2
category
329787

Bà Quyết Tâm, ông Tiến Lộc thử ăn cơm, làm công nhân một lần đi

24/10/2019 09:07

Bàn về giờ làm thêm, nhiều ý kiến cho rằng bà Nguyễn Thị Quyết Tâm chưa ăn bữa cơm công nhân bao giờ, ông Vũ Tiến Lộc cũng cần đi làm công nhân 1 tháng.

Có hàng trăm phản hồi của bạn đọc với các ý kiến khác nhau trước những tranh luận về giờ làm thêm của nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm với Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc trong phiên thảo luận dự thảo bộ luật Lao động (sửa đổi) sáng qua.

Phát biểu trước đó, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc (ĐB tỉnh Thái Bình) cho rằng vấn đề thời gian làm việc bình thường và đề nghị giữ nguyên theo quy định hiện hành.

“Đây là quy định phù hợp với thực tiễn của nền kinh tế và rất nhân văn. Chúng ta quy định linh hoạt rằng thời gian làm việc tối đa là 48 giờ/tuần và Nhà nước khuyến khích tuần làm việc ít hơn là 44 hay 40 giờ tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của DN và sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động, quy định này hợp lý, hợp tình”, ĐB Lộc phân tích.

Bởi theo ông Lộc, hầu hết các quốc gia có trình độ phát triển tương tự và đang là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của chúng ta đều quy định thời gian làm việc là 48 giờ.

“Chúng ta vừa mới chỉ thoát khỏi ngưỡng nghèo và mới là nước có thu nhập trung bình ở trình đột thấp, năng suất lao động thậm chí còn đang thấp nhất trong khu vực thì áp dụng thời gian lao động như các nước xung quanh là phù hợp.

Hơn nữa, thời gian lao động sẽ làm suy giảm cạnh tranh quốc gia, gây trở ngại cho việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và khó đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ lớn nhất với tương lai nền kinh tế Việt Nam”, ông Lộc phân tích.

Ngoài ra, giảm thời gian lao động sẽ dẫn tới giảm tiền lương, làm chậm kế hoạch tăng lương.

Đồng thời, do năng suất lao động thấp nên tiền lương và thu nhập của phần lớn người lao động vẫn chưa cao, giảm thời gian làm việc đồng nghĩa với việc giảm thu nhập và người lao động vẫn phải tìm thêm việc làm để có thêm thu nhập, chủ yếu ở khu vực phi chính thức và nhiều hệ lụy.

“Giảm giờ làm trong bối cảnh hiện nay sẽ không mang lại lợi ích cho người lao động, chi phí lao động DN tăng lên, năng lực cạnh tranh doanh nghiệp giảm sút. Nhiều DN sẽ phải thu hẹp sản xuất và người lao động sẽ mất việc làm”, ông Lộc phân tích.

Ngành dệt may, da giày, điện tử, lương thực, thực phẩm, nếu giảm giờ làm 44 giờ/tuần có thể dẫn đến giảm sản lượng, kim ngạch xuất khẩu…

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nghẹn ngào khóc khi tranh luận lại ý kiến của ĐB Vũ Tiến Lộc về “giờ làm việc và tăng giờ làm thêm lên 400 giờ/năm là hợp lý, nhân văn và tự nguyện”.

Bà Quyết Tâm, ông Tiến Lộc thử ăn cơm, làm công nhân một lần
Bạn Nguyễn Mạnh nói phát biểu của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm vừa có tình, có lý. Ảnh: Minh Quang

‘Tự nguyện’ trên cơ sở nào?

“Tôi cảm thấy đây là vấn đề QH cần thảo luận để làm sáng rõ vấn đề. Tôi không biết ĐB Vũ Tiến Lộc vin vào đâu để nói rằng chính sách này trong bộ luật Lao động sẽ hợp lý, nhân văn. Đặc biệt tôi quan tâm đến vấn đề nhân văn và tự nguyện. Nhân văn và tự nguyện trên cơ sở nào?”, bà Tâm nói.

Nữ ĐB TP.HCM băn khoăn: “Nếu nghe từ người lao động mà nói rằng tự nguyện tôi lấy làm lạ, bất ngờ với nhận định này của ĐB Vũ Tiến Lộc”.

Theo bà, khá nhiều công nhân và những người làm công tác công đoàn nói rằng người lao động không muốn làm thêm giờ mặc dù họ cần.

