Bản lĩnh chính trị vững vàng giúp chuyển hóa nguy cơ thành thời cơ
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân nói như vậy sau khi đọc bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Trong bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Trao đổi với PV về vấn đề này, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định: “Một trong những yếu tố quyết định đưa đất nước giành được những thành tựu vĩ đại, vẻ vang là nhờ đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với mục tiêu, lý tưởng của Đảng; trong đó bản lĩnh chính trị của đội ngũ lãnh đạo, quản lý chủ chốt có tính chất quyết định”.
Một bộ phận không nhỏ cán bộ phai nhạt lý tưởng
Bộ trưởng có nhìn nhận như thế nào về bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay?
Đảng ta nhìn nhận, nhìn chung đội ngũ cán bộ có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống giản dị, gương mẫu, có ý thức tổ chức kỷ luật, luôn tu dưỡng, rèn luyện, trình độ, năng lực được nâng lên, phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Đa số cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc các cấp có năng lực, phẩm chất, uy tín. Cán bộ cấp chiến lược có bản lĩnh chính trị, kiên định chủ nghĩa Mác Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có tư duy đổi mới, có khả năng hoạch định đường lối, chính sách và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện…
Bên cạnh đó, Đảng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện. Một bộ phận không nhỏ cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm…
Theo Bộ trưởng, vì sao Tổng Bí thư nhấn mạnh việc kiên định mục tiêu, lý tưởng là “vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với chế độ, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”?
Ngoài những hạn chế Đảng ta đã thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay các thế lực thù địch đang tìm mọi cách tấn công, phá hoại sự nghiệp cách mạng, ra sức xuyên tạc, vu cáo, kích động chia rẽ nội bộ Đảng hòng làm tan rã Đảng từ bên trong.
Trong bối cảnh ấy, nếu đội ngũ cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp không tiếp tục nâng cao sự kiên định, vững vàng về bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng; không thống nhất cao về ý chí, hành động; không gương mẫu, trong sạch về đạo đức, lối sống thì khó đứng vững và đủ sức lãnh đạo cách mạng.
Ngược lại, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định sẽ giúp chúng ta chuyển hóa nguy cơ thành thời cơ. Chúng ta cần chuyển những điều đó thành động lực thúc đẩy quyết tâm và hành động như khẳng định, cam kết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn thường niên lần thứ hai về cải cách và phát triển Việt Nam năm 2019: “Những hạn chế, yếu kém đó không làm chúng tôi chùn bước mà càng thôi thúc chúng tôi không chỉ có khát vọng, ước mơ mà phải hành động, phải vươn lên mạnh mẽ”.
Điều đó đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục nâng cao bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bô, đảng viên, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt. Bởi sự vững vàng, kiên định của đội ngũ này là nhân tố trực tiếp nhất, quan trọng nhất quyết định sự thành công hay không vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.
Vì vậy, quan điểm của Đảng là: “Nâng cao bản lĩnh chính trị, trí tuệ, tính chiến đấu của toàn Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp; không dao động trong bất cứ tình huống nào”.
Xử lý tốt mối quan hệ giữa kiên định và đổi mới
Tổng Bí thư cũng lưu ý: “Cần nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa kiên định và đổi mới, vận dụng sáng tạo. Nếu chỉ “kiên định” một cách máy móc thì dễ dẫn đến giáo điều, cứng nhắc, bảo thủ; nhưng nếu không kiên định, mà “đổi mới” một cách vô nguyên tắc thì cũng rất dễ rơi vào chủ nghĩa xét lại, chệch hướng, “đổi màu”. Bộ trưởng suy nghĩ như thế nào về lưu ý này của Tổng Bí thư?
Tôi cho rằng điều lưu ý nêu trên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa rất quan trọng cả về lý luận và thực tiễn, tư duy và hành động. Bởi đây không chỉ là yêu cầu về tính khoa học và cách mạng trong nghiên cứu và vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; mà đó còn là bản chất khoa học tự thân của chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh.
Và cũng chính các nhà tiền bối của chủ nghĩa Mác-Lênin và Đảng ta là những tấm gương mẫu mực về kiên định và đổi mới, vận dụng sáng tạo.
Là người khởi xướng và thực hiện thành công chính sách kinh tế mới (NEP) ở nước Nga, V.I Lênin đã sử dụng kinh tế tư bản nhà nước một hình thức chưa được C.Mác và Ph.Ăngghen đề cập trong các tác phẩm kinh điển mác xít.
Nội dung của NEP đã thể hiện tầm nhìn và bản lĩnh vượt thời đại của V.I.Lênin về tính tất yếu phải phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, áp dụng chính sách thuế lương thực thay cho chính sách cộng sản thời chiến, thực hiện luân chuyển cán bộ từ Trung ương về địa phương, thực hiện chính sách tô nhượng và hợp tác xã, thực sự coi trọng nông dân và phát triển kinh tế nông thôn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn nhắc nhở chúng ta rằng, học tập chủ nghĩa Mác-Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác-Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế ở Việt Nam.
Phải tránh khuynh hướng chủ quan, nóng vội, vận dụng máy móc chủ nghĩa Mác-Lênin; phải luôn xuất phát từ điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam để vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin. Bởi Người cho rằng mục tiêu của cách mạng Việt Nam chỉ là một đó là tiến lên chủ nghĩa cộng sản, nhưng con đường để đi đến mục tiêu đó thì không chỉ có một, do đó đòi hỏi phải có sự vận dụng sáng tạo.
