128036
category
559189

Bà Hằng có hành vi bịa đặt, vu khống người khác thì bị xử phạt thế nào?

19/10/2021 07:33

Làm việc với cơ quan điều tra Công an TP.HCM sáng 18/10, bà Nguyễn Phương Hằng cùng luật sư của mình xác nhận bản thân không bị ông Võ Hoàng Yên và nhóm luật sư hành hung. Xét về tội bịa đặt thông tin, vu khống người khác, bà Hằng có thể bị xử lý ra sao?

Bà Hằng cho rằng mình bị hành hung ở cơ quan Công an TP.HCM trong buổi livestream chiều 17-10 – Ảnh: Chụp màn hình

Tối 18.10, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho biết đã nhận đơn của luật sư (LS) Lê Thành Kính đề nghị xác minh, xử lý việc bà Nguyễn Phương Hằng (50 tuổi, ngụ P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM; Tổng giám đốc, Phó chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Đại Nam) vu khống ông hành hung bà.

Theo LS Lê Thành Kính, sự việc đã ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, danh dự của bản thân và công ty luật nên đã gửi đơn đến Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM.

Công an phản bác thông tin bà Nguyễn Phương Hằng tố “bị hành hung” Trong đơn gửi công an, LS Lê Thành Kính trình bày: Ngày 16.10, ông cùng các đồng nghiệp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Võ Hoàng Yên đã có mặt tại Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM theo yêu cầu để làm việc từ 8 giờ 30 đến 14 giờ 30. Nội dung làm việc liên quan đến yêu cầu đối chất giữa bà Nguyễn Phương Hằng, vợ của ông Huỳnh Uy Dũng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đại Nam và ông Võ Hoàng Yên về việc bà Hằng tố cáo ông Yên lừa đảo. Buổi làm việc có sự có mặt của điều tra viên và LS của bà Hằng.

Theo đơn gửi Công an TP.HCM của LS Lê Thành Kính, khi bà Nguyễn Phương Hằng có những lời lẽ xúc phạm, nhục mạ ông Yên, với tư cách là LS, ông và đồng nghiệp đã có ý kiến và yêu cầu điều tra viên tạm ngưng buổi làm việc và yêu cầu bà Hằng chấm dứt việc chửi bới, xúc phạm này.

Sự việc diễn ra còn có sự chứng kiến của ông Huỳnh Uy Dũng, chồng của bà Hằng. Điều tra viên cũng đã yêu cầu bà Hằng không được sử dụng những lời lẽ chửi bới, xúc phạm, tuân thủ quy định của pháp luật. Sau đó, bà Hằng vẫn tiếp tục chỉ trích, xúc phạm đến ông, ông Yên và các đồng nghiệp của ông… Toàn bộ sự việc này xảy ra trước khi buổi đối chất bắt đầu

Sau đó, từ thời điểm bắt đầu buổi đối chất cho đến khi kết thúc buổi đối chất, các bên đều tuân thủ các quy định của pháp luật và các bên đã ký vào biên bản làm việc dưới sự giám sát và điều hành của hai điều tra viên.

Cũng theo LS Kính, ông và đồng nghiệp không có bất kỳ một hành vi nào không phù hợp với quy định của pháp luật và đặc biệt không có hành vi nào hành hung hay xúc phạm danh dự, nhân phẩm của bất kỳ ai tại buổi làm việc này.

Thế nhưng, vào ngày 17.10, bà Nguyễn Phương Hằng đã phát sóng trực tiếp (livestream) nói rằng ông Kính hành hung bà tại trụ sở công an.

LS Kính nêu trong đơn, việc bà Hằng thông tin như vậy ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân ông, ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến uy tín CQĐT.

Ông cho rằng sự việc cần được xác minh làm rõ để xử lý nghiêm khắc, triệt để.

Bà Hằng tố luật sư hành hung mình trong một buổi livestream

Tranh cãi nảy lửa khi vợ chồng đại gia Dũng “lò vôi” gặp ông Võ Hoàng Yên Cũng trong chiều 18.10, Công an TP.HCM đưa ra thông tin về vụ việc này là không có việc bà Nguyễn Phương Hằng bị hành hung khi làm việc tại trụ sở Phòng Cảnh sát Hình sự – Công an TP.HCM. Sáng cùng ngày, CQĐT đã làm việc và bà Nguyễn Phương Hằng cùng LS của bà cũng đã xác nhận việc này. Hiện công an đang tiếp tục điều tra vụ việc theo đúng quy định pháp luật.

Hành vi vu khống người khác bị xử lý thế nào?

Những hành vi như bịa đặt chuyện xấu cho người khác, hư cấu những chuyện không có thật, loan truyền điều biết rõ là vu oan cho người khác, bịa đặt chuyện người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan nhà nước… được xem là vu khống.

Hành vi này có thể thực hiện thông qua hình thức truyền miệng, viết bài, gửi đơn hoặc thư tố giác, nặc danh. Hậu quả là nạn nhân mất uy tín, danh dự hoặc bị thiệt hại về quyền và lợi ích hợp pháp.

Điều 122 Bộ luật Hình sự quy định, người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm (khoản 1).

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 1 đến 10 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm (khoản 3).

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, theo điều 611 Bộ luật Dân sự, người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác có trách nhiệm bồi thường các khoản chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế mà người bị vu khống bị mất hoặc giảm sút; ngoài ra phải bồi thường khoản tiền khác (do các bên thỏa thuận) để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

An Nguyễn

Đọc nhiều