ASEAN giữa thách thức Trung Quốc leo thang quân sự ở Biển Đông

12/11/2020 09:31

ASEAN đang phải đối mặt với tình trạng quân sự hóa Biển Đông khi Trung Quốc không ngừng tăng cường hoạt động quân sự ở nhiều cấp độ.

Hôm nay, Hội nghị cấp cao (HNCC) ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan sẽ khai mạc dưới sự chủ trì của nước Chủ tịch ASEAN Việt Nam. Dự kiến chuỗi hội nghị diễn ra đến ngày 15.11.

Cũng nằm trong chương trình hoạt động lần này, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) với sự tham dự của các Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và Tổng thư ký ASEAN đã diễn ra vào ngày 10.11. Tại hội nghị, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cơ bản nhất trí Biển Đông tiếp tục là vấn đề nổi lên. Nhiều hành động đơn phương, trong đó có quân sự hóa, đòi hỏi chủ quyền thiếu căn cứ, hành xử áp đặt vẫn tiếp diễn gây lo ngại đến hòa bình ổn định trên Biển Đông nói riêng, khu vực nói chung.

Tàu hải cảnh Trung Quốc được trang bị pháo cỡ lớn ở phía trước /// NGƯ DÂN CUNG CẤP
Tàu hải cảnh Trung Quốc được trang bị pháo cỡ lớn ở phía trước

Bắc Kinh cấp tập tăng cường năng lực tấn công

Thực tế, Trung Quốc thời gian qua liên tục tăng cường hoạt động quân sự ở Biển Đông. Mới đây nhất, ngày 8.10, Đài CGTN của Trung Quốc đăng tải đoạn video có nội dung “khoe” rằng máy bay tiêm kích của nước này vừa bay liên tục 10 tiếng ở Biển Đông. “Kỷ lục” trước đó của không quân Trung Quốc ở vùng biển này là 8 tiếng 30 phút.

Đoạn clip trên không nêu chi tiết là lần xuất kích trên diễn ra khi nào. Tuy nhiên, trước đó, tờ Hoàn Cầu thời báo có bài viết cho biết không quân Trung Quốc vừa điều động máy bay tiêm kích Su-30 thực hiện chuyến bay dài liên tục 10 tiếng ở Biển Đông. Hành trình bay có trải qua 1 lần tiếp nhiên liệu trên không và điểm đến của hành trình này là bãi đá Xubi ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Bài báo dẫn lời một chuyên gia quân sự nước này cho rằng diễn biến vừa nêu “mang giá trị quan trọng” trong hoạt động của không quân nước này ở Biển Đông. Thời gian qua, Trung Quốc đã xây dựng nhiều hạ tầng để phục vụ việc triển khai máy bay chiến đấu ở các bãi đá Chữ Thập, Vành Khăn và Xubi ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Tuy nhiên, việc bảo trì chiến đấu cơ của Trung Quốc ở các thực thể này đang gặp khó khăn vì nhiều lý do. Vì thế, Bắc Kinh muốn tiến hành nhiều chọn lựa triển khai.

Các máy bay ném bom chiến lược tầm xa như H-6 của Trung Quốc có thể dễ dàng bay liên tục 10 tiếng. Nhưng thực hiện điều đó với máy bay tiêm kích thì trở thành thách thức lớn. Trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho biết các máy bay ném bom tầm xa luôn cần sự hộ tống của máy bay tiêm kích. “Vì thế, máy bay tiêm kích cũng phải nâng cao năng lực bay liên tục trong thời gian dài để đảm nhiệm việc bảo vệ máy bay ném bom tầm xa. Có như thế thì không quân Trung Quốc mới có thể đủ khả năng thực hiện các phi vụ tấn công tầm xa với máy bay ném bom”, theo TS Nagao.

Thời gian qua, Bắc Kinh cũng nhiều lần tiến hành tập trận bắn tên lửa đạn đạo, triển khai máy bay ném bom tầm xa H-6 tập trận ở Biển Đông. Kèm theo đó là các hoạt động của nhiều loại chiến hạm, từ tàu khu trục đến tàu sân bay và tàu ngầm… Cuối tháng 10, tờ Hoàn Cầu thời báo đăng bài Chuyên gia cho rằng tàu sân bay thứ 2 của Trung Quốc đã sẵn sàng tới Biển Đông. Theo bài báo, hải quân Trung Quốc đã sẵn sàng điều động tàu sân bay Sơn Đông hoạt động lâu dài ở Biển Đông.

ASEAN giữa thách thức Trung Quốc leo thang quân sự ở Biển Đông1
Máy bay ném bom tầm xa H-6 của Trung Quốc tăng cường hoạt động ở Biển Đông gần đây

Quân sự hóa lực lượng “hung thần”

Không những vậy, Bắc Kinh còn đang ra sức quân sự hóa lực lượng hải cảnh. Hồi tháng 6, Trung Quốc sửa đổi luật đưa lực lượng cảnh sát vũ trang nhân dân (vũ cảnh) về dưới sự chỉ huy của Quân ủy Trung ương (CMC), nghĩa là quy tụ lại dưới 5 chiến khu trong bối cảnh chiến tranh. Mà hải cảnh thuộc vũ cảnh, nên vũ cảnh xem như trở thành một phần của lực lượng quân sự. Các tàu hải cảnh của Trung Quốc không chỉ có kích thước lớn mà còn trang bị vũ khí hạng nặng, mang theo máy bay trực thăng vũ trang tác chiến đa nhiệm.

