Bắc Kinh nói Mỹ lạm dụng cụm từ ‘an ninh quốc gia’ để xài đòn trừng phạt

04/12/2020 18:17

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Mỹ hãy thôi lạm dụng khái niệm ‘an ninh quốc gia’ sau khi Washington đưa Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) và 3 công ty khác vào danh sách đen.

Bắc Kinh nói Mỹ lạm dụng cụm từ an ninh quốc gia để xài đòn trừng phạt - Ảnh 1.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh – Ảnh: REUTERS

Hãng tin Reuters ngày 4-12 dẫn lời người phát ngôn Hoa Xuân Oánh chỉ trích quyết định trừng phạt của Mỹ là đi ngược với nguyên tắc cạnh tranh thị trường.

“Mỹ nên thôi lạm dụng sức mạnh quốc gia và khái niệm an ninh quốc gia để chặn các công ty nước ngoài”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, động thái này sẽ gây hại cho lợi ích và hình ảnh của chính nước Mỹ.

Ngoài CNOOC, nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc SMIC, Công nghệ xây dựng Trung Quốc và Công ty Tư vấn kỹ thuật quốc tế Trung Quốc cũng bị đưa vào danh sách trừng phạt, nâng tổng số công ty của Trung Quốc bị Mỹ xác định là công ty của quân đội hoặc có liên quan quân đội Trung Quốc lên 35.

Hôm 12-11, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp cấm doanh nghiệp và cá nhân Mỹ đầu tư vào các công ty bị Bộ Quốc phòng Mỹ xác định là có dính líu đến quân đội Trung Quốc. Lệnh cấm này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 11-1-2021.

Trong phản ứng cùng ngày, SMIC cũng phản đối quyết định của Washington, nói rằng nó phản ánh hiểu lầm của chính quyền Mỹ đối với công nghệ và việc làm ăn của công ty này.

Trước đó, báo China Daily của Trung Quốc nhận định nhiều mặt trong quan hệ Mỹ – Trung, như thương mại, công nghệ, an ninh, dịch COVID-19, đã tổn hại đến mức không thể sửa chữa.

“Dù chính quyền sắp tới (của Mỹ) có bất kỳ ý định nào nhằm xoa dịu căng thẳng đã và đang hiện hữu, một số tổn hại đã vượt khả năng sửa chữa, theo ý muốn của tổng thống Mỹ đương nhiệm”, báo này viết.

Theo một đạo luật năm 1999, Bộ Quốc phòng Mỹ phải biên soạn danh sách “Các công ty quân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Tuy nhiên, mãi đến thời Tổng thống Trump, Lầu Năm Góc mới tuân thủ yêu cầu của đạo luật trên, chỉ ra đâu là các công ty quân đội Trung Quốc “sở hữu hoặc kiểm soát”.

TRẦN PHƯƠNG/TTO

Đọc nhiều