Trước thời kỳ Đổi mới (năm 1986) ở nước ta, đã có nhiều đồng chí lãnh đạo các cấp là tấm gương sáng ngời về kiên định và đổi mới, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Đó là đồng chí Kim Ngọc, người đã chủ trì ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TU ngày 10/9/1966 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc “Về một số vấn đề quản lý lao động nông nghiệp trong hợp tác xã hiện nay”. Nghị quyết này khi đó bị coi là vi phạm nghiêm trọng đường lối của Đảng về phát triển nông nghiệp.
Tuy nhiên, tính đúng đắn của Nghị quyết số 68 và cá nhân đồng chí Kim Ngọc đã được minh chứng khi vào năm 1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị 100-CT/TW về mở rộng công tác khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong các hợp tác xã (khoán 100); đến năm 1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10-NQ/TW về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (khoán 10).
Đó là tấm gương của đồng chí Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc), nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, nguyên Tổng Bí thư của Đảng. Từ năm 1980, khi còn là Bí thư Thành ủy TP.HCM, đồng chí đã cho phép xóa bỏ cơ chế tập trung, bao cấp, thí điểm đổi mới quản lý kinh tế ở một số doanh nghiệp nhà nước.
Đây là những bước đột phá đầu tiên mặc dù chưa hoàn thiện nhằm xóa bỏ cơ chế quản lý cũ. Dù bị nhiều người phê phán, cho rằng chạy theo cơ chế thị trường nhưng đồng chí Nguyễn Văn Linh vẫn kiên định với cách làm này.
Tư tưởng đổi mới đó đã được đồng chí vận dụng sáng tạo vào việc chuẩn bị văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, mở đầu cho công cuộc đổi mới đất nước kể từ năm 1986.
Từ Đổi mới đến nay, còn nhiều tấm gương sáng trên cả nước về sự kiên định và đổi mới, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn Việt Nam. Bài học thành công của công cuộc Đổi mới chỉ ra rằng, trong mọi điều kiện và hoàn cảnh, chúng ta cần nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa kiên định và đổi mới, vận dụng sáng tạo để không rơi vào tình trạng hoặc “kiên định” thái quá đến giáo điều, cứng nhắc, bảo thủ; hoặc “đổi mới” một cách vô nguyên tắc đến mức trở thành chủ nghĩa xét lại, chệch hướng, “đổi màu”.
Yếu tố quyết định thành công mối quan hệ giữa kiên định và đổi mới, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn Việt Nam đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, rằng chúng ta phải hiểu rõ, vận dụng đúng phương pháp biện chứng của chủ nghĩa Mác-Lênin: Kiên định phải gắn liền với sáng tạo và sáng tạo phải trên cơ sở kiên định phù hợp với thực tiễn, với yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.
Đội ngũ cán bộ lãnh đạo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng
Vậy theo Bộ trưởng làm sao để mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp không dao động trong bất cứ tình huống nào?
Theo tôi có 3 giải pháp cơ bản.
Một là, tiếp tục đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh nền tản tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đảng ta luôn khẳng định nhất quán chủ nghĩa Mác Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng, của cách mạng Việt Nam trong bất kỳ điều kiện và tình huống nào, phải kiên trì thực hiện đường lối và mục tiêu đổi mới, kiên định và vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Muốn vậy phải đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục lý luận chính trị, học tập nghị quyết của Đảng. Thực hiện nề nếp việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cấp Trung ương…
Ngoài ra, cần đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách; chủ nghĩa Mác Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh trong hệ thống cơ sở giáo dục quốc dân. Việc giáo dục ở lứa tuổi thiếu nhi, thiếu niên đóng vai trò chủ yếu, quyết định đến sự hình thành nhân cách con người. Do đó cần đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy về đạo đức công dân, nhân cách, truyền thống, lối sống tốt đẹp cho học sinh các bậc học phổ thông…
Thứ hai là, xác định các tiêu chí đánh giá bản lĩnh chính trị của cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý chủ chốt và tạo môi trường thử thách, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ này. Việc đánh giá phải khắc phục hiện tượng nể nang, hình thức; phải bảo đảm thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng và đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức tại các nghị quyết, quy định của Đảng.
Đồng thời cần thực hiện luân chuyển để đào tạo, bổ sung kiến thức lý luận và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn. Những trường hợp có triển vọng phát triển được dự kiến bố trí vào chức vụ cao hơn thì luân chuyển vào các chức danh cấp trưởng ở những địa bản, lĩnh vực trọng yếu, có nhiều khó khăn, phức tạp.
Cùng với đó, thực hiện thống nhất việc bố trí một số chức danh lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu không là người địa phương…
Thứ ba là, tiếp tục đổi mới công tác cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật Đảng và tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ.
Theo đó, tổ chức phải chủ động tìm người để bố trí, sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt đúng chỗ, đúng lúc, đúng năng lực, sở trường, đúng việc, đúng người…
Đồng thời thực hiện kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; tự khắc phục, sửa chữa các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm và những tổ chức đảng yếu kém. Tăng cường kiểm tra trách nhiệm chính trị, vai trò nêu gương của người đứng đầu trong đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và lợi ích nhóm.
Hơn lúc nào hết, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với lý tưởng xã hội chủ nghĩa, với chủ nghĩa Mác Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, với lợi ích của Tổ quốc và Nhân dân.
Thu Hằng/ VNN