86
topics
331443

Bà Triệu Thị Chính “chỉ nhờ xem điểm trước” là có tội hay bị oan?

08/11/2019 15:33

Bà Triệu Thị Chính (cựu Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang) vừa nộp đơn kháng cáo kêu oan về bản án sơ thẩm số 46/2019/HS-ST ngày 25/10/2019 của TAND tỉnh Hà Giang.

Đến giờ bà Triệu Thị Chính vẫn còn oan quá

Vụ án tiêu cực trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 đã xảy ra cách đây hơn một năm về trước. Đến thời điểm này, Ban Bí thư đã tiến hành kỷ luật đối với cả 3 vị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo là các ông Hoàng Tiến Đức, Vũ Văn Sử và Bùi Trọng Đắc.

Rõ ràng, những điều cần đến cũng đã đến rồi, những người đứng đầu ngành giáo dục đã phải chịu hình thức kỷ luật về mặt Đảng và có thể còn chịu thêm một số hình thức kỷ luật nữa trong thời gian tới đây.

Bà Triệu Thị Chính vừa nộp đơn kháng cáo kêu oan về bản án sơ thẩm số 46/2019/HS-ST ngày 25/10/2019 của TAND tỉnh Hà Giang.
Bà Triệu Thị Chính vừa nộp đơn kháng cáo kêu oan về bản án sơ thẩm số 46/2019/HS-ST ngày 25/10/2019 của TAND tỉnh Hà Giang.

Điều còn đặc biệt “xót lại” đến thời điểm này là Bà Triệu Thị Chính, cựu Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang, Trưởng ban chấm thi năm 2018 của tỉnh Hà Giang vẫn phủ nhận việc nhờ nâng điểm của mình là “trong sáng” và vô tội.

Theo Dân trí, bà Chính là người bị buộc tội trong vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” mà Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Hà Giang đã xét xử sơ thẩm ngày 14/10/2019 theo Bản án số 46/2019/HS-ST ngày 25/10/2019.

Trong đơn gửi TAND tỉnh Hà Giang, bà Chính kháng cáo kêu oan với bản án này về phần quyết định và những vấn đề liên quan đến bà.

“Lý do của việc kháng cáo: Tôi không có tội, tôi bị oan theo cáo buộc tại cáo trạng của Viện kiểm sát và theo quyết định tại bản án của TAND tỉnh Hà Giang. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết những việc sau đây: Hành vi của tôi không cấu thành tội danh: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi” theo điều 358 Bộ Luật Hình sự. Vậy tôi xin kháng cáo toàn bộ nội dung liên quan đến tôi trong bản án và kính mong Tòa án cấp phúc thẩm xem xét giải quyết cho tôi theo đúng quy định của pháp luật” – nội dung đơn kháng cáo của bà Chính.

Trước đó, trong phiên tòa sơ thẩm ngày 25/10/2019, bị cáo Chính vị kết án 2 năm tù, cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý trong ngành giáo dục 1 năm với tội danh lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi.

Không phạm tội sao bị cáo Triệu Thị Chính lại “nhận sai và xin lỗi”?

Những ngày xét xử vụ án gian lận điểm thi ở Hà Giang cho chúng ta thấy được rất nhiều cung bậc của cảm xúc khác nhau. Nếu như các bị cáo: Lương, Hoài, Khuông, Dung đã thành khẩn nhận tội trước tòa thì bị cáo Triệu Thị Chính đã liên tục phủ nhận mình phạm tội.

Bà Chính đã thanh minh, đã thề, đã phân bua việc làm của mình là vô tội. Bà đã “nhận sai” là đưa 13 thí sinh cho bị cáo Hoài nhưng cho rằng đó là việc làm “không phạm tội”. Những lời nói của bà Chính trước tòa liệu có phải là xảo ngôn hay không?

Trước tòa, bà vẫn thể hiện một “bản lĩnh” mà 4 bị cáo còn lại không có được. Đối đáp với VKS, bị cáo Triệu Thị Chính “thề không làm gì vi phạm pháp luật”, thậm chí còn cho rằng các anh chị em ruột của mình có tên Cần – Kiệm – Liêm – Chính là có lý do.

