Ba cam kết của Thủ tướng với nhà đầu tư nước ngoài
Luôn bảo vệ quyền lợi và đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn khi đầu tư tại Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nói như vậy khi chủ trì Hội nghị gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, với chủ đề “Đồng hành và phát triển” ngày 16-10.
Tạo thuận lợi và môi trường đầu tư an toàn
Để trả lời cho câu hỏi Việt Nam sẽ tiếp tục làm gì để thực hiện các cam kết và đồng hành cùng các nhà đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, có tính cạnh tranh cao để cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư hiệu quả, lâu dài, bền vững tại Việt Nam.
Thủ tướng chủ trì Hội nghị với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài
Theo đó, Thủ tướng nêu ba cam kết với nhà đầu tư: Đó là việc luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư trong bất cứ trường hợp nào; Luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài bảo đảm lợi ích, hoạt động ổn định lâu dài ở Việt Nam trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Ba là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự nhưng xử lý những người làm sai, vi phạm pháp luật để bảo vệ người làm đúng, tạo môi trường, hệ sinh thái sản xuất, kinh doanh công khai, minh bạch, bình đẳng, lành mạnh và bền vững.
Trước đó, nhiều nhà đầu tư đã có những kiến nghị trực tiếp tới Thủ tướng.
Bà Vũ Thị Hương Giang – giám đốc đối ngoại khu vực Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Tập đoàn Nike – kỳ vọng Việt Nam tiếp tục ưu tiên phát triển bền vững là hàng đầu.
Đặc biệt khi gần đây Chính phủ thúc đẩy chương trình mua bán điện trực tiếp với khách hàng.
Chính phủ đầu tư mạnh vào đào tạo trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, quản trị, phát huy tốt kinh nghiệm đàm phán để thúc đẩy xuất khẩu….
Đầu tư hơn 2 tỉ USD vào Việt Nam, ông Minh Đỗ – giám đốc quốc gia Quỹ đầu tư Warburg Pincus – đề nghị Chính phủ có thể xem xét tháo gỡ vấn đề huy động vốn cho các ngân hàng Việt Nam để duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức cần thiết bằng cách tăng giới hạn sở hữu nước ngoài. Gắn với hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư như khách sạn Metropole Hà Nội hay dự án tích hợp Hồ Tràm Grand.
Kiến nghị sửa đổi chính sách tín dụng, phát triển nhân lực
Bà Lại Minh Thúy – giám đốc khối giải pháp tài chính và thương mại, Citibank – lại nêu ý kiến liên quan tới dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng. Theo đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cần được tiếp cận dễ dàng và hiệu quả với các khoản vay ngân hàng tại Việt Nam để thúc đẩy sản xuất và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.
Đồng thời, việc nâng cấp thị trường chứng khoán lên thị trường mới nổi (từ thị trường cận biên) sẽ mang lại nhiều nguồn vốn quốc tế đổ vào Việt Nam.
Bà Thúy kỳ vọng với quyết tâm và nỗ lực để nâng hạng thị trường, Chính phủ sẽ tích cực giải quyết những vấn đề tồn tại để Việt Nam sớm được nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với FDI toàn cầu, đại diện Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) khuyến nghị Việt Nam cần tập trung vào ngành chế tạo, đổi mới sáng tạo để thịnh vượng hơn và đối phó với một số tình huống khó lường.
Theo đó, ngành công nghệ thông tin cũng sẽ trở thành “đầu tàu” mới dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam phát triển. Vì vậy, cần có những thay đổi mạnh mẽ hơn về giáo dục, y tế, tài chính, cắt bỏ rào cản về luật pháp để tạo ra khuôn khổ mạnh mẽ hơn, thuận lợi hơn cho nhà đầu tư.
Ông Phùng Việt Thắng, đại diện Intel Việt Nam, cũng cho rằng cần có sự hỗ trợ của Chính phủ với nguồn nhân lực của ngành bán dẫn.
Ông Josh Williams, trưởng đại diện Tập đoàn Swire
Vấn đề nhân lực này không chỉ nằm ở năng lực của người kỹ sư, người lao động, mà còn cần cả một chính sách liên quan đến đào tạo nguồn cung sớm cho ngành bán dẫn.
Trước các ý kiến của doanh nghiệp, Thủ tướng một lần nữa khẳng định mong muốn và tin tưởng rằng các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục dành tình cảm, đặt niềm tin, hợp tác chặt chẽ, “luôn yêu quý Việt Nam như quê hương của mình”, với tinh thần đã hứa phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có hiệu quả, cân đong đo đếm được.
Cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là một tín hiệu tích cực cho cộng đồng kinh doanh quốc tế và là sự thể hiện của sự quyết tâm của nước này trong việc thu hút và duy trì đầu tư nước ngoài.
Việt Nam đang tập trung vào việc cải thiện môi trường kinh doanh và giảm bớt rào cản hành chính, điều này sẽ giúp thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cam kết không hình sự hóa quan hệ kinh tế và dân sự là một dấu hiệu rõ ràng của sự tôn trọng đối với các doanh nghiệp và sẽ giúp tạo nền tảng cho một môi trường kinh doanh công bằng và lành mạnh.
Ngoài ra, việc tập trung vào việc đào tạo nguồn nhân lực và thúc đẩy các ngành công nghiệp chiến lược như công nghệ thông tin có thể đánh dấu một sự đổi mới quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam. Những cam kết này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và giúp nước này phát triển bền vững trong tương lai.
Bích Vân