Ba năm phát triển với hàng loạt dự án ma của Alibaba
Mạng lưới của Địa ốc Alibaba phát triển thần tốc chỉ sau 3 năm ra mắt với quy mô 2.500 nhân viên. Doanh nghiệp này tự cho biết có gần 30.000 sản phẩm bất động sản.
Trước những hoạt động bất thường của doanh nghiệp có tên Công ty cổ phần địa ốc Alibaba, cơ quan chức năng nhiều tỉnh như Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu đưa ra nhiều cảnh báo khẩn về hoạt động của hệ thống này.
Trong khi đó, Địa ốc Alibaba vẫn rao bán và cam kết khoản đầu tư siêu lợi nhuận trên thị trường đất nền.
Ba năm phát triển “thần kỳ”
Gần 2 năm kể từ thời điểm Địa ốc Alibaba bị điều tra, doanh nghiệp không những không suy yếu mà còn phình to với tốc độ nhanh chóng.
Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba đã đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 5/5/2016 với vốn điều lệ chỉ 1 tỷ đồng. Ngày 3/12/2016, công ty này đăng ký thay đổi lần thứ 1 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Tiếp đến 26/9/2017, khi đăng ký thay đổi lần thứ 3, vốn điều lệ lên đến 1.600 tỷ đồng, góp vốn bằng tiền mặt. Như vậy, chỉ trong vòng 1 năm, công ty đã tăng mức vốn điều lệ lên đến 1.600 lần.
Công ty có 3 cổ đông gồm ông Nguyễn Thái Lĩnh (Giám đốc) là đại diện pháp luật, góp 10% vốn điều lệ; ông Nguyễn Thái Luyện góp 80% vốn điều lệ; bà Võ Thị Thanh Mai, góp 10% vốn điều lệ.
Ngoài ra, theo thông tin được công ty quảng cáo trên website, dự kiến cuối năm 2019 sẽ bước lên sàn chứng khoán và nâng mức vốn điều lệ lên đến 5.600 tỷ đồng. Nếu kế hoạch diễn ra đúng như dự định, vốn điều lệ của Địa ốc Alibaba sẽ tăng 5.600 lần chỉ trong vòng 3 năm 3 tháng.
Hiện nay, doanh nghiệp này cho biết đang có 24 công ty con với nhiều tên gọi khác nhau, đội ngũ nhân viên khoảng 2.600 người.
Dự án “ma” ở nhiều tỉnh thành
Toàn bộ 45 cái được doanh nghiệp gọi là “dự án” lớn được Địa ốc Alibaba trải dài trên nhiều tỉnh thành khu vực phía Nam, đặc biệt là ở Đồng Nai, Bà Rịa – Vùng Tàu, Bình Thuận hay TP.HCM.
Cuối năm 2017, Alibaba rao bán dự án ảo Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi với giá chỉ 5,5 triệu đồng/m2, bằng 50% so với thị trường thời điểm này.
Chỉ riêng trong địa bàn tỉnh Đồng Nai, doanh nghiệp này đã rao bán đến 29 dự án, trong đó 27 dự án tại huyện Long Thành (nơi xây sân bay Long Thành), 1 dự án ở huyện Xuân Lộc và 1 dự án ở huyện Nhơn Trạch.
Công ty này thậm chí còn cam kết chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất thổ cư để bán cho khách hàng. UBND tỉnh Đồng Nai đã nhiều lần công bố tỉnh chưa cấp phép bất kỳ dự án khu dân cư nào cho Địa ốc Alibaba, nhưng công ty này vẫn ngang nhiên rao bán đất nền “ảo” trên website.
Tại xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu), Địa ốc Alibaba đã rao bán đất nền trên diện tích tổng thể 5 ha. Khu đất với tên gọi “Dự án Alibaba Tân Thành Center City 5” không nằm trong quy hoạch, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất… nhưng vẫn tự làm hạ tầng, phân lô, rao bán nền.
Cũng thuộc thị xã Phú Mỹ, khu đất nông nghiệp chưa chuyển đổi được công ty này gọi là “dự án Alibaba Tân Thành Center City” tại xã Đông Xoài do ông Nguyễn Thái Lực đứng tên đã thu hút nhiều người dân xuống tiền mua. Ngoài ra, tại xã Châu Pha, Địa ốc Alibaba cũng rao bán khu đất nông nghiệp rộng 10 ha với đầy đủ đường nhựa, hạ tầng.
Một sản phẩm khác của công ty ở thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân (Bình Thuận) mang tên Khu đô thị sinh thái Ali Venice City thực chất chỉ là một trang trại có diện tích 200 ha.
Trước đó, nói với PV, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường, phân tích: “Tất cả dự án của Alibaba đều được tự xưng và mở bán trái pháp luật khi không có sự phê duyệt, cấp phép. Các mảnh đất vẫn đứng dưới tên của nhiều cá nhân mà không thuộc sở hữu của công ty này”.
Bị khởi tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Cuối tháng 8 vừa qua, Công an tỉnh Đồng Nai đã có báo cáo về hoạt động của công ty này trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Công an tỉnh Đồng Nai khẳng định việc Công ty Alibaba tự nhận là chủ đầu tư, tự vẽ sơ đồ khu dân cư, phân lô bán nền không đúng hiện trạng thực tế. Doanh nghiệp cam kết ra sổ đỏ thổ cư 100% để bán cho khách hàng là sai quy định, có dấu hiệu lừa đảo khách hàng, vi phạm quy định về sử dụng đất đai.
Nhiều dự án của công ty này trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc cưỡng chế vi phạm.
Hồi tháng 6, khi UBND xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu cưỡng chế tại dự án “ma” Alibaba Tân Thành Center, một số nhân viên của công ty đã chống đối, đập phá phương tiện của cơ quan chức năng.
Nhận định về sự việc này, luật sư Trần Tấn Tài cho rằng việc dùng loa hò hét, lời lẽ kích động, lăng mạ, xúc phạm để nhằm mục đích cản trở, chống đối không cho đoàn cưỡng chế thực hiện nhiệm vụ của nhóm nhân viên Alibaba là hành vi vi phạm pháp luật.
Luật sư khẳng định nhóm người này đã có hành vi chống lại người thi hành công vụ theo quy định của Bộ luật Hình sự và phá hoại tài sản Nhà nước.
Ngày 18/9, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an phối hợp với Công an TP.HCM đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam Chủ tịch HĐQT Alibaba Nguyễn Thái Luyện và Giám đốc Nguyễn Thái Lĩnh (em trai ông Luyện) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo kết quả của Công an TP.HCM, ông Nguyễn Thái Lĩnh cùng đồng phạm đã lập Công ty địa ốc Alibaba và các công ty thành viên ở nhiều tỉnh phía Nam rồi tự vẽ các dự án không có thật, chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án… để huy động tiền làm dự án.
(Theo Zing News)