xuân nay đã về”…

QĐND

Đọc nhiều