“Vậy chúng ta phải trả lời câu hỏi vì sao công nhân cần làm thêm giờ? Câu hỏi đó quá dễ trả lời, vì tiền lương, thu nhập hiện nay thật sự không đủ trang trải cuộc sống”, bà Tâm phân tích.

Bà khẳng định cần nhìn vào dáng vẻ của người công nhân, tâm thế của người công nhân khi đến làm việc như thế nào. Bà nghẹn ngào khóc: “Hãy nhìn những đứa trẻ phải gửi về quê. Có người mẹ người cha nào muốn xa con mình hay không, thậm chí 1, 2 năm chưa được về thăm con. Ông bà rất già rồi vẫn phải giữ cháu để con đi làm”.

Theo bà, những người lao động như thế, họ không cam chịu, không muốn làm gánh nặng của xã hội, phải đi tìm việc làm mà nói rằng họ tự nguyện để làm thêm quần quật suốt ngày. “Tôi cho rằng phát biểu này cần phải tranh luận để làm sáng tỏ. Họ không tự nguyện mà cần làm thêm để có thu nhập”.

Nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM đặt vấn đề vai trò của QH ở đây là gì, là làm chính sách như thế nào để người công nhân có thu nhập đủ trang trải cuộc sống, để họ vẫn có thời giờ học tập, nâng cao tay nghề, giải trí, chăm sóc bản thân, chăm sóc gia đình…

“Đó là quyền con người được Hiến pháp quy định. ĐB phát biểu, ĐB có nghĩ đến các quy định trong Hiến pháp về quyền con người phải được bảo vệ như thế nào không? Hãy nghĩ đến trách nhiệm và nghĩa vụ của giới chủ, người sử dụng lao động và còn cả tình người đối với người lao động nữa. Nhân văn ở đây là gì, nhân văn là bảo vệ quyền con người đã được Hiến định, là tình người trong sử dụng lao động”, bà Tâm nhấn mạnh.

Nữ ĐB muốn nói thêm rằng sức cạnh tranh của nền kinh tế không nên chủ yếu dựa vào sức lao động mà còn là năng lực quản trị, đổi mới công nghệ, điều kiện làm việc…

Đây là sự tiến bộ của xã hội. Sự tiến bộ của xã hội ở đâu khi chúng ta tăng giờ làm và giảm tiền lương của người lao động. “Chúng ta giảm còn 44 giờ có nghĩa là 4 giờ còn lại người lao động có thể làm thêm và sẽ tăng thu nhập. Đó mới là tiến bộ, nhân văn”.

Bạn NVN cho rằng, “tăng lương giảm giờ làm là quy luật của một xã hội tiến bộ, đã không giảm được thì thôi lại còn đề nghị tăng giờ làm thêm, các đại biểu thử làm công nhân một ngày thôi xem có muốn tăng giờ làm thêm, tăng tuổi nghỉ hưu hay không”

Bạn Hoàng Chuyên dí dỏm “cho anh Vũ Tiến Lộc đi làm công nhân lao động trực tiếp một tháng thì anh ta sẽ biết nên tăng lương hay tăng giờ làm đối với công nhân ! ( Lâu nay anh ta thường đứng về phía Doanh nghiệp)”

Bạn Trần Minh Khôi lại ủng hộ ông Tiến Lộc và phản bác ý kiến bà Quyết Tâm “Muốn giống như nước Nhật thì người Việt Nam phải làm việc quần quật như người Nhật. Nghèo như Việt Nam và tay nghề thấp như công nhân Việt Nam mà bà Quyết Tâm muốn chế độ làm việc như Mỹ, châu Âu thì còn lâu VN mới giầu mạnh. Bởi vậy nói như ông Lộc là đúng.”

Đồng quan điểm, bạn Sơn Nam cho rằng “Mình thấy rất ngưỡng mộ bác Lộc, nước chưa giàu mà đã ham chơi lười làm thì khá sao được, tại sao nghèo là có những người kêu nhiều hơn làm như bà Tâm, bà có thấy doanh nghiệp Việt khốn đốn đủ đường chưa, còn làm thêm đó là quyết định tự nguyện của từng công nhân, sợ không có việc mà làm thêm thôi.”

