Asia Times: Tại sao Việt Nam lo lắng Biden nhiều hơn Trump

David Hutt 30/11/2020 15:41

Mới đây trang Asia Times đăng bài “Why Vietnam fears Biden as much as Trump” của tác giả David Hutt phân tích về phản ứng khôn ngoan của Việt Nam đối với cuộc bầu cử gây tranh cãi tại Mỹ. Dưới đây là lược dịch của Cánh Cò về bài phân tích khá sâu sắc này.

Chính quyền Biden sẽ không nhất thiết quay trở lại với chủ đề thao túng tiền tệ và thương mại khác do Trump khởi xướng. Hình AFP

Chính quyền của Biden có thể cũng cứng rắn như Trump về việc Việt Nam bị cáo buộc thao túng tiền tệ và hỗ trợ thương mại.

Việt Nam vẫn là một trong số ít quốc gia ở châu Á chưa chúc mừng ông Joe Biden về chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 3/11. Nhưng đã thể hiện một chút ngoại giao về quan điểm của Hà Nội đối với Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ. Và mong muốn của Việt Nam là không muốn chọc giận Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Donald Trump trong những tuần cuối cùng của ông khi còn tại nhiệm.

Tháng trước, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) thông báo đã mở cuộc điều tra về việc liệu Hà Nội có thực hiện thao túng tiền tệ, hỗ trợ thương mại, cũng như điều tra về cáo buộc xuất khẩu gỗ.

Đó là vào tháng 9, một cuộc điều tra của Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã kết luận rằng, Việt Nam đã thao túng tiền tệ liên quan đến việc hỗ trợ xuất khẩu lốp xe. Và tháng 11, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã áp dụng thuế chống trợ cấp sơ bộ đối với xuất khẩu lốp xe của Việt Nam, trị giá khoảng 470 triệu đô la Mỹ từ năm 2019.

Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross đã mô tả biện pháp này là “một bước tiến quan trọng đối với chương trình nghị sự thương mại “Nước Mỹ trên hết”, một chính sách được thúc đẩy bởi chính quyền Trump về việc giảm thâm hụt thương mại của Mỹ.

Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đã tăng từ 32 tỷ đô la vào năm 2016 (trước khi Trump nhậm chức) lên 49,4 tỷ đô la trong chín tháng đầu năm 2020, một trong những mức cao nhất thế giới.

Vào tháng 10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được cho là đã nói chuyện với một phụ tá của Tổng thống Trump rằng chính quyền Trump cần “đánh giá khách quan hơn về thực tế ở Việt Nam”.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cầm cờ Việt Nam khi đến dự cuộc họp tại Văn phòng Chính phủ ở Hà Nội vào ngày 27 tháng 2 năm 2019, Ảnh: Saul Loeb / AFP

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang tại Đại học Victoria của New Zealand nói, các cáo buộc thao túng tiền tệ là một “mối quan tâm lớn” đối với các nhà hoạch định chính sách Việt Nam vì “họ không có nhiều lựa chọn để giảm thâm hụt thương mại xuống mức đáng kể”.

Ông Giang nhận định thêm: “Điều tốt nhất mà Hà Nội có thể làm (để giảm thặng dư thương mại xoa dịu Hoa Kỳ) là tạo nhiều kênh liên lạc hơn với các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ, giải quyết hiệu quả các vấn đề thương mại và có thể mua các sản phẩm phù hợp hơn từ Hoa Kỳ và kêu gọi đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam nhiều hơn”.

Hà Nội đang đặt mục tiêu giữ vững tâm lý trong hai tháng tới và hy vọng rằng chính quyền Biden sẽ đảo ngược bất kỳ biện pháp trừng phạt nào mà chính quyền Trump có thể áp dụng trong những ngày cuối cùng tại nhiệm của ông. Và điều này có thể chỉ là mơ tưởng hoặc không thể.

Mặc dù hầu hết các nhà phân tích mong đợi chính quyền Biden bớt bận tâm đến thâm hụt thương mại song phương, nhưng những người được đề cử thực hiện chính sách đối ngoại cấp cao của ông Biden đã lên tiếng ủng hộ các biện pháp chống thao túng tiền tệ và “gian lận thương mại nước ngoài gây ra mối đe dọa cho việc làm của người Mỹ”.

Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Robert O’Brien, người đã đến thăm Hà Nội vào cuối tuần trước, đã nói với chính phủ Việt Nam rằng, họ cần ngừng lại các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất và mua một lượng lớn hàng hóa của Hoa Kỳ, theo theo chính sách của Washington thực hiện kể từ đầu năm 2017.

Trong cuộc phỏng vấn báo chí, ông O’Brien gợi ý rằng, việc giảm thặng dư thương mại “có thể là cơ sở” để đảo ngược quyết định áp thuế của Hoa Kỳ đối với xuất khẩu lốp xe của Việt Nam.

 

Trong năm đầu tiên đương nhiệm của Thổng thống Trump, các chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch nước lúc bấy giờ là ông Trần Đại Quang đã chứng kiến ​​các quan chức Việt Nam ký các hợp đồng hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trị giá hàng tỷ đô la.

Vào đầu năm 2019, bên lề cuộc đàm phán hòa bình vòng hai của Thổng thống Trump với Triều Tiên mà Hà Nội đăng cai tổ chức, hãng hàng không giá rẻ Vietjet của Việt Nam đã đồng ý mua thêm 100 máy bay 737 MAX từ hãng hàng không vũ trụ khổng lồ Mỹ Boeing, một thỏa thuận trị giá 12,7 tỷ USD.

Giáo sư Carl Thayer, tại Đại học New South Wales ở Úc cho biết, các thỏa thuận thực hiện năm 2017 là “tập hợp tất cả các loại thỏa thuận đã thực hiện trước đó và các thỏa thuận dự kiến ký kết của chuyến thăm trong một khung thời gian không rõ ràng, để đạt được một con số ấn tượng, nhằm làm hài lòng ông Donald Trump”.

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang cho rằng, một số hàng hóa Mỹ mua vào dịp này là cần thiết cho sự phát triển của Việt Nam, “nhưng chắc chắn, các thỏa thuận đó là làm thoải mãn cách tiếp cận thương mại của Tổng thống Trump nhiều hơn”.

Thực tế, thỏa thuận 12,7 tỷ đô la Mỹ để nhập khẩu máy bay 737 MAX của Boeing sau đó đã sụp đổ vì những lo ngại về an toàn hàng không, đã góp phần vào thặng dư thương mại của Việt Nam đối với Mỹ.

Với tính cách lanh lợi của mình, ông Trump là một nhà lãnh đạo khó đoán của Việt Nam. Nhưng một điều chắc chắn, Việt Nam đã đánh giá cao chính sách quyết đoán của Trump đối với Trung Quốc, nước ngày càng đe dọa các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.

Chỉ vài tuần sau khi khen ngợi chính phủ Việt Nam giữa cuộc đàm phán hòa bình với Triều Tiên vào đầu năm 2019, thì ông Trump lại nói trong một cuộc phỏng vấn với Fox News rằng, Việt Nam là “kẻ lạm dụng tồi tệ nhất” đối với thương mại của Hoa Kỳ, một bình luận khiến các nhà ngoại giao Việt Nam tranh cãi về sự rõ ràng trong chính sách từ Hoa Kỳ với đối tác của họ là Việt Nam.

Ở Hà Nội có chút thất vọng về việc chính quyền Trump không hiểu rằng, chính Washington mới thực sự là một tác nhân chính tạo nên thặng dư thương mại lớn của Việt Nam với Mỹ, tăng từ 32 tỷ đô la năm 2016 lên 38,3 tỷ đô la năm 2017 và sau đó lên 39,4 tỷ đô la vào năm 2018. Nhưng thặng dư của Việt Nam đã bùng nổ vào năm 2019 lên tới 55,7 tỷ đô la, nguyên nhân chủ yếu là do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung do Tổng thống Trump thực hiện vào những năm trước, khiến các nhà sản xuất chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế cao của Mỹ đối với hàng hóa do Trung Quốc sản xuất.

Một cửa hàng quần áo ở trung tâm thành phố Hà Nội. Ảnh: AFP / Hoàng Đình Nam

Và chính các đợt cắt giảm thuế thu nhập lớn của Tổng thống Trump đưa ra năm 2017 và sự gia tăng đáng kể việc làm ở Mỹ cho đến khi đại dịch xảy ra vào đầu năm 2020, đã dẫn đến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam tăng lên của người tiêu dùng Mỹ, vì thế Việt Nam đã nổi lên như một trung tâm sản xuất công nghệ mới kể từ năm 2017.

