Bài viết làm cả TQ “mất ăn mất ngủ”: Xuất hiện cụm từ chấn động – Điềm báo về hành động của ông Tập

13/09/2021 08:17

Một bài xã luận chia sẻ trên tài khoản mạng xã hội cá nhân ở Trung Quốc đã bùng nổ trên cả nước sau khi nó được các cơ quan thông tấn hàng đầu của Bắc Kinh đăng tải.

Sau khi các cơ quan truyền thông lớn chính thống ở Trung Quốc đăng bài xã luận của Lý Quang Mãn – một biên tập viên về hưu được biết đến là người theo chủ nghĩa dân tộc, trong đó nhắm vào đối với các tập đoàn tư nhân khổng lồ, một cuộc tranh cãi đã nổ ra về việc liệu giới lãnh đạo Trung Quốc có cùng quan điểm như thế này hay không.

Trong nhiều năm, Lý Quang Mãn luôn viết “vu vơ” trên mạng xã hội, các diễn đàn, liên tục “nhắm ngòi bút” vào những người nổi tiếng, những ông trùm kinh doanh mà ông này cáo buộc là đã phản bội các giá trị xã hội chủ nghĩa vững chắc.

Và mới đây, Lý đã trở nên “nổi như cồn” khi các trang mạng của các cơ quan truyền thông lớn của Trung Quốc bất ngờ đồng loạt đăng một bài xã luận của ông với tiêu đề Mỗi một người đều có thể cảm nhận thấy một cuộc chuyển biến sâu sắc đang diễn ra.

Việc bài viết của Lý được đăng lại trên tờ Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc; hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã, và cả Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), khiến nó thật sự gây chú ý và làm bùng lên nhiều đồn đoán gây tranh cãi.

Đồn đoán về “cuộc cách mạng sâu sắc” của ông Tập

Theo các nguồn tin, việc bài viết “chễm chệ” trên những phương tiện truyền thông hàng đầu của nhà nước Trung Quốc đồng nghĩa nó được sự ủng hộ của ban lãnh đạo các cơ quan này, và có thể đã được cả giới lãnh đạo đất nước “bật đèn xanh”.

Theo New York Times, bài luận để lại ấn tượng rằng nhà chức trách Trung Quốc có thể tăng cường kiểm soát các tập đoàn tư nhân và “săn đuổi” người giàu.

“Thị trường tư bản sẽ không còn là thiên đường cho các nhà tư bản làm giàu nhanh chóng,” ông Lý viết. “Chúng ta cần kiểm soát mọi hình thức hỗn loạn văn hóa.”

Bài viết làm cả TQ mất ăn mất ngủ: Xuất hiện cụm từ chấn động - Điềm báo về hành động của ông Tập - Ảnh 1.
Nhà sáng lập Jack Ma của Alibaba – một trong những công ty lớn nhất Trung Quốc đã bị nhà chức trách nước này trấn áp trong thời gian qua (Ảnh: AFP)

Việc bài viết được tất cả các hãng truyền thông lớn của Trung Quốc đăng tải đã gây bất ngờ. Một số người đặt câu hỏi trong khi một số khác cho rằng “Cách mạng Văn hóa 2.0 không còn là điều viển vông.”

“Những gì các sự kiện này cho chúng ta thấy một sự thay đổi lớn đang diễn ra ở Trung Quốc từ các lĩnh vực kinh tế, tài chính, văn hóa và chính trị, tất cả đang trải qua một sự chuyển biến sâu sắc, hay có thể nói là một cuộc cách mạng sâu sắc,” Lý viết.

“Đây là một cuộc chuyển biến chính trị, nhân dân đang một lần nữa trở thành chủ thể của chuyển biến này, tất cả những gì cản trở cuộc chuyển biến với nhân dân làm trung tâm sẽ bị loại bỏ.”

Bài viết được phổ biến trên truyền thông chính thống Trung Quốc đang làm dấy lên những tranh luận về dự định tiếp theo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tờ Nhân dân Nhật báo hôm 8/9 nhấn mạnh cam kết của chính phủ Trung Quốc trong việc xây dựng nền kinh tế theo cơ chế thị trường.

New York Times nhận định, chưa có dấu hiệu cho thấy ban lãnh đạo Trung Quốc sẽ xúc tiến những xu hướng như bài viết của Lý Quang Mãn. Tờ này cũng tin rằng khó có khả năng Bắc Kinh cho phép những sự hỗn loạn của thời kỳ Cách mạng Văn hóa (1966-76) tái hiện.

Công cuộc dọn đường hướng tới “thịnh vượng chung”?

Trong bài viết đang gây bão ở Trung Quốc, Lý Quang Mãn chỉ ra những động thái mạnh mẽ gần đây của giới chức trong nước, bao gồm việc ngừng cuộc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của tập đoàn Ant Group, điều tra về hãng gọi xe khổng lồ Didi Global, và cả việc trấn áp giới văn nghệ sĩ, cũng như cảnh báo về con đường được đề xuất hướng tới “sự thịnh vượng chung”.

