419
category
451800

Bài học đắt giá cho Trường Đại học Đông Đô

Đỗ Mạnh 24/11/2020 18:28

Mới đây ngay 23/11, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã đề nghị VKSND Tối cao truy tố các bị can nguyên cán bộ Trường Đại học Đông Đô gồm: Dương Văn Hòa (cựu Hiệu trưởng); Trần Kim Oanh (cựu Phó hiệu trưởng kiêm Phó Viện trưởng Viện đào tạo liên tục); Lê Ngọc Hà (Phó hiệu trưởng); Trần Ngọc Quang (cựu Phó trưởng Phòng quản lý đào tạo và quản lý sinh viên) cùng 6 bị can khác về hành vi giả mạo trong công tác.

Ông Trần Khắc Hùng, Chủ tịch HĐQT ĐH Đông Đô

Theo kết luận của cơ quan điều tra, bị can Trần Khắc Hùng (hiện đang bỏ trốn) đã chỉ đạo các nhân viên dưới quyền lợi dụng sở hở, thiếu sót của bộ Giáo dục và đào tạo trong công tác quản lý việc tuyển sinh, đào tạo, cấp bằng đối với hệ văn bằng 2 để tuyển sinh, cấp bằng cho hàng trăm đối tượng mà không cần phải học. Một điều đáng chú ý là Trần Khắc Hùng đã chỉ đạo Dương Văn Hòa và Trần Kim Oanh kí thông báo tuyển sinh văn bằng 2 tiếng anh gửi các cơ sở, cá nhân để hợp tác đào tạo khi, trong khi trên thực tế Trường Đại học Đông Đô chưa được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo văn bằng 2, trong đó có ngành Ngôn ngữ tiếng Anh.

Dưới sự chỉ đạo của ông Trần Khắc Hùng, Trần Kim Oanh chỉ đạo các nhân viên tiếp nhận hồ sơ học viên, không tổ chức thi đầu vào, không đào tạo theo chương trình. Để hợp thức hóa thủ tục nhóm lợi ích này đã tiến hành phát đề thi và đáp án cho học viên chép lại.

Với nhiều thủ đoạn gian lận, lợi dụng những kẽ hở trong quản lý của Bộ GDDT, trường Đại học Đông Đô đã cấp hàng trăm bằng cho những người không học nhằm thu lợi bất chính. Những tấm bằng này là bằng thật nhưng kiến thức giả vì trên thực tế học viên không tham gia bất kì chương trình học nào mà vẫn có bằng. Đáng chú ý là trong hàng trăm tấm “bằng thật kiến thức giả” hoặc chưa đủ điều kiện cấp bằng đã có 55 trường hợp sử dụng bằng chưa đủ điều kiện do Đại học Đông Đô cấp để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, 1 trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, 1 trường hợp thi công chức, 2 trường hợp khai vào hồ sơ cán bộ, 1 trường hợp nộp hồ sơ xét tuyển thạc sĩ.

Quá nguy hiểm, nếu những văn bằng này lọt vào tay những người có chức, có quyền trong bộ máy nhà nước. Nguy hiểm hơn khi những đối tượng này sử dụng văn bằng này làm cơ sở thăng tiến trong sự nghiệp. Rất may là vụ việc cấp bằng thật cho những đối tượng chưa đủ điều kiện cấp bằng được phát hiện sớm, nếu không sự giả dối của những người được cấp bằng còn kéo dài cho đến bao giờ. Và nguy hiểm hơn khi những tấm bằng này như một tấm bảo bối che đậy cho những cá nhân trên đường tiến thân sẽ gây nên tai họa khôn lường cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Vụ việc tuyển sinh, đào tạo, cấp bằng tại trường Đông Đô xảy ra trong thời gian rất dài và tác hại của nó như thế nào thì dư luận cũng đã biết. Vì vậy cần làm rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan, các cá nhân thuộc Bộ Giáo dục và đào Tạo. Đặc biệt công tác thanh tra khi một trường chưa được cấp phép tuyển sinh, đào tạo vẫn ngang nhiên hoạt động thách thức dư luận trong một thời gian dài.

Để giải quyết những sai phạm nêu trên, ngoài việc xử lý những cán bộ trực tiếp liên quan cần rà soát thu hồi những những tấm bằng do Đại học Đông Đô cấp sai quy định. Ngoài ra Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có văn bản thông báo cho các Cơ quan ban ngành trong ca nước về việc vô hiệu hóa những văn bằng do Đại học Đông Đô cấp sai quy định. Ngoài ra đối với những trường hợp sử dụng văn bằng 2 để tiếp tục làm nghiên cứu sinh, hay luận án tiến sĩ cũng cần phải hủy bỏ để bảo đảm công bằng trong xã hội. Với những cơ quan, chính quyền khi phát hiện nhân viên hay quan chức có hành vi lợi dụng mua bán bằng trong trường hợp này cần phải nghiêm túc kiểm điểm, kỉ luật theo luật công chức.

Chúng ta trân trọng tài năng của những nhà khoa học chân chính, những nhà khoa học có đóng góp cho nền giáo dục và sự phát triển khoa học nước nhà. Nhưng chúng ta cũng cần có những biện pháp loại bỏ những người lợi dụng sở hở của nhà nước để bằng mọi cách có được những tấm bằng để phục vụ mục đích chính trị của cá nhân. Các trường đại học, những trung tâm giáo dục trong cả nước cần tăng cường công tác giáo dục để để cán bộ giảng dạy hiểu được giá trị của giáo dục chân chính. Đừng vì những giá trị vật chất nhỏ bé do những kẻ cơ hội biếu xén mà làm mất đi giá trị trí tuệ và tính trung thực trong giáo dục. Nhớ thời xa xưa, ông cha ta mỗi lần thi hương phải lều chõng lên phủ để đi thi hai đến 3 ngày dưới sự giám sát nghiêm ngặt của triều đình. Những người đỗ đạt thực sự là hiền tài và nguyên khí quốc gia. Những người đỗ tiến sĩ được bổ nhiệm làm quan là niềm vinh dự của gia đình, dòng họ và quê hương đất nước, nhân dân kính trọng và tôn thờ và được nhà nước khắc tên vào bia đá để lưu truyền đời này sang đời khác tại Văn Miếu Quốc Tử Giám của triều đình.

Hiền tài là nguyên khí quốc gia, đất nước có mạnh phải có nhân sự mạnh, có tài và có đạo đức, có ham muốn cống hiến cho đất nước. Vì vậy nhất thiết phải không để cho những kẻ cơ hội, những kẻ lợi dụng những lỗ hổng trong giáo dục để leo cao luồn sâu lên các bộ máy lãnh đạo của nhà nước.

Bộ Giáo dục và đào tạo với chức năng quản lý giáo dục cần nêu cao trách nhiệm của cơ quan quản lý phải thực hiện tốt công tác giám sát nhằm phát hiện và tố giác những hành động gian lận, những cá nhân, những quan chức học giả bằng thật. Phải biết lấy nhân dân làm tai mắt để làm lành mạnh hóa nền giáo dục nước nhà.

Mọi vấn đề cốt lõi đều nằm ở khâu cán bộ, cán bộ tốt hệ thống mới tốt. Cán bộ giả dối thì mọi phát ngôn, hành động đều là giả dối vụ lợi. Vì vậy những trường hợp gian dối, câu kết làm giàu bất chính cần phải nghiêm trị.

Đỗ Mạnh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Đọc nhiều