Theo David Dapice, nhà kinh tế cấp cao tại Đại học Harvard phân tích hồi đầu tháng 11 trong Diễn đàn Đông Á rằng, thâm hụt thương mại của Mỹ với tất cả các nước đã tăng từ 490 tỷ USD năm 2014 lên 617 tỷ USD vào năm 2019, phần lớn là do “nhu cầu dư thừa và đồng đô la mạnh”.

Hơn nữa, Dapice phân tích rằng, với sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong thập kỷ qua, đồng tiền của Mỹ thực sự bị “định giá quá cao” vào thời điểm hiện tại, khiến việc xuất khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ trở nên khó khăn hơn và ngược lại với những gì Hà Nội đang cố gắng tạo ra. Một đô la Mỹ hiện có giá trị tương đương 23.200 Đồng Việt Nam .

Ông Dapice nói thêm rằng “thặng dư thương mại, cán cân vãng lai hay dự trữ ngoại hối của Việt Nam đều không có dấu hiệu cho thấy sự thao túng tiền tệ [tiền đồng] đáng kể hoặc đang gia tăng”.

Các nhà phân tích khác đánh giá và cho rằng, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ cần phải có bằng chứng nếu họ muốn tiến hành một cuộc điều tra toàn diện.

Các nhà điều tra Hoa Kỳ có nhiều khả năng sẽ gặp bất lợi trong việc xuất khẩu gỗ của Việt Nam, với tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ trị giá khoảng 3,7 tỷ đô la vào năm ngoái phục vụ cho nền kinh tế Việt Nam.

Mặc dù Việt Nam đã tham gia Hiệp định Đối tác Tự nguyện với EU vào năm 2018, một cơ chế đảm bảo gỗ của mình có nguồn gốc hợp pháp, nhưng bị cáo buộc về gỗ khai thác ở nước láng giềng Campuchia và được vận chuyển về thành hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Một số chuyên gia đã suy đoán, các cuộc khảo sát của Hoa Kỳ nhắm vào ngành gỗ của Việt Nam thực sự chỉ là vấn đề chính trị trong nước của Hoa Kỳ, vì Bắc Carolina, một trung tâm sản xuất đồ nội thất lớn, được coi là một bang chiến trường trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ.

Điều này thường xảy ra với nhiều hợp đồng nhập khẩu mà Việt Nam đã ký với Hoa Kỳ kể từ năm 2017. “Nếu bạn nhìn vào những gì Việt Nam thực sự mua – từ bông đến đậu nành – hầu hết đến từ các bang ở Mỹ ủng hộ Trump hơn, ” ông Giang nói.

Liệu những điều đó có thay đổi cơ bản dưới thời chính quyền Biden hay không còn phải chờ xem. Nhưng quan điểm chung của giới phân tích ở Việt Nam là Tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ đối xử mềm mỏng hơn đối với Việt Nam về các vấn đề thao túng tiền tệ và thặng dư thương mại.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore nói với truyền thông khu vực, chính quyền Biden có khả năng “áp dụng các chính sách ít mạnh tay hơn về thương mại, và điều đó có nghĩa là họ có thể tiết chế thương mại với Việt Nam và có thể tạm dừng hoặc hủy bỏ cuộc điều tra thao túng tiền tệ”,

Nhưng ông Biden đã không thắng cử tổng thống Hoa Kỳ một cách thuyết phục và kế thừa một nước Mỹ bị chia rẽ sâu sắc, đặc biệt là ở những bang đang được hưởng lợi từ việc mua hàng của Việt Nam. Thực tế, ở North Carolina đã thuộc về Trump, nhưng ông Biden chỉ giành được 1,3% điểm.

Ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ khi đó là Joe Biden phát biểu vào tháng 7 ở Wilmington, Delaware. Ảnh: AFP / Olivier Douliery

Phát biểu vào tháng 9, người được Biden chọn làm ngoại trưởng là Antony Blinken nói rằng, chính quyền Biden sẽ vẫn “sử dụng thuế quan khi cần thiết, nhưng được hỗ trợ bởi một chiến lược và kế hoạch”.

Ông Blinken cũng tuyên bố sẽ “mạnh tay thực thi luật thương mại của Mỹ bất cứ lúc nào đối với hành vi gian lận của nước ngoài gây ra mối đe dọa cho việc làm của người Mỹ”.