Lâu nay, lực lượng hải cảnh Trung Quốc được xem như “hung thần” trên Biển Đông vì thường xuyên quấy phá tàu các nước ở khu vực này. Thậm chí, hồi tháng 2, tàu hải cảnh Trung Quốc còn đâm chìm 1 tàu cá Việt Nam đang hoạt động ở vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông.

Mới đây, ngày 4.11 vừa qua, Bắc Kinh công bố dự thảo sửa đổi luật dành cho lực lượng hải cảnh của nước này đã được trình bày. Trong đó, điểm nổi bật là hải cảnh có trách nhiệm xua đuổi tàu thuyền các nước khác, thậm chí sử dụng vũ khí nhằm vào tàu các nước khác ở khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Việc sử dụng vũ khí có thể được thực thi khi tàu nước ngoài không đáp ứng yêu cầu của hải cảnh Trung Quốc.

Trả lời Thanh Niên, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) nhận xét dự luật hải cảnh mới của Trung Quốc thể hiện mức độ đe dọa mới đối với các nước trong khu vực, khi Bắc Kinh tự trao quyền có thể nổ súng vào ngư dân và tấn công tàu thuyền, tài sản các nước khác. Mục tiêu của luật này còn nhằm độc chiếm, không cho các nước khác hoạt động ở Biển Đông.

“Với cách viện dẫn được nêu ra, dự luật trên không chỉ cho phép hải cảnh Trung Quốc tấn công các dàn khoan, mà đồng thời cũng có thể bắn hạ những ngư dân vô tội. Nỗi lo đó hoàn toàn hiện hữu với tuyên bố chủ quyền mà Trung Quốc đưa ra trên Biển Đông và “lịch sử” quấy phá như tông chìm tàu cá, tấn công ngư dân các nước ở vùng biển này. Với dự luật mới, Trung Quốc có thể khiến ngư dân các nước lo ngại, nên chỉ dám hoạt động ở vùng biển gần bờ”, cựu đại tá Schuster lo ngại.

Ông phân tích thêm: “Dự luật mới về hải cảnh cũng là bằng chứng mới nhất cho thấy Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế. Nếu Trung Quốc thông qua dự luật này, thì bước tiếp theo có thể là tuyên bố Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông nhằm kiểm soát vùng trời tại đây”.

Tương tự, trả lời Thanh Niên, GS Yoichiro Sato (chuyên về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan Asia Pacific, Nhật Bản) dự báo: “Khi có hiệu lực, dự luật mới về hải cảnh của Trung Quốc sẽ tác động ngay đến tình hình Biển Đông. Philippines mới đây đã thể hiện ý định tăng cường khả năng bảo vệ các tài sản của nước này ở Biển Đông. Lâu nay, việc Trung Quốc điều động các tàu hải cảnh xung quanh các khu vực Philippines đang chiếm giữ trên Biển Đông đã khiến Manila lo ngại”.

Theo ông, “luật pháp” mà Trung Quốc đưa ra thực chất chỉ là những chiêu trò để từng bước kiểm soát các khu vực mà nước này tuyên bố chủ quyền. Qua đó, Bắc Kinh hạn chế tiến hành một cuộc chiến toàn diện nhưng vẫn tìm cách đạt được mục tiêu.

Chính vì vậy, chiêu trò luật pháp mà Trung Quốc đưa ra như trên thì thực tế cũng là một hình thức “quân sự hóa” bằng lực lượng dân sự, khiến tình hình Biển Đông càng thêm phức tạp.

Không chỉ Biển Đông bất ổn

Không chỉ tại Biển Đông, mà tại biển Hoa Đông các tàu tuần tra của Trung Quốc gần đây có tần suất và quy mô hoạt động rất lớn xung quanh quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư – PV) nhằm thách thức quyền kiểm soát của Nhật Bản ở khu vực này. Tàu cảnh sát biển Nhật đã nhiều lần can thiệp, ngăn cản tàu tuần tra Trung Quốc quấy rối tàu cá Nhật Bản. Vì thế, nhiều chính trị gia Nhật đang thúc giục chính phủ tăng cường lực lượng kiểm soát quần đảo trên. Nên dự luật của Trung Quốc về hải cảnh còn nhằm gây khó khăn cho việc kiểm soát của lực lượng Nhật Bản ở biển Hoa Đông.

GS Yoichiro Sato 

(Đại học Ritsumeikan Asia Pacific, Nhật Bản)

Ngô Minh Trí/ TNO

Đọc nhiều