Ba ngày TT Trump ở Pháp, ba ngày Nhà Trắng chạy theo ‘sửa’ phát ngôn

Ngọc Hoàng 28/08/2019 14:53

Có mặt ở Pháp để dự Hội nghị thượng đỉnh G7, Tổng thống Trump tiếp tục đối đầu với truyền thông và để các trợ lý loay hoay giải thích những bình luận mâu thuẫn của mình.

Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Pháp đã diễn ra theo cách quen thuộc với các chuyến đi nước ngoài của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

CNN nhận định Tổng thống Trump – nóng nảy và thất thường trên trường thế giới – đã làm dấy lên rồi lại dập tắt hy vọng dịu bớt cuộc chiến thương mại đang xấu đi nhanh chóng của ông với Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo nước ngoài từng trông đợi vào Mỹ để biết phương hướng giờ chỉ cố gắng không đối kháng với một tổng thống khó lường. Trong khi đó, ông Trump đối đầu với truyền thông, phản ứng dữ dội với bất kỳ chỉ trích nào về công việc của mình và để các trợ lý khốn đốn tìm cách giải thích các bình luận công khai của ông.

Ba ngay TT Trump o Phap, ba ngay Nha Trang chay theo 'sua' phat ngon hinh anh 1
Tổng thống Trump tại hội nghị G7 ở Pháp hôm 26/8. Ảnh: Reuters

Theo CNN, sự phản kháng và bất bình của tổng thống cuối tuần qua gợi lại một ngày đầy biến động ở Washington hôm 23/8, khi cơn giận của ông trước quyết định đáp trả thuế quan của Bắc Kinh khiến thị trường chứng khoán rơi vào tình trạng hỗn loạn và gây ra lo ngại cực độ về sự bế tắc với Trung Quốc.

Liên tục đổi giọng
Ngày 25/8, ông Trump dường như cho thấy ông hối hận về cuộc đấu tay đôi thương mại của mình với Trung Quốc trong bối cảnh lo ngại về tác động kinh tế của nó trên toàn cầu.

“Tôi có thể suy nghĩ lại về mọi thứ”, ông nói. Điều này khiến các nhà phê bình hy vọng tổng thống đang cố gắng để lại khoảng trống chính trị để xuống thang xung đột.

Tuy nhiên, ông Trump, người ghét bị dồn vào chân tường hoặc tỏ ra xuống nước, sau đó đã cử các trợ lý nói ngược lại rằng ông chỉ hối tiếc đã không cứng rắn hơn với Trung Quốc.

Sau đó, hôm 26/8, trong cuộc trao đổi với các phóng viên, ông Trump quay lại giọng điệu mềm mỏng hơn.

Phát biểu tại Pháp, ông nói rằng “Trung Quốc đã gọi điện tối qua” để bày tỏ mong muốn trở lại đàm phán. Ông mô tả các cuộc điện đàm là “hiệu quả”.

“Chúng ta hãy quay trở lại bàn”, ông Trump mô tả thông điệp từ Bắc Kinh.

“Họ muốn đạt được một thỏa thuận. Họ muốn trấn tĩnh. Đó thực sự là điều tuyệt vời”, ông nói.

Tuy nhiên, sau đó 24 giờ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn nói ông “không biết gì” về cuộc gọi trên.

Ba ngay TT Trump o Phap, ba ngay Nha Trang chay theo 'sua' phat ngon hinh anh 2
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Anh Boris Johnson tham dự phiên làm việc trong hội nghị thượng đỉnh G7 tại Biarritz, tây nam nước Pháp. Ảnh: AP.

Cuộc đối đầu càng tồi tệ, người tiêu dùng Mỹ càng chịu nhiều tác động khi đối mặt với giá cả nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc tăng lên. Các hàng hóa này bao gồm quần áo, điện thoại thông minh và các mặt hàng công nghệ khác đã thay đổi cuộc sống hiện đại kể từ khi Mỹ đưa người khổng lồ đang trỗi dậy của châu Á vào hệ thống thương mại thế giới gần hai thập kỷ trước.

Bất chấp lo ngại tăng cao bên ngoài nước Mỹ rằng cuộc chiến thương mại có thể làm suy yếu sự tăng trưởng toàn cầu vốn đã run rẩy, tổng thống Mỹ khăng khăng rằng ông sẽ không nhún nhường dù các đồng minh có gây áp lực thế nào về Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh.

“Tôi nghĩ rằng họ tôn trọng cuộc chiến thương mại. Nó phải xảy ra”, ông nói.

Nhà Trắng nỗ lực chữa lời tổng thống

Sự xáo trộn trong thông điệp của chính quyền đối với Trung Quốc cũng được thể hiện rõ qua những nỗ lực từ các quan chức của ông Trump trong chương trình truyền hình hôm 25/8 nhằm làm dịu đi sự náo động trong vài ngày qua.

