2
category
434493

Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan tham mưu chiến lược quan trọng của Đảng về kinh tế-xã hội

30/09/2020 14:40

Theo ông Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, hoạt động của Ban Kinh tế Trung ương ngày càng toàn diện, chất lượng, hiệu quả, và khẳng định vị thế, vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược quan trọng của Đảng về kinh tế – xã hội.

Ngày 30-9, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức chương trình gặp mặt “Ban Kinh tế Trung ương – 70 năm với sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế của Đảng”. Chương trình nhằm nhìn lại những kết quả, đóng góp của Ban Kinh tế Trung ương trong công tác tham mưu về đường lối và phương thức lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế của đất nước.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh: 70 năm cùng đất nước đi lên, Ban Kinh tế Trung ương qua các thời kỳ đã tham mưu cho Đảng đề ra các chủ trương, đường lối phát triển kinh tế – xã hội một cách kịp thời, phù hợp với hoàn cảnh thực tế và yêu cầu của sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Ông Trần Quốc Vượng: Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan tham mưu chiến lược quan trọng của Đảng về kinh tế - xã hội - Ảnh 1.
Ông Trần Quốc Vượng khẳng định Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan tham mưu chiến lược quan trọng của Đảng về kinh tế – xã hội

Các chủ trương, đường lối phát triển kinh tế – xã hội của Đảng do Ban Kinh tế Trung ương tham mưu, đề xuất đã được thể hiện đầy đủ, sâu sắc trong Cương lĩnh của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quyết định của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Trong đó, có những chủ trương, đường lối đã tạo ra những bước ngoặt có tính đột phá về phát triển kinh tế – xã hội, quyết định sự thành công của cách mạng Việt Nam, góp phần quan trọng vào quá trình định hình, xây dựng và hoàn thiện mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa – mô hình tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Ông Nguyễn Văn Bình cũng đã điểm lại các dấu mốc quan trọng trong chặng đường 70 năm của Ban Kinh tế Trung ương. Ngoài tham mưu các chủ trương, chính sách chung về phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, Ban Kinh tế Trung ương còn chủ trì tham mưu nhiều nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh, thành phố có vai trò, vị trí quan trọng, trong đó chú trọng nghiên cứu, tổng kết các mô hình mới, cách làm hay, chính sách thí điểm trong phát triển kinh tế.

Chỉ riêng thời kỳ 2016 – 2020, Ban Kinh tế Trung ương đã hoàn thành xây dựng các nghị quyết, kết luận xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội cho các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế, Buôn Ma Thuột.

Bên cạnh nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, Ban Kinh tế Trung ương còn thực hiện tốt việc thẩm định, tham gia ý kiến đối với các đề án, báo cáo có tính chiến lược và tầm ảnh hưởng lớn về phát triển kinh tế – xã hội.

“Phát huy trí tuệ, tầm nhìn chiến lược, tư duy đổi mới, sâu sắc về lý luận và thực tiễn phát triển đất nước cùng với bản lĩnh chính trị vững vàng, các ý kiến thẩm định, đóng góp của Ban Kinh tế Trung ương ngày càng sắc bén hơn, có trách nhiệm, khách quan, công tâm, thuyết phục, giúp các cơ quan có thêm cơ sở khoa học, thực tiễn để xem xét, quyết định, đặc biệt là các vấn đề quan trọng được Đảng và nhân dân quan tâm”- ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Ông Trần Quốc Vượng: Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan tham mưu chiến lược quan trọng của Đảng về kinh tế - xã hội - Ảnh 2.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết Ban Kinh tế Trung ương đã thực hiện tốt chức năng thẩm định các đề án kinh tế – xã hội trình Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Tại buổi gặp mặt, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đã khẳng định, chặng đường 70 năm qua, sự phát triển của Ban Kinh tế Trung ương qua nhiều lần sắp xếp, tổ chức lại với các tên gọi khác nhau luôn gắn liền với những dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta.

Ông Trần Quốc Vượng cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Ban Kinh tế Trung ương đã tập trung nghiên cứu, hoàn thành một số lượng lớn các đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị ban hành 15 nghị quyết, kết luận về những vấn đề kinh tế – xã hội có tầm quan trọng chiến lược.

