3
category
592118

Bản chất áp đặt và phi nhân quyền của “đạo luật nhân quyền” Magnitsky

An Diễm 24/02/2022 21:33

Không phải ngẫu nhiên mà các phiên bản của đạo luật “nhân quyền” Magnitsky đang dần được thông qua ở nhiều quốc gia phương Tây trong thời điểm khối này bắt tay nhau để chống lại các siêu cường mới nổi như Nga và Trung Quốc. Các đối tượng chống phá cũng đang coi đây như một công cụ hữu ích để tấn công Việt Nam.

Luật Magnitsky, hay còn gọi là Luật trách nhiệm pháp lý Sergei Magnitsky, ban đầu là một dự luật được thông qua bởi quốc hội Hoa Kỳ vào tháng 12/2012 vốn chỉ nhằm vào nước Nga. Dự luật này được ký bởi Tổng thống Barack Obama vào ngày 14/12/2012, với ý định trừng phạt các quan chức Nga được cho là chịu trách nhiệm về cái chết của kế toán, luật sư thuế Sergei Magnitsky trong nhà tù Moskva năm 2009.

Tổng thống Mỹ Obama ký ban hành Luật Magnitsky năm 2012

Luật Magnitsky trao cho chính phủ Mỹ quyền hạn chế nhập cảnh, hoặc đóng băng tài sản những cá nhân, quan chức ở mọi quốc gia mà họ liệt vào dạng “vi phạm nhân quyền”. Sau Mỹ, Canada và Anh lần lượt thông qua phiên bản của luật Magnitsky toàn cầu vào năm 2017 và 2018, đến năm 2020 thì Liên minh châu Âu EU cũng chính thức có phiên bản Luật Magnitsky của riêng mình. Hiện nay trong chính quyền Nhật Bản và Úc cũng đã bắt đầu thảo luận về luật này. Xét về giá trị pháp lý, đây là một dự luật có thể gây nhiều tranh cãi.

Vũ khí hóa “nhân quyền” và sự mù mờ của đạo luật Magnitsky

Nguồn gốc ra đời của Luật Magnitsky tại Mỹ cũng hết sức mù mờ. Sergei Magnitsky là một luật sư ở Nga bị bắt vì tội trốn thuế và gian lận thuế. Trong thời gian ở tù, ông bị nhiều bệnh và cuối cùng qua đời. Giới chức Nga đã điều tra vụ việc và một số người có liên quan đã bị xử phạt vì các hành vi tắc trách của mình. Tuy nhiên, bạn và thực chất là người thuê Magnitsky tên là William Browder, một doanh nhân Mỹ về nước và đưa vụ này ra công luận với nhiều cáo buộc không có bằng chứng rõ ràng, đồng thời lôi kéo các quan chức Mỹ ra “Luật trách nhiệm pháp lý Sergei Magnitsky” để trừng phạt các cá nhân người Nga tham gia vào vụ việc. Năm 2012, Luật này được Tổng thống Mỹ khi đó là Obama ban hành, một số người Nga bị trừng phạt, và nước Nga trả đũa. Thế giới tưởng thế là xong, nhưng mọi chuyện chưa kết thúc.

Năm 2016, bằng một cách nào đó, nó này được Mỹ mở rộng thành “Luật Chịu trách nhiệm về Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky”, trao cho Tổng thống Mỹ quyền “trừng phạt toàn cầu” với các vi phạm về nhân quyền. Không phải vô tình mà đây cũng là thời điểm mà nước Mỹ khởi xướng “chính sách xoay trục sang châu Á” với mục tiêu nhắm vào Trung Quốc. Với sự “trỗi dậy hòa bình” trong âm thầm của cường quốc châu Á, có vẻ như nước Mỹ nhìn ra chỉ có duy nhất con bài “nhân quyền” là có tác dụng kiềm chế quốc gia này.

Kế toán, luật sư thuế Sergei Magnitsky.

Năm 2020, chính phủ Úc cũng xem xét thông qua đạo luật nhân quyền Magnitsky và lập tực gây ra nhiều tranh cãi trong xã hội. Khi đó, trang tin Arena có trụ sở tại Melbourne đã tung ra một bài báo có tiêu đề: “Vũ khí hóa nhân quyền: Đạo luật Magnitsky có thể từ chối thủ tục tố tụng không?”

Trang Arena viết: “Quốc hội Úc dường như sắp thông qua luật ‘nhân quyền’ nhằm thiết lập khả năng thực hiện quyền lực nhà nước độc đoán đối với các cá nhân ở các quốc gia khác, những người đã bị cáo buộc vi phạm nhân quyền. Trớ trêu thay, luật này không cho phép bị cáo được ra tòa, không có cơ hội để xem các cáo buộc hoặc bằng chứng, đối chất với những người buộc tội, trình bày lời bào chữa hoặc phải chịu phán quyết của một cơ quan không phải là cơ quan công tố.”

Bài viết của Arena về chiêu bài vũ khí hóa nhân quyền thông qua luật Magnitsky.

Như vậy, bản thân đạo luật này đã vi phạm nhân quyền và dường như được “vũ trang hóa” để nhắm vào các mục tiêu quốc tế.

Nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ Donald Trump cầm quyền là lần đầu tiên nước Mỹ tung ra những đòn trừng phạt về Trung Quốc liên quan đến thuế quan thương mại, và nhân quyền liên quan đến các cáo buộc của họ về tình hình tại Tân Cương và Hồng Kông. Dưới sức ép của Mỹ, Canada và Anh cũng lần lượt thông qua luật này, sau đó đến một số quốc gia nhỏ ở châu Âu và năm 2020 thì Liên minh châu Âu cũng có được bộ luật Magnitsky của riêng mình. “Trào lưu Magnitsky” này song hành cùng với những áp lực ngày càng tăng của phương Tây dồn về phía Trung Quốc, và nước Mỹ hô hào tập hợp “liên minh các nền dân chủ”. Và bởi nó mang danh “vì nhân quyền”, các thế lực thù địch thường xuyên hô hào để tìm cách đưa Việt Nam vào “danh sách đen” trừng phạt theo luật này.

Thế nhưng với bản chất áp đặt, độc đoán, Luật Magnitsky rất khó áp dụng, và chỉ thực sự hiệu quả khi có được một liên minh đủ lớn cùng nhắm mục tiêu.

Đạo luật Magnitsky đã trừng phạt những ai?

Kể từ khi luật Magnitsky của Hoa Kỳ có hiệu lực, các biện pháp trừng phạt đã được áp dụng đối với các cá nhân và thực thể ở một số quốc gia. Đầu tiên là Nga, quốc gia có lẽ đã quá “nhẵn mặt” với các lệnh trừng phạt của Mỹ. Các cá nhân bị trừng phạt chủ yếu liên quan đến vụ việc của ông Magnitsky.

Không khó hiểu khi các hành động quan trọng nhất của Mỹ trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương liên quan đến Trung Quốc. Vào ngày 9/7/2020, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã xử phạt Cục Công an Tân Cương, Trung Quốc và bốn quan chức chính phủ vì “những hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đối với người dân tộc thiểu số ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương”. Trong cùng tháng, các biện pháp trừng phạt khác đã được áp dụng đối với Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương và các cán bộ chủ chốt của lực lượng này. Liên minh châu Âu cũng ngay lập tức theo sau nước Mỹ, và Trung Quốc phản đòn cả hai phía, trừng phạt lại nhiều quan chức Mỹ cũng như EU.

Công nhân đi bên ngoài một trung tâm giáo dục kỹ năng nghề nghiệp tại Tân Cương, Trung Quốc

Quốc gia đáng chú ý tiếp theo là Thổ Nhĩ Kỳ. Các cá nhân bị trừng phạt là Bộ trưởng Bộ Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Abdulhamit Gul và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Suleyman Soylu, cả hai đều đóng vai trò lãnh đạo trong các tổ chức chịu trách nhiệm về việc bắt giữ và giam giữ Mục sư Andrew Brunson. Đây vốn là mục sư người Mỹ nhưng bị Thổ Nhĩ Kỳ bắt giam vì cáo buộc âm mưu đảo chính. Thời điểm ban hành án phạt là năm 2018, trùng với thời điểm Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang có nhiều xích mích liên quan đến việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Cũng thời điểm này, sự phối hợp giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran về giải pháp hòa bình cho Syria đang cạnh tranh trực tiếp với tiến trình đàm phán do Liên Hiệp Quốc chủ trì, đe dọa đến lợi ích của Mỹ tại Syria và khu vực.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Abdulhamit Gul.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu.