Phản đối ý kiến ông Lộc, bạn Tuấn cho rằng, “Các doanh nghiệp tinh vi lắm. Họ nghĩ ra cái gọi là tiền chuyên cần hàng tháng để ngươi lao động ốm không dám nghỉ vì sợ bị mất thu nhập hàng tháng. Ngày làm tăng ca 3 đến 4 giờ một tháng làm từ 26 đến 28 thậm chí 30 ngày công cũng chỉ đạt 5 triệu đến 6 triệu đồng, nhưng vì con ốm xin nghỉ bị trừ 500,000 đ tiền chuyên cần của tháng đó chỉ còn 4,5 triệu đồng. Tình trạng này xẩy ra nhiều ở tất cả các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp giày da và may mặc. Người Việt Nam còn nghèo vị miếng cơm manh áo cho gia đình mà chấp nhận phải đi làm. Ở một số nước có thể xảy ra đình công và biểu tình phản đối giới chủ”

Khác với ý kiến bạn Tuấn, bạn Thuận phản biện “@Tuấn: Thế bạn không nghĩ rằng để gầy dựng công ty, Chủ doanh nghiệp (Thành viên Cty TNHH/ Đại hội đồng cổ đông cty cổ phần,..) phải bỏ ra không chỉ tiền bạc mà còn cả công sức trí tuệ để duy trì và phát triển công ty, tạo công ăn việc làm cho bạn để bạn có thể nuôi bản thân và gia đình. Doanh nghiệp giày da và may mặc hiện nay đa phần còn rất khó khăn khi cạnh tranh khốc liệt không chỉ với Trung Quốc mà cả Campuchia khi giá nhân công rẻ hơn và chính sách cởi mở hơn nên các DN Việt Nam phải xoay xở đủ thứ trong đó có việc kiểm soát tốt các loại chi phí, nhất là tiền lương. Nhưng dù có siết chặt chi phí nhân công thì bất cứ doanh nghiệp đàng hoàng nào cũng tuân thủ chặt chẽ Pháp luật về Lao động. Nên bạn hãy thay đổi tư duy về vấn đề này mà có cái nhìn sâu sắc hơn để suy nghĩ tích cực về cuộc sống”

Bạn Nguyễn Mạnh ủng hộ ý kiến của bà Quyết Tâm và cho rằng, những phát biểu này vừa có tình, có lý.

“Cũng từng đó giờ nhưng muốn hiệu quả tăng lên thì đó là trách nhiệm của nhà quản lý. Bắt công nhân bỏ hết thời giờ cho doanh nghiệp thật bất công. Ai cũng có gia đình nhỏ của mình”, bạn Mạnh nêu ý kiến.

Khẳng định phát biểu của bà Quyết Tâm là đúng, bạn đọc Dương Dương nói, không có công nhân nào muốn làm việc 12h/ngày cả, sức người có hạn.

Mà chỉ vì lương 8 tiếng không đủ trang trải thì công nhân mới phải làm thêm, chứ đó không phải điều mong muốn của công nhân.

Bạn Thieu Quang đặt vấn đề: “Chúng ta có cần đẩy mạnh tăng trưởng bằng việc vắt kiệt sức lao động không? Bài học của nước Nhật, đất nước giàu có nhưng số người tự vẫn vì áp lực công việc lại rất nhiều. Hãy để người lao động (NLĐ) có thời gian được nghỉ ngơi thích hợp”.

Còn với phát biểu của ông Vũ Tiến Lộc, bạn Lê Hằng đánh giá, ông Lộc phát biểu đứng trên quan điểm doanh nghiệp và không đứng về phía công nhân.

Theo bạn, nếu vào các khu nhà ở cho công nhân, hiểu cuộc sống của NLĐ thì ông mới biết được sự vất vả mưu sinh, hy sinh của gia đình họ. Nói NLĐ năng suất thấp thì đó là sản phẩm của chủ doanh nghiệp và xã hội.

Vì vậy nên đầu tư, phát triển cho giáo dục, khoa học công nghệ, hạ tầng nhiều hơn nữa chứ không phải là tăng năng suất, thâm canh trên người lao động.

Bạn Mr Ly hỏi ông Vũ Tiến Lộc đã từng xuống các khu công nghiệp xem tình cảnh người công nhân như thế nào chưa.

