Ba Lan đã khiến NATO chia rẽ, Mỹ “tự bắn vào chân”?

Huy Hoàng 11/03/2022 09:47

Hôm 8/3, Bộ Ngoại giao Ba Lan bất ngờ phát đi thông báo nước này đã chuẩn bị sẵn sàng để vận chuyển tất cả máy bay chiến đấu MiG-29 đến Căn cứ Không quân Ramstein của Mỹ ở Đức và giao chúng cho quân đội Mỹ toàn quyền quyết định.

Máy bay MiG-29 của Không quân Ba Lan.

Trước đó một ngày, Mỹ đã hối thúc Ba Lan nhanh chóng giao số máy bay MiG-29 sản xuất từ thời Liên Xô cho Ukraine khi Tổng thống Volodymyr Zelensky kêu gọi phương Tây nhanh chóng chuyển giao máy bay chiến đấu cho quân đội Ukraine trong bối cảnh bị Nga áp đảo hoàn toàn về không lực. Cuộc thảo luận giữa Mỹ và các đồng minh đã diễn ra ngay sau đó, và phía Mỹ thống nhất sẽ kêu gọi Ba Lan hỗ trợ Ukraine các dòng tiêm kích MiG-29 từ thời Liên Xô.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi phương Tây nhanh chóng chuyển giao máy bay chiến đấu cho quân đội Ukraine trong một cuộc gọi Zoom.

MiG-29 là dòng máy bay tiêm kích thế hệ thứ tư do Liên Xô sản xuất, nó có thiết kế gần gũi với các dòng tiêm kích Sukhoi-27 và Sukhoi-25, loại chiến đấu cơ mà các phi công Ukraine có thể sử dụng ngay, không cần phải mất thời gian huấn luyện. Phía các chuyên gia Ukraine cho biết quân đội Ukraine có thể sử dụng thành thạo máy bay do Nga sản xuất, do đó MiG-29 là lựa chọn tốt nhất. Trong khi đó, việc đào tạo phi công điều khiển máy bay do Mỹ sản xuất có thể mất nhiều năm.

Thế nhưng, hiện nay chỉ có một vài nước Đông Âu thuộc khối Hiệp ước Warszawa trước đây (khối liên minh phòng thủ của các nước xã hội chủ nghĩa) là còn giữ các chiến đấu cơ MiG-29 có từ thời Liên Xô. Trong đó, Ba Lan lại đang sở hữu khoảng 30 chiếc MiG-29, nhưng theo báo chí nước này, chỉ có 23 chiếc có thể tham gia tác chiến. 23 chiếc dù đúng là không nhiều, song với Ukraine giờ đây cũng là quá đủ.

MiG-29 của Ukraine tại căn cứ quân sự ở Vasylkiv, cách Kiev khoảng 40km. Ảnh chụp tháng 8/2016.

Ba Lan lại rất gần với Ukraine, vậy nên Mỹ mới kêu gọi họ nhanh chóng ra tay cứu nguy cho Kiev. Thậm chí, Mỹ còn nôn nóng hối thúc Ba Lan, hứa sẽ đổi các chiến đấu cơ thế hệ mới của mình nếu Ba Lan chuyển giao ngay dàn tiêm kích MiG-29 cũ kỹ cho Ukraine.

Mỹ hối, Ba Lan nói “tự làm”

Trái với mong đợi của Washington, Bộ Ngoại giao Ba Lan ngày 10/3 lại thông báo: “Chính quyền nước Cộng hòa Ba Lan đã sẵn sàng triển khai – ngay lập tức và miễn phí – tất cả các máy bay phản lực MiG-29 đến Căn cứ Không quân Rammstein và đặt chúng dưới sự quản lý của chính phủ Mỹ.”

Điều này có nghĩa là Mỹ sẽ có quyền đứng ra thay Ba Lan chuyển toàn bộ dàn tiêm kích MiG-29 tới Ukraine. Động thái đó đã khiến Mỹ “nín thở” vì bất ngờ. Ngay lập tức, giới chức ngoại giao nước Mỹ bị kẹt vào một tình huống cực kỳ khó xử: Nhận cũng không được, từ chối cũng chẳng xong. Bởi Mỹ là nước kêu gọi mạnh mẽ nhất, giờ nếu Mỹ trực tiếp chuyển các chiến đấu cơ MiG-29 sang Ukraine, thì cuộc chiến Mỹ – Nga ngay lập tức sẽ được châm ngòi và Trung Quốc sẽ tiếp tục “ngư ông đắc lợi”. Nhưng nếu không đưa, Mỹ sẽ chẳng còn thể diện nào…

Bộ Quốc phòng Nga đã nhiều lần cảnh báo rằng chỉ cần các quốc gia dám cung cấp sân bay cho Ukraine thôi – chứ chưa nói đến việc cử máy bay chiến đấu – thì cũng đã bị Moskva coi như là đã tham gia vào cuộc xung đột.

Cuối cùng, trong một thông cáo sau đó, Phát ngôn viên của Lầu Năm Góc John Kirby cho biết Mỹ đã bác bỏ đề nghị của Ba Lan. Ông Kirby cho biết: “Cộng đồng tình báo (Mỹ) đã nói với chúng tôi rằng việc chuyển giao các máy bay MiG-29 cho Ukraine có thể bị nhầm là hành động leo thang và dẫn đến phản ứng đáng kể của Nga, từ đó có thể làm tăng khả năng leo thang quân sự với NATO.