Trong bài luận, ông Lý ca ngợi việc trừng phạt các ngôi sao đình đám và quyền lực của màn ảnh Hoa ngữ, những người bị cáo buộc tấn công tình dục hoặc trốn thuế. Ông hoan nghênh việc điều tra và phạt một số công ty tư nhân lớn nhất Trung Quốc bị cáo buộc lạm dụng sức mạnh thị trường của họ, bao gồm cả Alibaba và Didi.

Ông Lý tuyên bố, một “cuộc cách mạng sâu sắc” đã gần kề khi ông Tập Cận Bình “làm sạch” đất nước, dọn đường cho mục tiêu phục hưng Trung Quốc với khẩu hiệu “thịnh vượng chung”.

Viết trong bài luận đăng lần đầu vào ngày 27/8 trên WeChat, ông Lý nhấn mạnh: “Sự chuyển đổi này sẽ quét sạch bụi trần. Thị trường vốn sẽ không còn là thiên đường nơi các nhà tư bản có thể kiếm tiền chỉ sau một đêm. Thị trường văn hóa sẽ không còn là thiên đường cho những người nổi tiếng ‘xấu xí’ nữa”.

Jude Blanchette, Trưởng nhóm nghiên cứu về Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, cho rằng, vấn đề cơ bản đặt ra sau bài viết của ông Lý là mối lo và những câu hỏi chính sách trong tương lai của ông Tập.

Bài viết làm cả TQ mất ăn mất ngủ: Xuất hiện cụm từ chấn động - Điềm báo về hành động của ông Tập - Ảnh 2.
Ông Tập Cận Bình được cho là đang nhắm đến xây dựng xã hội “thịnh vượng chung”, mới mục tiêu táo bạo về thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong xã hội (Ảnh: TINGSHU WANG/REUTERS)

Cuộc trấn áp gần đây của chính phủ Trung Quốc nhằm vào những tập đoàn khổng lồ và những người nổi tiếng đã củng cố hình ảnh của ông Tập như một người “bảo vệ trung thành” cho tính kỷ luật xã hội chủ nghĩa. Những lời hứa của ông về một kỷ nguyên bình đẳng hơn và “thịnh vượng chung” làm tăng kỳ vọng về những thay đổi táo bạo hơn để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.

Ông Blanchette cho rằng, nếu không có tuyên bố chính thức rõ ràng nào khác, họ đang xem đây như là sự chấn chỉnh cơ bản nhằm vào khu vực tư nhân. Bởi trên thực tế, sự nổi tiếng chỉ qua một đêm của ông Lý đã làm dấy lên giả thuyết rằng, ông đã được “một nhà lãnh đạo” bật đèn xanh để làm như vậy.

Tranh cãi gay gắt trong giới chuyên gia Trung Quốc

Nhà chức trách Trung Quốc đã cố gắng trấn an các doanh nhân rằng, chính phủ hoan nghênh họ và tôn trọng vai trò của các lực lượng thị trường và khu vực tư nhân, và rằng sẽ cân nhắc kỹ càng mọi nỗ lực nhằm giảm bất bình đẳng.

Biên tập viên kỳ cựu của Thời báo Học tập thuộc Trường Đảng trung ương Trung Quốc, ông Đặng Duật Văn, cho rằng nhiều khả năng một quan chức tuyên truyền đã quảng bá bài luận này như một “cuộc tấn công bắt mắt” nhằm vào những người nổi tiếng và các tập đoàn mà không lường trước được phản ứng gay gắt.

Đặng lấy ví dụ vào năm 2018, khi một blogger Trung Quốc lập luận cần dần dần loại bỏ khu vực tư nhân, đã bùng lên những mối lo về các chính sách của chính phủ và lúc đó các quan chức Trung Quốc, bao gồm cả ông Tập Cận Bình, đã vào cuộc để trấn an các doanh nhân.

Sau khi bài luận của Lý Quang Mãn được lan truyền, Zhang Weiying, giáo sư kinh tế tại Đại học Bắc Kinh, đã mạnh mẽ bảo vệ cơ chế thị trường và khu vực tư nhân, xem đây là “những người bảo đảm tốt nhất” cho sự thịnh vượng và công bằng xã hội.

Gu Wanming, một nhà báo đã nghỉ hưu làm việc cho Tân Hoa Xã cảnh báo, ông Lý đã sử dụng kiểu hùng biện gây bão “chỉ có thể nghe thấy cách đây 60 năm trong Cách mạng Văn hóa”.

Ngay cả ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập của Thời báo Hoàn cầu, nổi tiếng với quan điểm diều hâu cũng cho rằng, bài bình luận của ông Lý đã đi quá xa.

“Bài viết đã đưa ra những mô tả không chính xác về tình hình, sử dụng một số ngôn ngữ phóng đại, đi chệch khỏi các chính sách quan trọng của đất nước, và đã đánh lừa người dân,” ông Hồ Tích Tiến nói.

Nam Anh

Đọc nhiều