ASEAN thay đổi thái độ với Trung Quốc, Mỹ đồng tình ủng hộ
Còn nhớ, sau khi Tòa Trọng tài Thường trực/PCA, năm 2016 ra Tuyên bố liên quan đến biển Đông thì ASEAN không thể thống nhất để ra một Tuyên bố chung. Thế nhưng, ở Hội nghị Cấp cao lần thứ 36 tại Hà Nội (26/06/2020), Việt Nam – Chủ tịch ASEAN 2020 đã đưa ra một Tuyên bố chung với nhiều nội dung, trong đó đã bày tỏ thái độ khá cứng rắn đối với việc Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền đối với hầu hết toàn bộ biển Đông. Có thể xem Tuyên bố lần thứ 36 là một bước tiến mới cho một quá trình thống nhất lập trường, chống lại các tham vọng bành trướng của Trung Quốc (đối với chủ quyền biển Đông).
Tuyên bố lần thứ 36 mang tên “Tầm nhìn về ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng: Vượt lên các thách thức và duy trì tăng trưởng”. Sau Tuyên bố nói trên, nhiều quốc gia đã bày tỏ ủng hộ Tuyên bố Hà Nội của ASEAN.
Ngày 27/06/2020, Mỹ là cường quốc đầu tiên lên tiếng hoan nghênh lập trường của các nước Đông Nam Á về biển Đông. Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết “Hoa Kỳ hoan nghênh việc các lãnh đạo ASEAN đã nhấn mạnh rằng tranh chấp Biển Đông cần phải được giải quyết trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Trung Quốc không được phép coi biển Đông thuộc phạm vi đế chế hàng hải của họ. Mỹ sẽ sớm lên tiếng nhiều hơn về chủ đề này”.
Còn nhớ tháng trước, Indonesia đã cùng với Việt Nam, Philippines và Malaysia đã gửi công hàm gửi lên Liên Hiệp Quốc tố cáo Trung Quốc về việc đòi hỏi chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông. Trong văn kiện này, các quốc gia ký công hàm đã bác bỏ hầu hết các yêu sách của Trung Quốc đối với vùng biển tranh chấp, khẳng định không một hòn đảo nào của Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép có thể “tạo ra các vùng đặc quyền kinh tế và chúng chỉ là các bãi đá” – hãng truyền thống BenarNews dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị lần thức 36. Rõ ràng, 10 nước thành viên ASEAN đã “vật lộn” để đạt được sự đồng thuận về các vấn đề liên quan đến Biển Đông. Được biết, Tuyên bố Hà Nội diễn ra ngay trước khi Trung Quốc đưa ra kế hoạch thành lập “Vùng Nhận diện phòng không” (ADIZ) trên Biển Đông. Điều này cho thấy Tuyên bố Hà Nội nhằm bác bỏ kế hoạch lập vùng nhân diện phòng không của Trung Quốc.
Về quan điểm của Việt Nam, trả lời phỏng vấn của giới báo chí trong nước trước ngày khai mạc Hội nghị, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh cho rằng: “Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 lần này có ý nghĩa và vai trò hết sức to lớn trong bối cảnh mới, khi ở khu vực đang xuất hiện rất nhiều vấn đề phức tạp như sự bùng nổ của đại dịch covid – 19 hay vấn đề Biển Đông”. Ông Phạm Quang Vinh nhấn mạnh những nội dung quan trong trong Hội nghị lần này bao gồm:
Thứ nhất, Hội nghị xử lý vấn đề cấp bách nhất của ASEAN hiện nay, đó là dịch covid – 19. Hội nghị cấp cao ASEAN 36 vừa phải nhìn lại những thỏa thuận đã có của ASEAN, về phòng chống đại dịch, như phối hợp về thông tin, kiểm soát dịch, hỗ trợ nhau về dịch vụ thiết yếu, thuốc men và trang thiết bị y tế… Mặt khác, Hội nghị sẽ bàn những vấn đề chuẩn bị cho hậu đại dịch.
Thứ hai, Hội nghị Cấp cao sẽ tập trung vào những ưu tiên lâu dài của ASEAN, nhất là 5 ưu tiên đề ra cho năm 2020, trong đó có về xây dựng Cộng đồng ASEAN ứng phó với các thách thức, mở rộng quan hệ với các đối tác, phát huy vai trò trung tâm và hiệu quả hoạt động của ASEAN…
Thứ ba, Hội nghị lần này tiếp tục thể hiện sự chủ động và trách nhiệm của Việt Nam, kịp thời điều chỉnh, thông qua áp dụng trực tuyến, để ASEAN không chỉ duy trì được các hoạt động trong bối cảnh các bước đều phải đóng cửa vì dịch bệnh, mà còn tiếp tục phối hợp với các đối tác và phát huy vai trò của mình ở khu vực.
Thứ tư, Hội nghị cấp cao ASEAN 36 sẽ thể hiện đúng tinh thần chủ đề năm 2020 “Gắn kết và chủ động thích ứng”, trong điều kiện và hoàn cảnh mới.
Thứ năm, vấn đề Biển Đông được đề cập và bàn thảo công khai trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao lần này, vì Biển Đông là câu chuyện gắn liền với hoà bình, an ninh và phát triển của khu vực, bao gồm cả Đông Nam Á, châu Á – Thái Bình Dương, cũng như thế giới nói chung. Hòa bình, ổn định, an ninh, trong đó có an ninh, an toàn và tự do hàng hải, là vấn đề lâu nay ASEAN rất coi trọng, từ trước đến nay luôn nằm trong nghị sự của ASEAN.
Bình luận về các chủ đề Hội nghị lần thứ 36 nhiều chuyên gia cho rằng, “tình hình biển Đông vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, trong đó Trung Quốc đã và đang xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và các nước. Điều này là vi phạm luật pháp quốc tế, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định và xây dựng lòng tin ở khu vực”. Như vậy, ASEAN vẫn cần phải có tiếng nói thống nhất, mạnh mẽ khẳng định các nguyên tắc đối với vấn đề Biển Đông… Nhiều chuyên gia đánh giá: “Tuyên bố Hà Nội là một thành công lớn của ASEAN. Thành công này do nhiều nguyên nhân, trong đó có vai trò của Việt Nam – nước Chủ tịch ASEAN 2020 trong điều hành linh hoạt, tôn trọng các nguyên tắc thống nhất của tổ chức ASEAN”.
Bắc Hà
(Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả)