AUKUS và Nhật Bản cân nhắc việc tiến tới mối quan hệ mới
Mới đây, hàng loạt báo đài phương tây như Reuters, Guardian, New York Times… đồng loạt có bài viết đưa tin Anh, Mỹ và Úc đang xem xét vấn đề hợp tác với Nhật Bản thông qua khuôn khổ an ninh AUKUS, bất chấp những hạn chế về kiểm soát xuất khẩu của Mỹ gây khó khăn cho nỗ lực của các thành viên hiện tại.
Anh cho biết, quá trình tham vấn về hợp tác trong tương lai giữa 3 đối tác AUKUS và các quốc gia khác, trong đó có Nhật Bản, sẽ bắt đầu trong năm nay.
Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 10/4 tại Washington dự kiến sẽ bàn đến khả năng Nhật Bản tham gia các dự án “năng lực nâng cao” của AUKUS.
Tuy nhiên, các quan chức và chuyên gia cho rằng vẫn còn trở ngại do Nhật Bản cần triển khai các biện pháp phòng thủ mạng tốt hơn và quy định chặt chẽ hơn để bảo vệ bí mật.
AUKUS được 3 quốc gia gồm Mỹ, Anh, Úc thành lập từ năm 2021.
Trong trụ cột thứ nhất, các thành viên sẽ thiết kế và chế tạo tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân để trang bị cho Úc. Tuyên bố không đề xuất Nhật Bản sẽ tham gia vào phần này của hiệp ước.
Trụ cột thứ hai tập trung vào việc phát triển những năng lực tiên tiến và công nghệ chia sẻ trên nhiều lĩnh vực, bao gồm điện toán lượng tử, công nghệ dưới biển, siêu âm, trí tuệ nhân tạo và công nghệ mạng.
Trong tuyên bố chung do Chính phủ Anh công bố, Anh, Mỹ và Úc cho biết: “Nhận thấy sức mạnh của Nhật Bản và mối quan hệ đối tác quốc phòng song phương chặt chẽ với cả ba nước, chúng tôi đang xem xét hợp tác với Nhật Bản trong các dự án nâng cao năng lực AUKUS Trụ cột II”.
Tuyên bố cho biết, các thành viên AUKUS từ lâu đã xác định rõ ràng ý định đưa các quốc gia khác tham gia Trụ cột II và sẽ tính đến các yếu tố: Đổi mới công nghệ, tài chính, sức mạnh công nghiệp, khả năng bảo vệ đầy đủ dữ liệu và thông tin nhạy cảm cũng như tác động thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên khả năng hợp tác giữa Mỹ, Anh và Australia với Nhật Bản trong khuôn khổ AUKUS được đề cập. Tuy nhiên triển vọng Tokyo tham gia thỏa thuận này vẫn chưa rõ ràng.
Theo Financial Times, Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên AUKUS ra tuyên bố chung cho biết sẽ xem xét đưa Nhật Bản vào trụ cột thứ hai, là một phần của Thỏa thuận AUKUS tập trung vào công nghệ tiên tiến, từ trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán lượng tử đến năng lực dưới biển và vũ khí siêu thanh. Việc xem xét mối quan hệ hợp tác này với Tokyo dựa trên sức mạnh của Nhật Bản và quan hệ đối tác song phương chặt chẽ về quốc phòng giữa Nhật Bản với 3 nước thành viên AUKUS.
Trong một tuyên bố, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nhấn mạnh rằng: “Để đạt được mục tiêu xây dựng một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, Nhật Bản mong muốn tăng cường hợp tác nhiều hơn với Mỹ, Vương quốc Anh và Australia-những đối tác quan trọng về quốc phòng và an ninh”. Nhà lãnh đạo Nhật Bản đang có chuyến thăm Mỹ kéo dài 7 ngày, nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực quân sự với đồng minh Washington, đồng thời tăng cường liên kết trong nhiều lĩnh vực khác bao gồm lĩnh vực an ninh kinh tế, vũ trụ…
Trong khi đó, Anh, Australia và một số thành viên trong Chính phủ Mỹ cho rằng còn quá sớm để bổ sung đối tác cho AUKUS. Anh và Australia muốn bảo đảm 3 thành viên ban đầu có thể giải quyết được những thách thức khi hợp tác trong các dự án đòi hỏi chia sẻ thông tin bí mật cao. Reuters ngày 9-4 cho biết, Australia đã hạ thấp khả năng Nhật Bản có thể sớm tham gia AUKUS và lưu ý rằng bất kỳ sự hợp tác nào sẽ được thực hiện trên cơ sở từng dự án khi có sự thay đổi trong thỏa thuận về việc thêm thành viên mới.
Vài giờ sau khi các bộ trưởng AUKUS ra tuyên bố chung, Thủ tướng Australia Anthony Albanese nêu rõ Nhật Bản là đối tác thân thiết, song cho biết không có kế hoạch thêm thành viên thứ tư vào thỏa thuận. 3 nước sẽ xem xét hợp tác với Nhật Bản về các dự án công nghệ quân sự.
Một nguồn tin ngoại giao tiết lộ, Canberra lo ngại việc bổ sung thêm quốc gia thứ tư vào liên minh sẽ làm phức tạp và làm sao nhãng nhiệm vụ vốn đã khó khăn là mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Một phần của Thỏa thuận AUKUS nêu rõ Washington và London phải hỗ trợ Canberra xây dựng lực lượng tàu ngầm hạt nhân. Một quan chức Chính phủ Nhật Bản tiết lộ các cuộc thảo luận về việc Nhật Bản chính thức gia nhập liên minh có thể sẽ không được Australia hoặc Anh hoan nghênh cho đến khi các bên đạt được kết quả cụ thể từ AUKUS.
Ngay khi tin tức nổ ra, Trung Quốc bày tỏ sự quan ngại và phản đối trước các thông tin cho rằng Nhật Bản có thể hợp tác với Mỹ, Anh, Australia thông qua khuôn khổ hiệp định an ninh AUKUS.
“Bắc Kinh phản đối việc thành lập các vòng tròn nhỏ mang tính đối đầu trong khu vực. Nếu Nhật Bản hợp tác với các quốc gia AUKUS, đây sẽ là động thái đi ngược lại các hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân, đồng thời thúc đẩy chạy đua vũ trang ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tokyo nên rút kinh nghiệm từ lịch sử và thận trọng trong vấn đề an ninh khu vực”, bà Mao Ninh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.
Bảo Trâm