UAE (Ả Rập Xê Út) cũng có một cá nhân bị trừng phạt vì bị cho là “có liên quan” đến vụ sát hại công khai nhà báo Jamal Khashoggi tại Đại sứ quán ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 2018, một vụ việc làm chấn động thế giới. Triều Tiên, quốc gia vốn bị Mỹ liệt vào danh sách tài trợ khủng bố cũng “góp mặt” một số cá nhân vì “đã tiến hành các cuộc tấn công mạng để hỗ trợ các chương trình vũ khí và tên lửa bất hợp pháp”.

Nhà báo Jamal Khashoggi trước khi bị sát hại.

Ngoài các trường hợp trên chỉ còn một số cá nhân vô danh không đáng kể. Với cả thế giới rộng lớn bao gồm trên 200 quốc gia mà chỉ có một số trường hợp đặc thù như vậy, không ai hiểu nước Mỹ “lựa chọn” trên cơ sở nào và liệu có khách quan hay không.

Tiềm ẩn nguy cơ bất ổn ngoại giao và vận dụng lệch lạc

Cũng trong bài viết trên trang tin Arena, tác giả đã nêu quan điểm thẳng thắn: “Người ta phải cẩn thận về các mô hình mà họ xây dựng. Luật này chỉ nhằm vào những người ở các quốc gia khác, vì luật pháp Úc đảm bảo quy trình hợp pháp cho bất kỳ ai bị buộc tội ở Úc. Làm thế nào để Úc có thể yêu cầu quyền tài phán đối với tội phạm ở các quốc gia khác? Liệu nó có chấp nhận các quốc gia khác yêu cầu quyền tài phán đối với các tội ác bị cáo buộc ở Úc không? Luật này sẽ tước bỏ các quyền được hưởng ở Úc của những người bị buộc tội ở các quốc gia khác. Điều đó thách thức những tuyên bố của Úc là một quốc gia tôn trọng pháp quyền. Trên thực tế, luật được đề xuất không nhằm vào những người vi phạm nhân quyền (chẳng hạn như một số cảnh sát ở Hoa Kỳ hoặc Pháp) mà chính là kẻ thù chính trị (các quan chức ở Nga và Iran).”

Ngoài ra, hãy tưởng tượng việc mà bất kỳ chính phủ nào cũng có thể tùy tiện đưa ra cáo buộc một công dân ở quốc gia khác, điều này có thể dẫn đến lạm dụng quyền lực và trả đũa lẫn nhau. Sự vô lý này cũng tạo ra cái cớ cho phép các chính phủ bị nhắm mục tiêu có thể bác bỏ cáo buộc với lý do mang động cơ chính trị, và trong nhiều trường hợp, sự bác bỏ này hoàn toàn có lý.

Tuy nhiên trong thế giới ngày nay, mọi sự vô lý dường như đều có thể hợp thức hóa nếu nắm trong tay sức mạnh. Với bản chất “vũ khí hóa”, luật Magnitsky trở thành một cái cớ trong tay Mỹ và đồng minh nhắm đến các quốc gia mà họ cho rằng cần “trừng trị”. Có thể nhận thấy trong “danh sách đen” của Mỹ là những quốc gia cứng rắn nhất, và đang phản kháng lại chính sách của Mỹ trên nhiều khía cạnh. Đây có thể là câu trả lời cho những quốc gia có tiềm lực chưa lớn và muốn tránh khỏi sự trừng phạt của đạo luật này.

Phó Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam năm 2021

Như vậy, đạo luật Magnitsky về bản chất chỉ là một đạo luật vô lý, phi nhân quyền, một công cụ trong tay các nước lớn như Mỹ để trừng phạt nước khác. Đây không phải là một đạo luật công bằng, nhưng có vẻ chính nước Mỹ cũng không dám dùng bừa bãi để tránh những hậu quả khó lường trong bối cảnh họ rất cần đồng minh để đối trọng với Nga và Trung Quốc.

Đối với Việt Nam, Năm 2021, Phó Tổng thống Mỹ đã từng mang theo đề nghị còn bỏ ngỏ về việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược. Và chỉ riêng câu hỏi đó cũng đã đủ để nói lên rằng, sẽ chẳng có bất kỳ cơ hội nào cho những kẻ chống phá đất nước Việt Nam bằng một đạo luật áp đặt và phi nhân quyền.

An Diễm

Đọc nhiều