4
category
648818

BÀI HỌC TỪ VIỆC XỬ LÝ CỦA NƠI VỐN ĐƯỢC XEM LÀ “TRÙM” SẢN XUẤT HÀNG NHÁI

Thu An 20/05/2025 15:41

Thị trường thực phẩm chức năng Việt Nam đang bước vào một đợt cao điểm thanh lọc – và chị em rọt với Nguyễn Thúc Thùy Tiên có thể coi như mở màn chiến dịch.

Cảnh sát Thượng Hải, Trung Quốc tiến hành kiểm tra, tịch thu sản phẩm sữa giả 

Niềm tin bị đánh cắp từ con dấu thật

Chỉ trong một thời gian ngắn, hơn 100 tấn hàng giả – từ thực phẩm chức năng đến thiết bị y tế – bị phanh phui bởi một đường dây do Ngọc Tiến cầm đầu. Công thức quen thuộc nhưng vẫn hiệu quả: tem nhãn tiếng Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Canada, nhà máy lậu hoạt động như dây chuyền hiện đại, dập vỉ – đóng lọ – dán tem – xuất xưởng. Cơ quan điều tra thu giữ hàng chục nghìn đơn vị sản phẩm, tương đương hơn 100 mã hàng khác nhau, không qua bất kỳ kiểm định nào – nhưng lại trôi nổi khắp thị trường, đi thẳng vào cơ thể người bệnh, người già, trẻ em.

Sữa cũng không khá hơn. Một đường dây sản xuất tới 573 loại sữa bột, nhắm vào người tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ có thai. Trong bốn năm, nhóm này thu về gần 500 tỷ đồng – con số khiến người ta choáng váng.

Ở một diễn biến khác, công ty Herbitech bị lật tẩy khi sản xuất hàng loạt sản phẩm giả cho trẻ em như Medi Kid Calcium K2 và Ăn ngon Baby Shark. Ngay cả các chuỗi nhà thuốc lớn, vốn được xem là thành trì cuối cùng bảo vệ người tiêu dùng, cũng bị qua mặt. Người dùng phát hiện sản phẩm giả từ Herbitech lọt cả vào hệ thống Pharmacity.

Nhưng điều khiến dư luận rúng động không chỉ là khối lượng hàng giả, mà là “quy trình hợp pháp hóa” bài bản: có giấy tờ đầy đủ, có con dấu xác nhận của cơ quan chức năng, có tiếp thị KOLs, có nền tảng giao hàng toàn quốc. Thậm chí, một cựu Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế – người đại diện cho tiêu chuẩn đạo đức và pháp lý ngành y – bị cáo buộc tiếp tay cho quá trình đó.

Ở đây, vấn đề không còn là quản lý yếu kém. Mà là một cơ chế “đồng lõa thụ động”: từ nơi sản xuất, giấy tờ hợp thức, hệ thống phân phối đến nền tảng tiếp thị. Và đáng báo động nhất – là niềm tin của người dân bị đánh cắp bằng những chữ ký thật và con dấu thật.

Vấn nạn toàn cầu

Hàng giả y tế không chỉ là gian lận thương mại, mà là tội ác giết người hàng loạt. Tình trạng này không của riêng Việt Nam. Khắp thế giới, hàng giả trong ngành y – thực phẩm – dược phẩm – đã trở thành một “đại dịch” vô hình giết người không cần súng đạn.

Trung Quốc từng chìm trong khủng hoảng toàn diện sau vụ sữa nhiễm melamine năm 2008 khiến hàng trăm nghìn trẻ em mắc bệnh, ít nhất 6 trường hợp tử vong. Năm 2018, lại tiếp tục vụ bê bối vắc xin trẻ em kém chất lượng, khiến dư luận dậy sóng và chính phủ phải sa thải hàng loạt quan chức y tế cấp cao.

Ấn Độ bị điều tra quốc tế sau khi siro ho nghi làm chết hàng loạt trẻ em tại Gambia, Uzbekistan và Cameroon. Pakistan phát hiện thuốc tiểu đường giả gây tổn thương gan trong hệ thống bệnh viện công. Indonesia, Nigeria, Cameroon, thậm chí cả Liên minh châu Âu hay Mỹ đều từng phải phát cảnh báo đỏ về hàng giả trong lĩnh vực y tế.

Càng phát triển, rủi ro càng tinh vi. Càng hiện đại, hậu quả càng thảm khốc.

Bài học từ Trung Quốc

Sau những cú sốc niềm tin, Trung Quốc đã chọn cách sửa sai từ gốc rễ – không né tránh, không nửa vời. Họ “đập bàn” cải tổ toàn bộ chuỗi cung ứng y tế, từ sản xuất đến phân phối, kiểm định đến quản lý cán bộ.

Chính phủ Trung Quốc yêu cầu:

. Dán mã QR truy xuất nguồn gốc bắt buộc trên từng sản phẩm y tế.

. Liên thông dữ liệu giữa nhà sản xuất – nhà thuốc – người tiêu dùng.

. Công khai danh sách doanh nghiệp vi phạm.

. Truy tố hình sự cả quan chức bao che và doanh nghiệp vi phạm.

. Tăng mức phạt và hình phạt hình sự cho các tội danh sản xuất – phân phối thuốc giả.

Năm 2019, Trung Quốc thông qua Luật Quản lý thuốc sửa đổi, quy định mức phạt gấp nhiều lần doanh thu bất hợp pháp, cấm vĩnh viễn tái cấp phép cho doanh nghiệp vi phạm. Các “hổ lớn” trong ngành dược – bao gồm cả quan chức cấp tỉnh – bị bắt và xét xử công khai.

Chính sự nghiêm khắc này đã giúp Trung Quốc tái lập lại lòng tin công chúng và phục hồi vị thế xuất khẩu y dược toàn cầu.

Muốn sạch sẽ thị trường, phải làm sạch từ bên trong. Việt Nam không thiếu luật. Nhưng chúng ta vẫn thiếu một cú hích chính trị đủ mạnh để dọn rác từ gốc rễ.

Chúng ta có thể học từ Ấn Độ cách truy xuất nguồn gốc bằng cơ sở dữ liệu quốc gia. Từ Singapore cách giám sát ba tầng liên kết nhà nước – doanh nghiệp – người tiêu dùng. Từ Nigeria cách nâng quyền cho cơ quan dược. Nhưng đặc biệt, chúng ta cần học Trung Quốc ở điểm này: không ngại lôi sai phạm ra ánh sáng, kể cả khi người sai ngồi ghế cao.

Vì nếu không dám nói lời thật, thì mỗi sản phẩm giả vẫn trôi nổi ngoài kia… đều có thể là một bản án tử hình được niêm yết hợp pháp.

Thu An

Đọc nhiều