Trong chương trình “State of Union” của CNN, cố vấn kinh tế hàng đầu của Nhà Trắng Larry Kudlow lập luận rằng tổng thống đã nghe nhầm câu hỏi từ phóng viên rằng liệu ông có suy nghĩ lại về Trung Quốc hay không.

“Thực ra điều ông ấy định nói là ông ấy luôn có suy nghĩ thứ hai và thực sự có suy nghĩ thứ hai về khả năng đáp trả thuế quan cao hơn đối với Trung Quốc”, ông Kudlow nói.

Ông Kudlow cũng nhấn mạnh rằng những gì mà Thủ tướng Anh Boris Johnson gọi là lời chỉ trích “giống như con cừu yếu ớt” về cuộc chiến thuế quan đã được đưa ra khỏi bối cảnh – ngay cả khi nó được ghi lại trên video.

Ba ngay TT Trump o Phap, ba ngay Nha Trang chay theo 'sua' phat ngon hinh anh 3
Thủ tướng Anh Boris Johnson gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump để  hội đàm song phương trong hội nghị thượng đỉnh G7 ở Biarritz, Pháp, ngày 25/8. Ảnh: Reuters.

Nhận xét của ông Johnson dường như rõ ràng và mâu thuẫn với quan điểm của ông Trump rằng ông giành được sự ủng hộ rộng rãi cho lập trường thương mại của mình.

“Chúng tôi ủng hộ hòa bình thương mại trên toàn cầu, hãy giảm cường độ xuống nếu có thể”, ông Johnson nói.

Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin khẳng định với các phóng viên ở Pháp rằng ông và các quan chức khác không “dọn dẹp” những phát biểu của ông Trump về Trung Quốc.

“Tôi muốn nói rõ rằng khi chúng tôi thấy lời của tổng thống được đưa tin như thế nào, Nhà Trắng đưa ra tuyên bố để làm cho mọi thứ thật rõ ràng”, ông Mnuchin nói.

Cơn giận chống lại Trung Quốc

Nghi ngại về sự nhất quán của chính quyền đối với chính sách kinh tế và thông điệp của họ là lý do một số chuyên gia sợ rằng chính quyền không đủ nguồn lực để xử lý suy thoái, nếu nó thành hiện thực.

Cuộc chiến thương mại ngày càng sâu sắc với Trung Quốc diễn ra vào thời điểm căng thẳng đối với chính quyền với tốc độ tăng trưởng chậm lại ở châu Âu và một số chỉ số cho thấy Mỹ có thể trải qua sự giảm tốc.

Ba ngay TT Trump o Phap, ba ngay Nha Trang chay theo 'sua' phat ngon hinh anh 4
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói chuyện với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong khi chụp ảnh ở hội nghị G7 tại Biarritz, Pháp. Ảnh: AP.

Một cuộc suy thoái có thể là thách thức chính trị đối với tổng thống trong năm bầu cử, một lý do khiến ông quở trách FED vì cắt giảm lãi suất đáng kể để kích thích nền kinh tế.

Tuy nhiên, đồng thời, tổng thống khẳng định không cần phải hoảng sợ và nền kinh tế sau một thập kỷ mở rộng và tỷ lệ thất nghiệp thấp lịch sử không gặp khó khăn gì.

Có nhiều dấu hiệu đáng lo ngại hơn về nền kinh tế. Trong cuộc thăm dò CBS do YouGov thực hiện vào ngày 25/8, chỉ 38% những người được hỏi nói rằng họ cảm thấy lạc quan về tương lai của nền kinh tế Mỹ và 54% cho rằng ông Trump cố gắng làm cho nền kinh tế trông có vẻ tốt hơn thực tế.

Trong khi ông Trump vẫn có sự ủng hộ đa số (53%) cho việc xử lý nền kinh tế trong cuộc thăm dò ý kiến, chỉ 25% những người được hỏi nói rằng họ tin rằng việc xử lý thương mại của ông với Trung Quốc sẽ thực sự hiệu quả.

Cùng với việc vùi dập FED, trong những ngày gần đây, ông Trump cũng cáo buộc giới truyền thông nói xấu nền kinh tế để làm tổn thương ông.

“Mọi người muốn suy thoái vì họ nghĩ có lẽ đó là cách để loại bỏ Trump”, ông Trump nói với các phóng viên ở Pháp.

Sau đó, trong một tweet được gửi từ địa điểm hội nghị thượng đỉnh G7 ở Biarritz, tổng thống tuyên bố ông không phải là người duy nhất không thích báo chí Mỹ.

“Câu hỏi mà tôi được hỏi nhiều nhất hiện nay bởi các nhà lãnh đạo thế giới, những người nghĩ rằng Mỹ đang làm rất tốt và mạnh mẽ hơn bao giờ hết, là ‘Ngài Tổng thống, tại sao truyền thông Mỹ ghét đất nước của ông đến vậy? Tại sao họ lại muốn nó sụp đổ'”, ông viết.

Ngọc Hoàng

Đọc nhiều