“Đầu tắt mặt tối tăng ca nhưng không đủ tiền trang trải cuộc sống. Lợi thế cạnh tranh là nguồn nhân lực, là nâng cao nguồn nhân lực chứ không phải vắt kiệt nguồn nhân lực mà không cho họ tái tạo sức lao động”, Mr Ly nêu thực trạng.

Bạn Hoàng Chuyên bảo ông Vũ Tiến Lộc nên trực tiếp đi làm công nhân lao động 1 tháng thì sẽ biết nên tăng lương hay tăng giờ làm đối với công nhân.

Nói như bà Quyết Tâm thì quá tốt, nhưng tiền ở đâu ra

Tuy nhiên, cũng có những bạn đọc không đồng tình với ý kiến của bà Tâm mà lại ủng hộ ông Lộc.

Bà Quyết Tâm, ông Tiến Lộc thử ăn cơm, làm công nhân một lần
Bạn đọc Đoàn Phong cho rằng, những lý lẽ mà ông Vũ Tiến Lộc đưa ra là phản logic. Ảnh: Minh Quang

Bạn Hữu Nữu nói: “Nước thì nghèo, năng suất lao động thấp, tài nguyên cạn kiệt… mà không chăm chỉ thì làm sao mà sung túc được”.

Bạn Nguyen Bien nêu ý kiến, năng suất lao động của công nhân Việt Nam hiện nay mới chỉ tạm đủ trang trải cuộc sống, nếu tiết kiệm thì còn ít để tích cóp. Cho nên có giảm giờ làm mà vẫn giữ mức lương đó thì NLĐ cũng sẽ không nghỉ mà đi kiếm việc làm thêm để tăng thu nhập.

Còn chuyện ông bà vẫn phải trông cháu như bà Quyết Tâm nói thì dù có giảm giờ làm các ông bà vẫn phải giúp con cái trông cháu vào các ngày đi làm.

“Có lẽ bà Quyết Tâm không hiểu được tình cảnh của những người phải rời quê, bỏ con cái ở quê cho bố mẹ già để chính bản thân mình đi kiếm ăn nơi xứ người.

Họ mong tranh thủ thời gian để có thể kiếm được nhiều tiền nhất để gửi về nuôi con, phụng dưỡng cha mẹ.

Với họ, một tuần làm việc 7 ngày hay 5,5 ngày có thành vấn đề gì lớn đâu. Tôi nghĩ khuyến khích họ làm thêm giờ để có thêm thu nhập nhưng họ cần phải biết căn cứ vào thực tế tình hình sức khỏe của chính bản thân họ”, bạn Đoàn Văn Phúc nêu quan điểm.

“Bà Tâm có bao giờ ăn bữa cơm công nhân đâu. Chúng tôi cần việc làm để trang trải cuộc sống”, bạn Khoi Lê Dinh chia sẻ.

Bạn Lục thì “nói như bà Quyết Tâm thì quá tốt. Nhưng tiền ở đâu ra, ai cho nếu không làm?”.

Trước những ý kiến trái ngược, theo bạn Lê Tuấn Anh, ai nói cũng có cái đúng và sai, chứ không ai đúng hẳn.

Việc này phải xét ở các yếu tố chính xác đầu vào như điều kiện môi trường làm việc, tiền lương, sức khỏe, hoàn cảnh, chính sách ưu đãi của doanh nghiệp, lĩnh vực lao động,… của người lao động, được khảo sát và đánh giá trên cơ sở khách quan và khoa học.

Bạn Lê Cải đề xuất có thể giảm giờ làm còn 40h/tuần, còn làm thêm là do nhu cầu của doanh nghiệp nhưng phải đáp ứng được tiền công làm thêm giờ và số giờ làm thêm trong 1 tuần, và được NLĐ đồng ý.

Bạn Lục đề nghị nên để NLĐ và doanh nghiệp tự thỏa thuận thời gian làm thêm, tiền lương làm thêm. Người có nhu cầu thì làm thêm, người không thì nghỉ. Xã hội đa dạng, hãy để cơ chế mở.

“Bà Quyết Tâm nói trên lập trường người lao động, còn ông Vũ Tiến Lộc là theo doanh nghiệp, nên mới mâu thuẫn nhau. Hai đại biểu nên ngồi lại với nhau để thống nhất góp ý cho luật”, bạn Mai Thu đề xuất.

Quỳnh Anh

Đọc nhiều