Ngày 2/9/1945, đoàn Quân nhạc 75 người chỉnh tề trong trang phục soóc kaki vàng, giày da, mũ ca lô có đính quân hiệu, hành quân lên Ba Đình.
Sau khi nhận vị trí, đoàn quân nhạc dàn thành năm hàng ngang, mặt hướng về lễ đài. Nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên phụ trách chỉ huy dàn nhạc.
Trước giờ khai mạc lễ độc lập (14h), đoàn tấu các bài hát cách mạng. Bài hát được dàn nhạc hòa tấu lần một, đến lần thứ hai chỉ còn bộ trống và vài nhạc cụ giữ phần đệm, còn tất cả nhạc công đồng thanh hát lời ca. Nhân dân tham dự buổi lễ vỗ tay liên tục, nhiệt liệt tán thưởng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh bước lên lễ đài, vẫy chào khắp lượt chiến sĩ đồng bào. Buổi lễ chính thức bắt đầu khi lá cờ Tổ quốc được từ từ kéo lên đỉnh cột. Cùng lúc, ban âm nhạc Giải phóng quân cử những âm thanh hùng tráng của bản Quốc thiều, vang lên khắp Quảng trường Ba Đình: “Tiến mau ra sa trường. Tiến lên, cùng tiến lên…”.
“Để diễn đạt được cái thần của bản Tiến quân ca, 75 chiến sĩ nhạc công lúc đó để hết tâm trí ở tiếng nhạc dưới sự chỉ huy chặt chẽ, chính xác của nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên”, Thượng tá Đào Quang Tiến, Phó Đoàn trưởng về âm nhạc Đoàn Nghi lễ Quân đội nói.
Kết thúc buổi lễ, Quân nhạc theo đội hình ba hàng dọc đi qua các phố, vừa đi vừa biểu diễn các bài hành khúc cho đến khi về đến doanh trại.
Theo Thượng tá Đào Quang Tiến, để có được buổi biểu diễn thành công như vậy, đội Quân nhạc phải dồn tâm sức tập luyện trong vài ngày ngắn ngủi. Chỉ một ngày sau khi Hà Nội khởi nghĩa giành chính quyền, ngày 20/8/1945, Ban âm nhạc Giải phóng quân được thành lập theo lệnh của Ủy ban Tổng khởi nghĩa để chuẩn bị cho ngày độc lập.
Ban âm nhạc gồm 75 người và đa số là lính trong đội kèn “Bảo an binh” (thuộc phủ khâm sai khi Nhật đảo chính Pháp) rời bỏ hàng ngũ địch gia nhập cách mạng. Anh em trong ban âm nhạc được Bộ Chỉ huy Quân sự Hà Nội giao nhiệm vụ tập luyện các bài hành khúc cách mạng để biểu diễn cho ngày thành lập nước.
“Lúc sinh thời, nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên kể, sau khi nhận nhiệm vụ, cả Ban âm nhạc Giải phóng quân thống nhất rằng Quốc ca tiêu biểu cho khí phách, hồn thiêng non nước; lại là lần đầu tiên công bố với toàn dân và thế giới nên phải biểu diễn thật tốt, thể hiện được nội dung cũng như tầm vóc tư tưởng ẩn chứa trong đó” Thượng tá Tiến nhớ lại.
Hai nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên và Nguyễn Hữu Hiếu tìm gặp nhạc sĩ Văn Cao – tác giả của hành khúc để bàn bạc và thống nhất sửa hai nốt nhạc trong Tiến quân ca.Theo đó, nốt “rê” đầu tiên của chữ “đoàn” và nốt “mi” ở đoạn giữa chữ “xác” được rút ngắn trường độ để bản âm nhạc thêm khỏe khoắn và trầm hùng. Yêu cầu đặt ra lúc này là phải thể hiện được tính muôn màu về chất lượng và âm sắc của các nhạc cụ trong dàn nhạc gồm tromppet, coz, saxsophon, teno, saxo, connette…
Tổng phổ được tập trung hoàn thiện. Khi viết xong, mọi người trong ban âm nhạc đều cảm thấy rất hài lòng. 75 anh em lao vào luyện tập ngày đêm. Họ tập trung nhiều nhất vào Tiến quân ca, sau đó đến Diệt phát xít (Nguyễn Đình Thi), Vũ khúc tưng bừng (Lương Ngọc Trác). Tất cả đều sử dụng chuẩn xác nhạc cụ, dưới sự chỉ huy chặt chẽ của nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên.
Ngày 1/9/1945, cả Đội tập đi tập lại bài Quốc ca và các hành khúc phục vụ trong lễ độc lập diễn ra vào hôm sau. Dù nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên nhắc anh em đi ngủ sớm để mai có sức biểu diễn nhưng không một ai ngủ được vì hồi hộp. Mới 1h sáng 2/9, tất cả đã mặc quần soóc, áo ka ki màu vàng, đầu đội mũ ca lô gắn quân hiệu, sốt ruột đi qua đi lại trong phòng.
Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại buổi lễ lịch sử, những ngày tiếp theo, Ban âm nhạc Giải phóng quân tiếp tục phục vụ tại các cuộc mít tinh, hòa nhạc ở vườn hoa Chí Linh, Bách Thảo… Mỗi tuần, Đội đều phục vụ ở Nhà hát Lớn bốn hoặc năm tối; chiều thứ sáu dạy hát ở trụ sở Phụ nữ cứu quốc; tối thứ sáu biểu diễn ở đài phát thanh; chiều thứ bảy dạy hát ở tòa thị chính…
Để chào mừng nền độc lập của Tổ quốc, giới âm nhạc yêu nước ở Hà Nội lúc này chuẩn bị một cuộc hòa nhạc tại Nhà hát Lớn gồm Hội Khuyến nhạc, hội Bình Minh, Việt Nam âm nhạc học xá… Tiết mục Vũ khúc tươi sáng của Lương Ngọc Trác được chọn làm bản hòa tấu chung cho tất cả các dàn nhạc, khoảng 100 nhạc công. Ban Âm nhạc Giải phóng quân được mời tham gia.
Vấn đề gay go lúc này là nhạc sĩ Lương Ngọc Trác mới chỉ sáng tác giai điệu chính của bài Vũ Khúc tươi sáng, chưa có phần hòa âm, phối khí cho dàn nhạc lớn hòa tấu. Đội trưởng Quân nhạc Đinh Ngọc Liên đã tích cực giúp nhạc sĩ Trác viết, sau đó biên tập hoàn chỉnh lại bản tổng phổ và hướng dẫn anh em tập luyện. Dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên, bản hòa tấu Vũ khúc tươi sáng biểu diễn ở Nhà hát Lớn thành công rực rỡ.
Cũng trong dịp này, để giúp thanh niên tự vệ, học sinh đi đúng nhịp, biểu lộ được khí thế và sức mạnh tập thể trong các sự kiện đông người, nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên đã sáng tác bài Hành khúc trống Giải phóng quân với 16 nhịp trống. Tập thử thấy kết quả, Đội đã phổ biến cho đội trống nhi đồng ở các khu phố. Từ đó Hành khúc trống được gọi là “trống ếch”.
Nhịp trống ếch được phổ cập nhanh chóng và lan đi khắp các miền xa gần. Mỗi nhịp trống nổi lên là hàng ngũ rộn ràng, khí thế. Các thành viên đoàn Quân nhạc như Đỗ Thiên, Thanh Sơn, Chí Hiếu, Đinh Thiêm, Huỳnh An, Hưng, Đãi… góp công sức lớn trong việc phổ biến, hướng dẫn trống ếch và các bài hát cách mạng cho thiếu niên, nhi đồng thủ đô.
Khi phái bộ Đồng minh vào nhận sự đầu hàng của quân Nhật, theo hướng dẫn của cấp trên, Đoàn Quân nhạc đến tận trụ sở Phái đoàn để tỏ thiện chí của nhà nước Việt Nam mới. Thấy trình độ hòa tấu của Quân nhạc Việt Nam đạt nghệ thuật cao, hôm làm lễ chính thức tiếp nhận quân Nhật đầu hàng ở Nhà hát Lớn, tuy quân Tưởng cũng có đội quân nhạc, nhưng phái bộ đồng minh vẫn mời Quân nhạc Việt Nam tham gia.
Sau lễ tiếp nhận này khoảng một tuần, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm anh em Quân nhạc trong lúc đơn vị đang tập trung luyện tập các bài mới. Sau khi ân cần thăm hỏi tình hình ăn ở và công tác, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Bác không thạo về nhạc, nhưng vừa rồi các cháu cử Quốc thiều các nước đồng minh, họ đều khen là vừa giành được chính quyền mà Việt Nam đã có ban âm nhạc hoàn chỉnh, chơi được như thế là giỏi. Bác chuyển lời khen ngợi đến các cháu”.
Về lời bài hát Quốc ca, Bác góp ý: “Bây giờ là nước Việt Nam độc lập rồi, không còn đoàn quân Việt Minh đi nữa, mà là đoàn quân Việt Nam đi…”.
Thượng tá Đào Quang Tiến cũng chia sẻ, sau ngày cách mạng tháng Tám thành công, có người nêu ý kiến là không nên sử dụng Đoàn Quân nhạc vì đây từng là tổ chức của thực dân, đế quốc. Nhưng nghe được ý kiến đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói “các chú định đày họ đi con đường nào? Vấn đề không phải là tổ chức của ai, mà là con người. Phải cảm hóa, giáo dục họ để họ trở thành người cách mạng, phục vụ cho cách mạng. Chú nào muốn giải thể không dùng họ cũng được, nhưng Bác giao hẹn trong 15 ngày phải thành lập Đoàn Quân nhạc mới có trình độ như họ vậy. Một đất nước độc lập, tự chủ không thể thiếu Quân nhạc”.
“Chính nhờ những lời dạy đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh em Quân nhạc lúc đó – những bậc cha chú của chúng tôi đã ra sức học tập, tu dưỡng để thực sự trở thành các chiến sĩ cách mạng”, Phó đoàn trưởng Đoàn Nghi lễ Quân đội nói.
Tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tháng 1/1946, Tiến quân ca được thông qua chính thức, trở thành Quốc ca. Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử quân sự đang trưng bày bộ kèn 20 chiếc – những chiếc kèn được ban âm nhạc Giải phóng quân cử Quốc thiều trong lễ Tuyên ngôn độc lập 75 năm trước.
Hoàng Thùy/VNE