“Tôi tin vào pháp luật, còn những cái na ná tôi không chấp nhận. Tôi thề, tại sao anh chị em nhà tôi có tên là Cần, Kiệm, Liêm, Chính là như vậy”. Bà Chính cho rằng hai cấp dưới của mình là Hoài và Lương có tư thù với mình nên cố tình lôi bà vào cuộc.

“Tôi có thể ngẩng cao đầu nói với toàn thể nhân dân Việt Nam là tôi không nâng điểm mà tôi là người chống tiêu cực. Chính vì thế nên Bộ GD&ĐT mới có được những file điểm gốc để chấm thẩm định”, bà Triệu Thị Chính nói.

Theo cáo trạng và lời khai của bị cáo Nguyễn Thanh Hoài thì bị cáo Triệu Thị Chính đã đưa danh sách và nhờ nâng điểm môn Ngữ văn cho 13 thí sinh.

Trong danh sách này có con cháu của một số lãnh đạo địa phương và ngành giáo dục Hà Giang như: ông Triệu Tài Vinh- Bí thư tỉnh ủy, ông Nguyễn Văn Sơn- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, ông Phạm Văn Khuông, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo…

Thế nhưng, trước tòa thì bị cáo Triệu Thị Chính đã khẳng định là mình chỉ “nhờ xem điểm” và một mực phủ nhận việc mình đã nhờ bị cáo Hoài “nâng điểm” cho 13 thí sinh này.

Vì thế, khi mở đầu lời bào chữa trước Hội đồng xét xử thì bà Chính vừa bào chữa vừa khóc và nói: “Hôm nay tôi đứng đây, dù tòa tuyên án tội tôi thế nào, tôi vẫn ngẩng cao đầu nói với cả đất nước Việt Nam rằng tôi không phạm tội”. Thế nhưng, từ những tin nhắn mà Viện Kiểm sát công bố thì rõ ràng những lời nói của bị cáo Triệu Thị Chính không hẳn là đúng sự thật.

Không những thế, khi đứng trước tòa, bị cáo Triệu Thị Chính cho rằng hai cấp dưới của mình là Hoài và Lương có tư thù với mình nên cố tình lôi bà vào cuộc. Vì vậy, bà Chính nói: “Nếu không hận thù, tại sao anh Hoài phải lôi tôi vào cuộc, tại sao lại kích động hận thù giữa tôi và những người tôi không giúp được?

Trong cơn bão quay cuồng, tôi không tránh được bão táp phong ba, nhưng tôi đề nghị Hội đồng xét xử là cái nào ra cái đó. Nếu chỉ nhờ xem điểm mà phạm tội thì ông Giám đốc và Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La đều phạm tội”.

Không hiểu sao, trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 lại có nhiều phụ huynh, nhiều người trung gian ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình “nhờ xem điểm trước” đến vậy?

Trong khi, với cương vị là Trưởng ban chấm thi ở tỉnh Hà Giang thì bị cáo Triệu Thị Chính thừa hiểu là khi có điểm thi thì bà là người ký tên vào bảng điểm mới có thể công bố điểm thi. Vậy việc gì mà bà Chính lại phải nhờ Nguyễn Thanh Hoài “xem điểm trước” làm gì cho khổ cực nhỉ?

Trên cương vị là Phó Giám đốc Sở, Trưởng ban chấm thi mà bị cáo Triệu Thị Chính cho rằng việc đưa danh sách 13 thí sinh cho Nguyễn Thanh Hoài “nhờ xem điểm” môn Ngữ văn là “không phạm tội”.

Không phạm tội sao bị cáo Triệu Thị Chính lại “nhận sai và xin lỗi” trước lãnh đạo và nhân dân tỉnh Hà Giang để làm gì? Những lời bào chữa, những lời sau cùng của bị cáo Triệu Thị Chính cho thấy bà rất xảo ngôn, quanh co trước việc làm của mình.

Đinh Lực

Đọc nhiều