… Do đó, chúng tôi cũng đánh giá rằng việc chuyển giao các máy bay MiG-29 cho Ukraine là một việc rủi ro cao.”

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho biết Mỹ đã bác bỏ đề nghị của Ba Lan.

Người phát ngôn Mỹ từ chối cung cấp lý do gì đã dẫn đến sự đánh giá của tình báo Mỹ, mà chỉ khẳng định rằng đề xuất của Ba Lan là “không phù hợp”.

Mỹ “quay xe”, dư luận bất bình, bởi nếu đã biết rủi ro vì sao lại còn hối thúc Ba Lan? Bất ngờ nay lại hóa dỗi, nhưng không còn cách nào khác. Mỹ đã cố nén cơn đau để “tự bắn vào chân mình”: Thà mất một chút uy tín còn hơn làm leo thang chiến sự trực tiếp với Nga.

Bằng cách giao “miễn phí’ dàn tiêm kích cho Mỹ, Ba Lan đã giảm thiểu nguy cơ bị Nga trả đũa trực tiếp và né được cảnh bị “người khác gắp lửa bỏ vào tay”. Các tiêm kích MiG-29 sẽ vì thế mà cất cánh từ một căn cứ không quân ở Đức như tài sản chính thức của Mỹ.

“Tình nghĩa anh em” khối NATO rạn nứt vì phép thử của Ba Lan

Sau khi phát đi thông báo trên, Ba Lan cũng kêu gọi các thành viên NATO khác, những nước có sở hữu máy bay cùng loại như MiG-29 cũng nên “làm điều tương tự”.

Sau Mỹ, tình đoàn kết của khối NATO cũng bị Ba Lan đưa ra làm “phép thử” và dĩ nhiên chẳng mấy ai dám làm. Trong khối NATO, Bulgaria và Slovakia là hai quốc gia thành viên vẫn sử dụng các máy bay chiến đấu do Liên Xô sản xuất trong lực lượng không quân của họ. Nhưng trước đó, Bulgaria và Slovakia cũng khẳng định họ sẽ không tham gia bất kỳ thỏa thuận nào, liên quan đến việc cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine.

Trong cuộc họp báo tại Oslo (thủ đô của Na Uy) tối hôm 8-3, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã tuyên bố: “Bất kỳ quyết định nào về việc chuyển giao vũ khí tấn công đều phải được toàn bộ khối NATO đưa ra dựa trên nguyên tắc nhất trí của các nước thành viên.”

Ông cũng khẳng định: “Chúng tôi sẵn sàng giao cho Ukraine toàn bộ phi đội máy bay tiêm kích của mình. Nhưng chúng tôi không sẵn sàng làm điều đó một mình, bởi vì như tôi đã nói, chúng tôi không tham gia vào cuộc chiến này.”

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki.

Nhiều trang báo quốc tế đã dùng từ “núp bóng NATO” để chỉ trích Ba Lan, bêu rếu rằng chính phủ Ba Lan vì lo sợ sẽ bị Nga xem là một bên tham chiến mà không dám một mình chuyển giao chiến đấu cơ cho Ukraine. Thế nhưng, thực tế là ngay cả Mỹ cũng không dám làm thế, thì Ba Lan nào dám “đơn mã độc đấu”.

Là một thành viên chủ chốt của NATO ở phía đông, lại nằm sát sườn với Ukraine, Ba Lan hiểu rất rõ là họ đang bị ai để mắt tới. Các dàn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân của Nga đã định vị sẵn sàng tọa độ. Người dân và chính phủ Ba Lan rõ ràng không muốn dại dột biến mình thành mục tiêu hạt nhân “đỡ đạn” cho Mỹ.

Trong cuộc họp báo tại Oslo, Thủ tướng Morawiecki cũng đã gửi thông điệp rõ ràng tới Mỹ rằng: “Quyền quyết định chuyển giao các phi cơ Ba Lan cho Ukraine hay không, là hoàn toàn thuộc về chính phủ Ba Lan.”

Có thể nói lần này Ba Lan đã làm một phép thử đanh thép với đồng minh. Với Mỹ là khiến họ loay hoay tìm cách biện minh cho hành động “xúi dại” của mình. Còn với NATO, hành động của Ba Lan đã khiến mối liên kết giữa các thành viên của khối bị rạn nứt đáng kể.

Nhiều nước thành viên NATO đang dần thay đổi cách tiếp cận của mình. Họ đứng ngoài cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine bất chấp lời kêu gọi đáp trả mạnh mẽ của Mỹ. Nhiều quốc gia nội khối dường như đang hành động vì lợi ích của chính mình nhiều hơn là tuân theo răm rắp sự chỉ đường của Mỹ như trước đây. Chính điều ấy đang ăn mòn khối quân sự NATO từ bên trong, phá vỡ con át chủ bài của Mỹ. Sau ngần ấy năm kể từ sau Chiến tranh lạnh, Mỹ giờ đây dường như đang “hụt hơi” trong việc dẫn dắt thế giới.

Huy Hoàng

Đọc nhiều