Bài học mới về giải phóng mặt bằng nhìn từ TPHCM
Trong lĩnh vực đầu tư công, đặc biệt là với các dự án giao thông, giải phóng mặt bằng (GPMB) là một trong những công tác khó khăn, nhạy cảm và tốn nhiều thời gian nhất. Điều này càng đúng với một đô thị lớn như TPHCM, nơi mỗi mét đất đều là tấc đất, tấc vàng. Trong bối cảnh hiện nay, các dự án trọng điểm như Vành đai 3, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ… từng gặp không ít vướng mắc trong GPMB.
Một hạng mục thuộc dự án Vành đai 3 TP.HCM đang được thi công.
Lâu nay, vấn đề GPMB vẫn là chủ đề nhạy cảm, bởi nó ảnh hưởng đến lợi ích không chỉ của những người dân trong diện giải tỏa và chính quyền địa phương, mà còn ảnh hưởng đến lợi ích chung của toàn xã hội. Những vướng mắc trong vấn đề bồi thường, tái định cư có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, tạo nên áp lực tâm lý cho các bên.
Do đó, công tác này luôn cần sự tế nhị, thấu hiểu và nỗ lực đi tìm tiếng nói chung vì lợi ích chung của xã hội. Nhưng đến nay, vướng mắc trong GPMB đang trực tiếp ảnh hưởng đến tiến độ phát triển hạ tầng giao thông và làm chậm tiến trình kết nối vùng miền và khu vực của nước ta.
Ở TPHCM, địa phương này đang có hàng chục dự án cần GPMB, trong đó có những dự án trọng điểm quốc gia như Vành đai 3. Trong số đó, có những dự án chậm trễ hàng chục năm do không giải phóng được mặt bằng như dự án cầu-đường Nguyễn Khoái nối quận 7, 4 và 1.
Cầu, đường Nguyễn Khoái bắc quá kênh Tẻ sẽ nối quận 7, 4 và 1.
Cá biệt, có những dự án như công trình Trường THCS Bình Trị Đông B (quận Bình Tân) vướng đến hơn 15 năm. Nhiều dự án đội vốn 2-3 lần vốn đầu tư ban đầu, đoạn từ đường Mai Xuân Thưởng đến kênh Vạn Tượng trong dự án cải tạo kênh Hàng Bàng (quận 5) thậm chí đội vốn hơn 4 lần từ 188 tỷ lên 779 tỷ đồng…
Trong bối cảnh đó, TPHCM với sự chủ động mới nhờ phân cấp, phân quyền từ Nghị quyết 98 của Quốc hội đang tìm được những giải pháp cho mình và đang tạo nên hình mẫu cho các địa phương khác. Chính quyền địa phương các cấp đã vận dụng những biện pháp mới, “vượt rào” trong GPMB và gặt hái những thành công ngoài mong đợi. Không chỉ đáp ứng nhu cầu bức thiết bàn giao mặt bằng cho nhà thầu, các giải pháp còn thấu tình, đạt lý, tìm được sự đồng thuận và tiếng nói chung với người dân phải di dời.
Như trường hợp của gia đình ông Nguyễn Văn Mân có hơn 5.000 m2 đất bị giải tỏa để xây dựng trường THCS Bình Trị Đông B, nhiều năm liền gia đình không đồng ý với giá bồi thường vì cho rằng tiền đền bù nhận không thể mua được mảnh đất tương tự.
Theo quy định, người bị giải tỏa trắng sẽ được ưu tiên suất mua nền tái định cư nếu không có căn nhà nào khác, nhưng ông Mân còn đứng tên căn nhà khác. Chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Minh Nhựt cho biết nếu áp dụng đúng quy định thì “gia đình ông Mân đang bị thiệt”. Do đó, sau khi thống nhất được mức bồi thường hơn 18 tỷ đồng, quận đã đề xuất thành phố đặc cách cho gia đình ông Mân được ưu tiên mua một nền tái định cư, diện tích hơn 70 m2.
Trước đề xuất của quận, gia đình cảm thấy được chia sẻ bởi nền tái định cư được bán theo giá thấp hơn nhiều so với thị trường. Đại diện gia đình chia sẻ. “Chính quyền cầu thị nên cả nhà đồng thuận bàn giao mặt bằng”.
Năm 2023, UBND quận Gò Vấp cũng vận động thành công hàng trăm hộ dân di dời, bàn giao mặt bằng để mở rộng gần 2,5 km đường Dương Quảng Hàm – công trình giao thông trọng điểm ở TP HCM. Trong đó, gia đình anh Trọng có gần 140 m2 đất mặt tiền đường Dương Quảng Hàm, trong đó hơn 50 m2 đất bị thu hồi để làm dự án nằm ngoài hoặc không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận.
uy nhiên, chính quyền đã xem xét thời gian sử dụng để tính giá hỗ trợ. Cơ quan chức năng tính thêm yếu tố mảnh đất nằm ở ngã ba đường, có hai mặt tiền và tính thêm phần gác theo dạng theo dạng công trình trên đất để tăng mức hỗ trợ, cũng như hỗ trợ thêm tiền tháo dỡ.
