Bác sĩ lý giải chuyện người nhiễm Covid-19 “dương tính sau mấy lần âm tính”
Không có chuyện “âm tính giả”, chỉ đơn giản ngành y tế đang thực hiện nhiều xét nghiệm Covid-19 ngay cả khi bệnh nhân chưa có triệu chứng, tức có thể chưa dương tính dù đã nhiễm, nhằm giúp đự doán khả năng họ đã lây cho người khác hay chưa.
Vừa qua, nhiều người dân tỏ ra lo lắng trước các thông báo cho thấy nhiều người dạng “F1” hoặc người từ vùng dịch về cho kết quả âm tính một vài lần xét nghiệm đầu, sau đó ít hôm lại cho kết quả dương tính và trở thành bệnh nhân Covid-19 thực sự, ví dụ như nữ tiếp viên hàng không – bệnh nhân số 59.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm- thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, đó đơn giản vì những thay đổi trong thời gian xét nghiệm, số lần xét nghiệm đối với người nghi nhiễm, người tiếp xúc… trong thời gian gần đây, khác so với đầu mùa dịch.
Đầu mùa dịch, chúng ta thực hiện cách ly các đối tượng nguy cơ và chỉ xét nghiệm khi họ có những triệu chứng bệnh đầu tiên, khi đó xét nghiệm mới có thể chính xác.
Bởi vì khi một người bị nhiễm Covid-19, virus corona mới chỉ xâm nhập các tế bào. Chúng cần một thời gian vài ngày, gọi là thời gian ủ bệnh, để nhân lên, đến một lúc nào đó mới đủ nhiều, xuất hiện trong dịch đường hô hấp và mới có thể làm lây bệnh cho người khác khi bệnh nhân làm văng những giọt bắn đường hô hấp, ví dụ khi ho. Xét nghiệm chuẩn RT-PCR mà chúng ta và các nước khác đang sử dụng dựa trên dịch phết họng. Vì vậy với người mới bị lây, virus chưa kịp xuất hiện cho dịch phết họng, kết quả vẫn cho âm tính.
Vậy xét nghiệm sớm có giá trị gì? Để giúp ngành y tế có thể dự đoán được khả năng người đó có kịp lây bệnh cho ai từ khi nhiễm bệnh hay chưa. Một người mới nhiễm không thể lây liền cho người khác, mà phải đợi virus nhân lên đủ nhiều, các giọt bắn đường hô hấp có tồn tại virus đủ để phát tán bệnh.
Nếu một người nghi nhiễm, ví dụ là F1 của bệnh nhân nào đó, cho kết quả xét nghiệm 1-2 lần đầu là âm tính khi mới được cách ly thì có thể hy vọng rằng họ chưa thể lây cho ai khác dù sau đó họ có dương tính. Từ đó, ngành y tế sẽ có biện pháp phù hợp hơn đối với các F2, F3, F4… phía sau.
Đó cũng là lý do những người này sau khi cho kết quả âm tính vẫn tiếp tục bị cách ly cho đến khi đủ 14 ngày và vẫn có thể bị xét nghiệm lại vài lần sau đó trong 14 ngày cách ly để chắc chắn khi họ được về với cộng đồng, họ hoàn toàn là người khỏe mạnh.
Nữ tiếp viên Vietnam Airlines dương tính với Covid-19 sau 8 ngày âm tính
Chiều 16.3, tại phiên họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội, Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà đã báo cáo về 1 ca dương tính với SARS-CoV-2 gây dịch bệnh Covid-19 rất đáng chú ý trên địa bàn.
Cụ thể, đó là trường hợp nữ tiếp viên hàng không L.T.Q, thuê trọ tại ngõ 162 Nguyễn Văn Cừ, là tiếp viên của Vietnam Airlines đi trên chuyến bay VN0054 cùng bệnh nhân thứ 17 N.H.N.
“Trường hợp này hơi đặc biệt, khi lần 1 xét nghiệm vào ngày 7.3 cho kết quả âm tính. Khi đó, người này đang được cách ly ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 tại huyện Đông Anh. Sau khi có kết quả âm tính thì chị L.T.Q được chuyển về Bệnh viện đa khoa Gia Lâm.
Tuy nhiên, trong quá trình cách ly ở đây, chị Q. có triệu chứng và lại được chuyển về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 ngày 14.3. Đến ngày 15.3, xét nghiệm lại cho thấy kết quả dương tính. Như vậy, 8 ngày sau khi xét nghiệm âm tính thì xét nghiệm lại dương tính”, ông Hà cho biết.
Theo ông Hà, trường hợp này sẽ cần Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư xét nghiệm khẳng định thì mới có thể kết luận là mắc Covid-19. Hiện, Bộ Y tế chưa có thông tin nào về trường hợp này. Tuy nhiên, đây là một trường hợp rất đáng chú ý.
Thành Nhân