Ba tàu chấp pháp Việt Nam bám sát nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc

Nguyễn Anh 14/04/2020 18:09

Như Cánh Cò đưa tin, ngay sau khi nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Quốc đi xuống biển Đông, vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tàu Kiểm ngư 314363 của Việt Nam đã bám đuổi, thì nay đã có thêm 2 tàu chấp pháp Việt Nam bám sát.

Trước đó, ngày 13/4, theo trang web theo dõi tàu thuyền Marine Traffice, đi trước nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8, cách nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 khoảng 54 hải lý về phía đông nam là một nhóm tàu hải cảnh mang số hiệu 2103, 5901 và 4201, trong đó tàu 5901 là tàu hải cảnh lớn nhất của Trung Quốc. Có vẻ tàu Trung Quốc đã thay đổi cách ghi số hiệu, nhưng không thể qua mắt các tàu chấp pháp Việt Nam.

Ba tàu chấp pháp Việt Nam vẫn đang bám sát nhóm tàu Trung Quốc

Ngay sau đó, tàu Kiểm ngư 314363 của Việt Nam tăng tốc với tốc độ 12 knots bám đuổi tàu Hải Dương Địa Chất 8, thì ngày 14/4, đã có thêm hai tàu Việt Nam là Đà Nẵng 10373Kiểm ngư 10360 cùng tham gia bám sát tàu Hải Dương Địa Chất 8. Hiện giờ tàu Hải Dương Địa Chất 8 vẫn đang di chuyển với tốc độ 12 knots.

Xung quanh nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 có vẻ đang có thêm một số tàu cá Việt Nam bên cạnh tàu chấp pháp Việt Nam. Các tàu Trung Quốc vẫn đang đi với vận tốc 12-14 knots.

Đi trước nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8, cách nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 khoảng 54 hải lý về phía đông nam là một nhóm tàu hải cảnh mang số hiệu 2103, 5901 và 4201

Có thể Trung Quốc bắt đầu cuộc thử phản ứng mới, vì có nhiều tàu hải cảnh đi theo bảo vệ, nhưng chưa rõ sẽ ở khu vực nào. Hiện giờ nhóm tàu vẫn đang đi với vận tốc lớn, cho thấy chưa có ý định dừng để khảo sát nên chúng ta hãy bình tĩnh, và theo dõi tiếp.

Theo Luật sư Hoàng Duy Hùng (từ Mỹ) cho biết “Thứ nhất, Tôi nghĩ rằng Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng rất là bình tĩnh để chuẩn bị, nên quý vị cứ an tâm. Đây chỉ mới là động thái nắn gân nắn cốt thôi.

Trên phương diện luật, một chiếc tàu đang di chuyển chưa đậu lại, không có nghĩa là họ xâm phạm. Vì theo luật quốc tế, trên tuyến đường đó đang đi chưa có đậu lại thì vẫn là đang đi, đó là cái quyền hàng hải. Biết rằng, người ta (Trung Quốc) lợi dụng quyền hàng hải để trêu ngươi mình, nhưng không có nghĩa là họ vi phạm.

Thứ hai, nếu có sự vi phạm thì phải đưa ra thảo luận dưới cái gọi là Code of Conduct năm 2002 (COC – Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông). Tới giờ phút này cũng chưa thảo luận.

Thứ ba, đây chỉ là động thái Trung Quốc đi để họ xem thử nó thế nào, thì cứ để họ tốn xăng tốn dầu đi. Quý vị cứ nôn nóng coi chừng mắc bẫy Trung Quốc. Họ đang đợi dịch này xảy ra, họ vung sức mạnh của họ ra. Họ tìm cách chọc cho mình nổi nóng lên thì có chiến tranh. Mà có chiến tranh ở giai đoạn này Mỹ đang bối rối, họ nghĩ rằng học sẽ trên cơ.

Đất nước của chúng ta trên thực tế, chưa đủ sức quân sự bằng họ, thì phải lựa thế, chứ không phải nổi nóng lên gây chuyện. Chúng ta coi chừng, học cái bài học Việt Nam Cộng Hòa năm 1974 nổ súng trước, không chuẩn bị đủ, 15 phút sau bỏ chạy mất luôn quần đảo Hoàng Sa.

Nên tôi nhắn quý vị rất ngắn gọn đó là, động thái đưa tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc đi vào Biển Đông cũng chỉ là rò la, thả bong bóng, nắn gân nắn cốt. Đừng nôn nóng quá, đừng bước qua những động thái mà có thể gây nguy hại đến an ninh quốc gia”.

Tình hình cơ bản có thể vẫn như đợt xâm phạm lần hai năm ngoái, “diễn viên chính” vẫn là tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 được hộ tống bởi nhiều tàu hải cảnh, trong đó có một chiếc giãn nước 12.000 tấn.

Tàu hải cảnh Trung Quốc đang hộ tống tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc

Nhiều khả năng đây vẫn là chiêu trò nắn gân quen thuộc để thử phản ứng của Việt Nam, cũng như đánh lạc hướng dư luận về dịch Covid-19.

Trên các ứng dụng theo dõi hàng hải Traffice Marine thì có một số tàu Việt Nam theo dõi nhóm tàu khảo sát Trung Quốc, nhưng thực tế thì cao hơn rất nhiều, chưa kể tới lực lượng đang trong trạng thái sẵn sàng xuất phát.

Tàu kiểm ngư 363 của Việt Nam đang bám sát nhóm tàu của Trung Quốc

Cũng như lần trước, Cánh Cò luôn kịp thời cập nhật thông tin nhanh và chính xác nhất, nhưng chúng tôi vẫn sẽ lựa chọn thời điểm và mức độ tiết lộ thông tin phù hợp để bảo đảm bí mật hoạt động, tránh gây hại cho nỗ lực đấu tranh bảo vệ chủ quyền của các lực lượng chấp pháp Việt Nam.

Một tàu kiểm ngư của Việt Nam đăng bảo vệ bãi Tư Chính

Bà con cứ yên tâm là chúng ta dồn sức chống dịch nhưng không bao giờ lơi lỏng về vấn đề chủ quyền. Điều đáng chú ý vẫn là không biết liệu có mấy tay lái nóng tính lao ra biển, tạt đầu nhóm Hải cảnh Trung Quốc, để chúng hung hăng dùng sườn và đuôi húc vào mũi tàu không. Mong cán bộ chiến sĩ và ngư dân ta vững vàng và bình an.

VIỆT NAM QUYẾT CHIẾN THẮNG ĐẠI DỊCH, đồng thời khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Nguyễn Anh (Traffice Marine, Dự án Đại ký sự Biển Đông, Đơn vị tác chiến điện tử)

Đọc nhiều