Anh chia sẻ, “Nhận thấy chính quyền vận dụng hết quy định để tính có lợi cho mình nên gia đình vui vẻ bàn giao đúng hạn”.
Có thể thấy, sự thấu hiểu, lắng nghe và quyết tâm tìm tiếng nói chung với người dân là chìa khóa để công tác GPMB đạt được những tiến bộ mới. Nhiều lúc, mức bồi thường không chỉ phải yếu tố duy nhất khiến người dân do dự bàn giao, mà đằng sau đó còn những tâm tư, nguyện vọng khác. Khi những tâm tình được lắng nghe thỏa đáng, chắc chắn không ai ở mảnh đất giàu tình người lại muốn cản trở sự phát triển chung của xã hội.
Bên cạnh những giải pháp tiếp xúc, đối thoại, TPHCM còn được đánh giá cao trong sáng tạo về chính sách, biện pháp triển khai các dự án liên quan GPMB. Theo quy trình hiện nay về GPMB, sau khi dự án đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyệt mới có cơ sở cắm cọc, bàn giao ranh giải phóng mặt bằng cho các quận huyện tiến hành đo vẽ, kiểm đếm, lập hồ sơ bồi thường cũng như xác định nhu cầu, hình thức tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, ở dự án Vành đai 3, chính quyền TP áp dụng cơ chế tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, thực hiện song song với xây lắp. Trong đó, một số thủ tục liên quan công tác bồi thường sẽ làm đồng thời với quá trình chờ phê duyệt nghiên cứu khả thi dự án.
Công nhân đi cắm cọc Vành đai 3, năm 2022.
Điều này giúp giải phóng mặt bằng ở công trình được đẩy nhanh, chỉ sau một năm chủ trương đầu tư thông qua, các quận huyện đã giao hơn 70% diện tích để dự án khởi công. Từ mô hình này, thành phố tính áp dụng cho các công trình nhóm A (có dự án thành phần giải phóng mặt bằng) để đẩy nhanh tiến độ bởi có thể rút ngắn 1-1,5 năm so với quy trình cũ. Đến hiện tại, TP.HCM đã giải phóng mặt bằng 89,95% diện tích. Đến cuối tháng 12/2023, tiến độ giải phòng mặt bằng đạt 97,23% diện tích.
Nếu cơ chế tách GPMB thành dự án độc lập được áp dụng, dự án cầu-đường Nguyễn Khoái dự kiến có thể triển khai công tác đền bù, GPMB và di dời hạ tầng kỹ thuật dự kiến từ tháng tới, đến cuối năm cơ bản hoàn tất, bàn giao cho dự án khởi công. Tương tự, dự án Vành đai 2 ở TP Thủ Đức, nhu cầu sử dụng đất triển khai hai dự án trên ước tính hơn 61,5 ha với khoảng 935 trường hợp bị ảnh hưởng. Nếu sớm được áp dụng cơ chế mới, địa phương có thể bàn giao 70% mặt bằng để chủ đầu tư khởi công dự án vào tháng 11/2024 và hoàn thành vào năm 2025.
Theo các chuyên gia, việc tách công tác bồi thường làm dự án thành phần, triển khai song song các bước sẽ rút ngắn thời gian. Việc duyệt trước ranh giải phóng mặt bằng cũng là cơ sở pháp lý giúp các quận huyện, chủ đầu tư chủ động giao ranh, cắm mốc ngoài thực địa, kiểm kê nhà đất, tái định cư… Điều này cũng giúp chuẩn bị kỹ hơn các phương án tổ chức giao thông về sau. Khi nghiên cứu khả thi dự án được duyệt thì các số liệu, hồ sơ liên quan bồi thường cũng cơ bản hoàn tất, thuận lợi triển khai các phần việc tiếp theo. Đây cũng là giải pháp hạn chế tình trạng đội vốn liên quan các vấn đề trượt giá, chi phí phát sinh trong quá trình dừng chờ mặt bằng.
Với những giải pháp đột phá trong công tác GPMB, TPHCM đã một lần nữa khẳng định vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước, là hình mẫu để các địa phương noi theo trong tiến trình phát triển kinh tế – xã hội. Trong tương lai, TPHCM có thể đưa ra các giải pháp mới như cải cách thủ tục hành chính, giúp rút ngắn các thủ tục trong GPMB và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đồng thời tăng cường đối thoại, đền bù phù hợp. Khi đó, vướng mắc GPMB của TPHCM có thể sớm trở thành dĩ vãng.
Hạnh Văn