Trong đó, có một số nghị quyết xác định những chủ trương quan trọng đối với sự phát triển lâu dài của đất nước như hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển kinh tế tư nhân; đổi mới và cơ cấu lại các doanh nghiệp Nhà nước; định hướng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia; chủ trương, chính sách tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; chiến lược phát triển năng lượng quốc gia; chính sách đất đai; phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn…

Bên cạnh đó, Ban Kinh tế Trung ương đã thực hiện tốt chức năng thẩm định các đề án kinh tế- xã hội trình Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư với chất lượng thẩm định ngày càng nâng cao, đóng góp ý kiến thẳng thắn, thực chất và có trách nhiệm.

“Dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành Trung ương, mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hoạt động của Ban Kinh tế Trung ương ngày càng toàn diện, chất lượng, hiệu quả, và khẳng định vị thế, vai trò của Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan tham mưu chiến lược quan trọng của Đảng về kinh tế – xã hội”- Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh.

Trong tình hình mới hiện nay, ông Trần Quốc Vượng lưu ý Ban Kinh tế Trung ương cần chủ động, không ngừng đổi mới tư duy, mạnh dạn phát hiện, đề xuất những vấn đề mới trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, kiên định lý tưởng, mục tiêu của toàn dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Thực hiện tốt hơn nữa công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược về kinh tế- xã hội, theo dõi sát hơn tình hình thế giới, sâu sát hơn với thực tế của đất nước ta để nâng cao hơn nữa chất lượng tham mưu, thẩm định, đề xuất với Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về những vấn đề lớn, có tầm chiến lược trong phát triển kinh tế – xã hội.

“Ban Kinh tế Trung ương phải thực sự là một trong những trung tâm của Đảng, Nhà nước về tập hợp trí tuệ, sự cộng tác, hợp tác với các chuyên gia trong và ngoài nước đóng góp cho sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế – xã hội nước nhà”- ông Trần Quốc Vượng nói.

Ông Trần Quốc Vượng cũng nhấn mạnh việc tham mưu, đề xuất, xây dựng chủ trương, chính sách đã khó, nhưng đưa chủ trương, chính sách thực sự đi vào cuộc sống còn khó hơn nhiều. Vì thế Ban cần chủ động, đổi mới, sáng tạo trong tuyên truyền, hướng dẫn, trong kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng trực thuộc Trung ương thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về kinh tế – xã hội. Qua nghiên cứu, khảo sát thực tế, phát hiện, tổng kết các vấn đề mới để đề xuất, bổ sung, hoàn thiện các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng.

Cuối cùng, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, khoa học và hiệu quả, coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cả về trình độ lĩnh vực và về bản lĩnh chính trị.

Theo ông Trần Quốc Vượng, mỗi cán bộ Ban Kinh tế Trung ương không ngừng rèn luyện vững vàng về chính trị, trung thành tuyệt đối với Đảng, với dân tộc, không suy thoái về đạo đức lối sống, không “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; nỗ lực nâng cao trình độ lý luận, nắm bắt tri thức mới về kinh tế – xã hội, nêu cao trách nhiệm, liên tục đổi mới sáng tạo, trau dồi kỹ năng, tác phong làm việc khoa học và chuyên nghiệp.

Tại buổi gặp mặt, ông Vũ Oanh, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đã chia sẻ kỷ niệm khi được phân công trực tiếp tham gia nghiên cứu, tham mưu cho Trung ương Đảng đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong nông nghiệp, đi đến ban hành Chỉ thị số 100 về “Khoán sản phẩm trong nông nghiệp” của Ban Bí thư Trung ương Đảng và tiếp đến ban hành Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị.

Theo ông Vũ Oanh, đây là một quá trình đấu tranh vô cùng gian nan, quyết liệt giữa tư tưởng bảo thủ trì trệ, giáo điều với tư duy đổi mới sáng tạo; trên chặng đường đi đến thành công gặp phải không biết bao nhiêu lực cản.

“Đây có lẽ là công việc khó khăn, gian nan nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của tôi. Chỉ thị 100 và Nghị quyết 10 góp phần tạo đột phá chiến lược trong việc xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung, quan liêu, bao cấp, thực hiện cơ chế quản lý mới, mở ra cục diện mới cho sản xuất nông nghiệp và đường lối kinh tế mới của Việt Nam, là tiền đề để tạo niềm tin, động lực cho tiến trình đổi mới thành công cơ chế quản lý kinh tế-xã hội đất nước sau này”- ông Vũ Oanh chia sẻ.

Minh Chiến/NLD

Đọc nhiều