Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Thuận có số ca F0 ngoài cộng đồng tăng cao
Dịch COVID-19 ở hai tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận đang có xu hướng khó lường khi số ca mắc mới tăng mạnh và lan rộng.
Ngày 1/11, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, tính từ 18h ngày 31/10 đến 18h ngày 1/11/2021, tỉnh này ghi nhận 63 ca nghi mắc COVID-19 mới, đang chờ Bộ Y tế cấp mã bệnh nhân.
Cụ thể, TP. Bà Rịa có 10 ca ngoài cộng đồng. Trong đó, 6 ca là 1 gia đình tại xã Tân Hưng; 1 ca tại phường Long Toàn; 3 ca là người đi từ tỉnh Bình Dương về Bà Rịa. Thị xã Phú Mỹ ghi nhận 15 ca, gồm 3 ca trong khu vực cách ly tập trung; 12 ca ghi nhận ngoài cộng đồng (6 ca là người đi từ TPHCM về Phú Mỹ; 2 ca là người đi từ tỉnh Đồng Nai về Phú Mỹ; 1 ca tại phường Phú Mỹ; 2 ca tại phường Phước Hòa; 1 ca tại phường Mỹ Xuân liên quan đến người đi từ tỉnh Đồng Nai về Phú Mỹ).
TP. Vũng Tàu có 26 ca. Trong đó, 19 ca ghi nhận trong khu vực cách ly tập trung; 3 ca ghi nhận trong khu vực phong tỏa; 4 ca ghi nhận ngoài cộng đồng (1 ca tại Phường 10; 1 ca tại phường 8; 1 ca tại phường Nguyễn An Ninh liên quan đến người đi từ TPHCM về Vũng Tàu; 1 ca là người đi từ TPHCM về Vũng Tàu).
Huyện Xuyên Mộc có 1 ca trong khu vực cách ly tập trung. Huyện Châu Đức ghi nhận 3 ca, gồm 1 ca trong khu vực cách ly tập trung, 2 ca ngoài cộng đồng tại thị trấn Ngãi Giao. Huyện Đất Đỏ có 8 ca. Trong đó, 6 ca trong khu vực cách ly tập trung; 1 ca trong khu vực phong tỏa; 1 ca ngoài cộng đồng tại xã Phước Hội.
Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết thêm, dịch COVID-19 trên địa bàn vẫn đang diễn biến phức tạp, các ca mắc ghi nhận ngoài cộng đồng gần đây có chiều hướng gia tăng. Chính sự chủ quan, lơ là và không chấp hành triệt để các biện pháp phòng, chống dịch của một bộ phận người dân, doanh nghiệp và sự thiếu kiểm tra, thanh tra, chấn chỉnh kịp thời thường xuyên của các cấp là nguyên nhân chính làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại.
Do đó, Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị các địa phương cần đề cao cảnh giác, tuyệt đối không được chủ quan; phải luôn duy trì việc ứng trực phòng chống dịch 24/24 giờ, sẵn sàng phương án ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra; tăng cường tuyên truyền nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm các nguyên tắc 5K; giám sát các đối tượng nguy cơ để phát hiện sớm, khoanh vùng dập dịch; tập trung rà soát, nắm bắt chặt chẽ các đối tượng nguy cơ cao trên địa bàn.
Bình Thuận tăng số ca mắc mới
Trong khi đó, ngày 1/11/2021, Sở Y tế tỉnh Bình Thuận ghi nhận 135 ca nghi nhiễm COVID-19. Cụ thể, Phan Thiết có 73 ca, huyện Hàm Thuận Bắc 48 ca, huyện Tuy Phong 7 ca, huyện Hàm Tân 5 ca, huyện Tánh Linh 2 ca nghi nhiễm.
Hiện tại, Bình Thuận đang có 67 xã phường, thị trấn cấp độ 1 (bình thường mới, vùng xanh); 29 xã phường, thị trấn cấp độ 2 (nguy cơ trung bình, vùng vàng); 16 xã phường, thị trấn cấp độ 3 (nguy cơ cao, vùng cam) và 12 xã phường, thị trấn cấp độ 4 (nguy cơ rất cao, vùng đỏ).
12 xã, phường, thị trấn vùng đỏ gồm các phường Lạc Đạo, Phú Hài, Thanh Hải (Phan Thiết); Thuận Hòa, Hàm Trí, Hàm Chính, Hàm Đức (Hàm Thuận Bắc); Hàm Thạnh, Mương Mán, Hàm Kiệm (Hàm Thuận Nam) và xã Phước Thể (Tuy Phong).
Đối với cấp huyện, thị, thành phố có 1 địa phương cấp độ 1 (đảo Phú Quý); 5 địa phương cấp độ 2 và 4 cấp độ 3 (Phan Thiết, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Đức Linh). Riêng toàn tỉnh Bình Thuận ở cấp độ 2, nguy cơ trung bình.
Theo ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp và đáng lo ngại. Từ khi thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và quyết định số 2780/QĐ-UBND của UBND tỉnh, dịch COVID-19 diễn biến theo chiều hướng gia tăng số ca mắc mới.
Các biện pháp phòng, chống dịch tỉnh đang triển khai thực hiện chỉ mới đáp ứng được một phần so với yêu cầu thực tế. Do đó, trong thời gian tới, Bình Thuận sẽ xem xét để điều chỉnh sao cho phù hợp với tình hình thực tế, mục tiêu là phải kiểm soát cơ bản được dịch bệnh, không để số ca mắc mới gia tăng nhanh, lây lan trên diện rộng.
Theo ông Phong, phương hướng phòng chống dịch của Bình Thuận hiện nay là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Tuy nhiên, qua triển khai thực hiện đã có biểu hiện lơ là, chủ quan từ các cấp chính quyền và cả trong người dân. Trong khi đó, điều kiện cơ sở vật chất y tế phục vụ điều trị các ca nhiễm, tỷ lệ tiêm vắc xin còn hạn chế. Chính những yếu tố này là nguyên nhân khiến các ca mắc mới trong cộng đồng gia tăng mạnh trong thời gian qua.
Do đó, Bình Thuận yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch ứng phó với dịch COVID-19 trong thời gian tới. Tiếp tục rà soát các cơ sở cách ly tập trung, các cơ sở thu dung điều trị, phương án về vật tư, sinh phẩm y tế đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Khai Tâm