Ba quyết sách “chia lửa” cấp bách cùng TPHCM của Thủ tướng
TP.HCM đang trở thành trung tâm của hàng triệu cặp mắt. Mỗi quyết định, chính sách đưa ra với thành phố ở thời điểm này đều ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của người dân cũng như cả cục diện chống dịch. Dõi theo từng bước chân chống dịch của TP.HCM sẽ thấy một điều rằng, Trung ương, Chính phủ đang dành sự quan tâm đặc biệt cho thành phố mang tên Bác.
Nếu như trước đây xe cộ tấp nập qua lại, người buôn, người bán cười nói rôm rả thì nhịp sống ở TP.HCM hiện nay có vẻ chậm lại đi rất nhiều, âm thanh được nghe thường xuyên nhất đó là tiếng xe cứu thương bất kể đêm ngày. Nhà nhà người người đóng cửa giãn cách, trong số đó có không ít người lao động nghỉ việc không lương, đang cố gắng cầm cự cuộc sống gia đình bước qua ngày dài giãn cách. Nhưng với chi phí sinh hoạt không nhỏ ngay tại thành phố phát triển nhất cả nước thì đó vẫn là câu chuyện cần “cân não” mỗi ngày. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo như thế thì điều thiêng liêng nhất góp phần cứu rỗi tinh thần, cho con người ta thêm chỗ dựa và niềm tin chiến đấu với dịch bệnh chính là quê nhà. Nhiều người mong từng ngày được trở về, nhất là khi số ca mắc Covid-19 tại TP.HCM trong những ngày gần đây đã hơn 2.000 ca/ngày. Trong tâm thức của họ bây giờ, chỉ có trở về quê thì mọi giông bão, áp lực đang phải đối mặt ở TP.HCM mới dừng lại sau cánh cửa. Nhận thấy rõ điều này nên Thủ tướng Phạm Minh Chính đã quyết định “mở cửa”, tạo điều kiện cho người lao động, người dân đang sinh sống, làm việc tại TP.HCM và các tỉnh/thành phía Nam trở về quê nhà. 5000 chuyến xe do Tập đoàn Phương Trang tài trợ, vận chuyển miễn phí cho bà con về quê tránh dịch sẽ bắt đầu triển khai từ ngày 20/7. Một bước chuyển hóa chỉ đạo của Thủ tướng thành hành động rất nhanh gọn, vừa đảm bảo được tính mạng, sức khỏe của người dân vừa góp phần giảm bớt “cơn đau” cho TPHCM hiện nay.
Tuy nhiên, dịch vẫn đang xâm lấn mọi con đường, ngõ, hẻm ở TP.HCM, hình thành nỗi sợ, e dè ra đường chứ chưa nói gì đến Chỉ thị 16, ai ở đâu ở yên chỗ đấy. Câu chuyện của chính quyền thành phố không chỉ dừng lại ở trách nhiệm chống dịch, bảo vệ người dân khỏi dịch bệnh mà còn phải bảo đảm “con đường lương thực”, cung ứng đủ đầy thực phẩm cho người dân đang bám trụ với thành phố. Với quyết tâm không để tình trạng chen lấn, tranh nhau giành lương thực, thực phẩm hay gom hàng, tích trữ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu đảm bảo hàng hóa, nhu yếu phẩm đầy đủ, dồi dào và vận chuyển kịp thời từ các địa phương khác đến TP.HCM. Xưa kia, ông bà ta có câu “có thực mới vực được đạo” thì ngày nay, có thực mới vực được dịch bệnh. Đó là vấn đề đang được người đứng đầu Chính phủ và chính quyền địa phương chú trọng nhằm đảm bảo an ninh lương thực, tạo sự an tâm cho người dân trong cuộc chiến chống dịch dài hơi.
Một sự quan tâm ưu tiên dành cho TP.HCM lúc này cũng là điều đáng quý. Càng quý hơn khi chính Thủ tướng là người phát động “dành tất cả những gì tốt nhất cho TP.HCM chống dịch”. Mà không chỉ riêng gì TP.HCM mà các tỉnh thành phía Nam cũng sẽ được ưu tiên sử dụng nguồn vaccine. Lô vaccine Pfizer đầu tiên (gồm 97.110 liều trên tổng số 746.000 liều) đã về đến Việt Nam. Trong số 63 tỉnh/thành thì TP.HCM được phân bổ nhiều nhất với gần 55.000 liều. Còn Đồng Nai và Bình Dương, mỗi địa phương cũng được phân 25.740 liều vaccine. Thêm 2 triệu liều vaccine Moderna do Chính phủ Mỹ viện trợ, Bộ Y tế đã chuyển 1 triệu liều cho TP.HCM. Kế tiếp là 100.000 liều vaccine Astrazeaca do Chính phủ Nhật Bản tài trợ. Mới đây, 921.400 liều vaccine AstraZeneca lại đến sân bay Tân Sơn Nhất. Gần như tất cả tình cảm của Thủ tướng dành cho đồng bào miền Nam được gói gọn tất thảy trong những lô vaccine quan trọng, quý giá đó. Chúng ta biết rằng, miễn dịch cộng đồng và dập dịch là mục tiêu cần đạt được của TPHCM và các tỉnh thành phía Nam nhưng nếu không nhận được sự quan tâm lo lắng đặc biệt của chính quyền và nhân dân cả nước thì thật khó để nói chuyện sớm trở lại trạng thái bình thường.
Đi qua những ngày thử thách cam go mới thấy cảm phục những quyết sách của những người lãnh đạo và chính quyền địa phương. Ba quyết sách mới được Thủ tướng áp dụng cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam chính là nỗ lực “chia lửa”, giảm bớt nỗi đau mà người dân vùng dịch đang phải gánh chịu. Rồi cơn đau sẽ được điều trị khỏi, cái còn lại là tình người, là sự phấn khởi, tự hào vì mình là người Việt Nam, được chăm lo, bảo vệ rất nhiều.
Đặng Trường