Cố vấn an ninh quốc gia được Biden bổ nhiệm là Jake Sullivan, người đã đưa ra quan điểm rằng, các điều khoản chống thao túng tiền tệ đều nằm trong chính sách của Hoa Kỳ, thậm chí còn cứng rắn hơn đối với các vấn đề thương mại.

Trong một bài luận về Chính sách đối ngoại hồi tháng Hai, ông Sullivan cũng giống Trump khi nói rằng, Mỹ cần một chính sách kinh tế mới trong các vấn đề đối ngoại, trong đó phải “tập trung vào những gì cải thiện tiền lương và tạo ra việc làm được trả lương cao ở Hoa Kỳ , thay vì làm cho thế giới an toàn đối với đầu tư của doanh nghiệp.”

Ứng cử viên Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan phát biểu sau khi được Joe Biden giới thiệu tại Nhà hát Queen vào ngày 24 tháng 11 năm 2020 ở Wilmington, Delaware. Ảnh: Mark Makela / Getty Images / AFP

Ông Sullivan nói thêm: “Các điều khoản chống thao túng tiền tệ sẽ không chỉ giúp ích cho tầng lớp trung lưu Mỹ mà còn cả vị trí chiến lược của Hoa Kỳ bằng cách hạn chế khả năng tài trợ của Trung Quốc trong các nỗ lực như Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI)”, đề cập đến khoản nghìn tỷ đô la của Bắc Kinh đầu tư các dự án ra nước ngoài.

Theo Giáo sư Thayer của Đại học New South Wales, các bình luận của ông Sullivan có thể nhắm vào Trung Quốc nhưng có thể sẽ “được áp dụng chống lại Việt Nam”.

Nên các quan chức Việt Nam có thể rất muốn bắt đầu liên lạc với nhóm chuyển tiếp chính quyền của Biden, nhưng đồng thời không muốn làm khó ông Trump trong thời điểm chính trị tế nhị hiện nay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên đã nói chuyện với ông Trump sau chiến thắng của ông vào năm 2016, trong cuộc gọi diễn ra một tháng trước lễ nhậm chức của Trump. Và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Washington chỉ 5 tháng sau đó và là nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên đến thăm Nhà Trắng.

Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc, các quan chức cấp cao được luân chuyển và các chính trị gia sẽ rất bận rộn vào thời điểm lễ nhậm chức ngày 20 tháng 1 của Biden.

Một nhân viên đếm tiền Việt Nam tại chi nhánh ngân hàng Vietinbank ở Hà Nội, Việt Nam. Ảnh: Twitter

Bộ Ngoại giao Việt Nam dự kiến ​​sẽ trải qua một cuộc cải cách và chính sách đối ngoại của Hà Nội trong 5 năm tới sẽ được tranh luận sôi nổi tại Quốc hội.

Nếu đây là một cuộc bầu cử và chuyển giao Tổng thống bình thường ở Mỹ, thì các quan chức Việt Nam bây giờ đã thực hiện mọi biện pháp để liên lạc với nhóm chuyển giao quyền lực sắp tới của Biden và thiết lập một mối liên hệ tốt đẹp trước khi ông nhậm chức.

Tuy nhiên, lần này, Hà Nội cẩn trọng chưa vội chúc mừng chiến thắng của Tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ, và tất cả các hoạt động ngoại giao đối với nhóm của Biden vẫn sẽ đợi đến sau tháng Giêng năm tới, nếu không, Việt Nam sẽ dễ kích động cơn thịnh nộ thương mại của Trump.

(PV: Nếu Việt Nam vội vàng chúc mừng Biden thì khả năng Trump áp các lệnh thuế đối với Việt Nam thì sẽ vô cùng bất lợi, nếu Biden thắng cử thì cũng không phải dễ dàng Biden gỡ lệnh áp thuế, và nếu muốn gỡ thì Việt Nam cũng phải trả một cái giá nào đó. Nên Việt Nam ưu tiên lúc này là tôn trọng Trump, tránh làm Trump nổi giận, sẽ có lợi cho kinh tế Việt Nam. Đây là sự ứng xử khôn ngoan của Việt Nam)

Điều này có nghĩa là bất kỳ sự đổi mới hoặc thiết lập quan hệ Việt – Mỹ dưới thời Biden sẽ có khởi đầu chậm hơn so với thời Trump, để tránh những tác động bất lợi có thể xẩy ra cho thương mại và kinh tế Việt Nam trong thời kỳ do Trump nắm quyền.

Tác giả David Hutt (Asia Times)

Đọc nhiều