439
category
589575

Ba mặt nạ vàng dưới mộ cổ ở đảo Long Sơn được công nhận là bảo vật cấp quốc gia

14/02/2022 12:04

Ba mặt nạ bằng vàng độc đáo được tìm thấy dưới các ngôi mộ 2.000 năm trước ở đảo Long Sơn, vừa được công nhận bảo vật quốc gia.

Hơn 20 năm trước, người dân trong lúc đào lấy cát ở thôn 3, xã đảo Long Sơn (TP Vũng Tàu) nhặt được 2 vòng đeo tay, một số mảnh gốm nên báo với chính quyền và cơ quan chuyên môn. “Qua kinh nghiệm nghề nghiệp, chúng tôi nhận định đây có thể là di tích quan trọng vì chỉ mộ táng mới có những hiện vật nguyên vẹn”, tiến sĩ Trương Đắc Chiến, nghiên cứu viên Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam, kể.

Hai mặt nạ vàng được tìm thấy ở Giồng Lớn Long Sơn. Ảnh: Bảo tàng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cung cấp

Sau cuộc khảo sát, bản đồ di tích Giồng Lớn Long Sơn được xác định ở khu vực cồn cát cao khoảng 3-4 m, rộng chừng 100 m, trong vùng sinh thái ngập mặn kéo dài khoảng một km, cách bờ biển khoảng một km. Vào năm 2003 và 2005, Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam hai đợt khai quật trong phạm vi 544 m2, tìm thấy 80 mộ táng, trong đó 72 mộ đất và 8 mộ nồi. Trong nhóm mộ đất, có ba mộ được chôn theo một chiếc mặt nạ bằng vàng.

Ba mặt nạ đều hình chữ nhật kích thước lần lượt: dài 4,5 cm, rộng 10,9 cm; 6 cm, 9,7 cm; 9,1 cm, 7,5 cm được tìm thấy trong các ngôi mộ không còn dấu vết hài cốt, phát lộ ở độ sâu 0,8-1,2m. Chúng gần như nguyên vẹn, được in nổi hình đôi mắt mở to, lông mày, sống mũi khá rõ, các góc đục lỗ… Trong đó, một mặt nạ được dập nổi khuôn mặt người hoàn chỉnh.

Ba hiện vật làm bằng vàng sa khoáng, với tỷ lệ vàng 75-96%, được chế tác tinh xảo bằng kỹ thuật chạm nổi. Sau khi miếng vàng được dát mỏng, người thợ phát họa những nét cơ bản của khuôn mặt ở phần phía sau của mặt nạ. Mặt trước chạm theo nét đã phác họa trước đó.

“Các mặt nạ là đồ tùy táng mang ý nghĩa biểu tượng, tâm linh thể hiện vị thế của chủ nhân ngôi mộ. Họ có thể có vị trí cao quý hay thủ lĩnh trong cộng đồng đương thời”, tiến sỹ Chiến nhận định.

Quá trình khai quật cũng tìm thấy hàng trăm hiện vật quý hiếm như khuyên tai, hạt chuỗi, lá vàng, mô hình dương vật bằng vàng, đồ gốm, công cụ, vũ khí… Các nhà khảo cổ nhận định rằng các ngôi mộ này nằm trong khung niên đại từ thế kỷ I trước Công nguyên đến thế kỷ II sau Công nguyên.

Mặt nạ vàng thứ ba dập nổi khuôn mặt người hoàn chỉnh (full-face mask). Ảnh: Bảo tàng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cung cấp

“Hiện vật ở Giồng Lớn Long Sơn là bộ sưu tập độc đáo. Trong khung niên đại cách đây 2.000 năm, đây là di tích có đồ vàng phong phú và loại hình đặc biệt nhất, tiêu biểu là ba mặt nạ vàng”, ông Chiến nói và cho biết, khoảng thời gian trên, ở Việt Nam có một số di tích phát hiện đồ tùy táng bằng vàng ở miền Trung hay Nam Bộ, nhưng kích thước nhỏ, chủ yếu là hạt chuỗi và khuyên tai.

Trên bình diện Đông Nam Á, các tài liệu khảo cổ học cho thấy, từ đầu Công nguyên đến thế kỷ XV, việc chôn theo mặt nạ là một phong tục khá phổ biến ở vùng hải đảo trên một phạm vi rộng lớn ở Indonesia, Malaysia và Philippines, song thực chất là các lá vàng đậy trên mặt người chết.

Cũng theo ông Chiến, di chỉ Giồng Lớn Long Sơn có vị trí nổi bật trong quá trình hình thành văn hóa Óc Eo ở vùng ven biển Đông Nam Bộ. Đây là cầu nối về mặt không gian giữa luồng thương mại trên biển với các vùng dân cư nội địa, vừa là gạch nối thời gian, khẳng định sự phát triển liên tục của thời đại đồ sắt ở khu vực này lên văn hóa Óc Eo.

Hiện vật tùy táng gồm bình đất nung, dao, đục sắt, vòng đá đeo tay được tìm thấy ở Giồng Lớn Long Sơn được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ảnh: Trường Hà

Dự kiến, ba mặt nạ vàng được Bảo tàng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ra mắt công chúng trong tháng này.

Khai Tâm

Tags :
Đọc nhiều