28
category
447761

Anh trai chết não không thể hiến tim cứu em vì định kiến

10/11/2020 22:09

Người anh không may chết não nhưng không thể hiến tim cứu em trai 35 tuổi bị giãn cơ tim, sống thoi thóp từng ngày.

Quan niệm chết phải toàn thây

Đây là câu chuyện vô cùng đáng tiếc được ThS.BS Trần Thị Cẩm Tú, Phó giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế chia sẻ bên lề hội thảo đánh giá bất cập của pháp luật về hiến, lấy ghép mô tạng và hiến xác, diễn ra tại Hà Nội sáng 10/11.

BS Tú chia sẻ, người em trai 35 tuổi mắc bệnh giãn cơ tim, cuộc sống chỉ còn tính từng ngày, cách cứu sống duy nhất là ghép tim nên được xếp vào danh sách chờ ghép.

Một ngày không may cách đây hơn 1 năm, người anh trai, 43 tuổi, đã lập gia đình bất ngờ gặp tai nạn, rơi vào chết não. Khi đó, các y bác sĩ đã vận động gia đình hiến tạng của người anh để cứu em.

Anh trai chết não không thể hiến tim cứu em vì định kiến
BS Trần Thị Cẩm Tú, Phó giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế

Ông bố sau hồi trăn trở đã gật đầu đồng ý, tuy nhiên vợ của người anh nhất quyết nói không. Bác sĩ khi đó cũng đã gặp người em, khuyên cậu thuyết phục chị dâu nhưng anh cũng không đồng ý.

“Người em nói nếu chị dâu không đồng ý, tôi thực sự cũng không muốn nhận. Vì nếu tôi nhận, tôi sẽ thành người ích kỷ. Tôi chấp nhận cái chết chứ”, BS Tú nhớ lại.

Không được ghép tim, đồng nghĩa cơ hội sống của người em sẽ còn rất ngắn nhưng bác sĩ chưa thể làm gì thêm.

Trường hợp khác là một chàng thanh niên 24 tuổi, không may bị chết não. Sau khi được bệnh viện thuyết phục, hầu hết các thành viên trong gia đình đã đồng ý hiến tạng, duy nhất bà nội không đồng tình nên không đủ điều kiện hiến.

Theo BS Tú, việc vận động người thân của người chết não hiến mô tạng rất khó khăn. Bằng chứng, bệnh viện thực hiện ca ghép tạng đầu tiên cách đây 19 năm, nhưng từ đó đến nay chỉ thuyết phục được 1 người chết não hiến tạng, 5 ca ghép còn lại đều là nguồn tạng điều phối từ Hà Nội, TP.HCM vào, trong khi hầu như ngày nào bệnh viện cũng có 1 ca chết não do tai nạn.

“Các quy định hiến mô, tạng hiện tại yêu cầu phải có sự đồng ý của các thành viên trong gia đình, nếu một người không đồng ý thì bác sĩ không thể lấy tạng. Người dân vẫn luôn quan niệm chết phải toàn thây, phải có nấm mồ nên trong thời gian ngắn rất khó thay đổi nhận thức tâm linh này”, BS Tú chia sẻ.

Kiến nghị sửa luật

Từ những bất cập trong công tác vận động hiến mô, tạng, BS Tú cho rằng cần thay đổi một số điều trong Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, chẳng hạn chỉ cần một đại diện hợp pháp của người chết não đồng ý là có thể lấy tạng thay vì rất nhiều người như hiện nay.

Ngoài ra cũng nên có một khoản chi phí hợp pháp, khoản hồi phục sức khỏe cho người hiến tạng, từ đó sẽ hạn chế được việc mua bán tạng.

PGS.TS Đồng Văn Hệ, Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng chỉ điểm khó thực thi khi quy định hiện tại yêu cầu người chết não muốn đăng ký hiến mô tạng phải có thẻ đăng ký hiến. Tuy nhiên hiện nay cả nước mới có gần 40.000 người có thẻ.

Ngay những người chết não có thẻ hiến nhưng nếu gia đình không đồng ý, bác sĩ cũng không thể thực hiện lấy tạng.

Anh trai chết não không thể hiến tim cứu em vì định kiến
Ekip ghép tạng tại Bệnh viện Trung ương Huế

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia cho biết, hiện cả nước có 20 bệnh viện đủ điều kiện ghép bộ phận cơ thể người.

Kể từ khi bắt đầu thực hiện những ca ghép tạng đầu tiên, đến nay cả nước đã thực hiện gần 5.000 ca ghép, trong đó chủ yếu là thận với hơn 4.000 ca, ghép tủy hơn 500 ca, ghép gan gần 200 ca, còn lại là ghép tim, phổi, ruột… Dù vậy đến nay mới chỉ có 250 người đồng ý hiến tạng khi chết não.

Theo ông Phúc, mỗi ngày trên cả nước, số ca bị chết não rất lớn, chủ yếu do tai nạn giao thông nhưng hiện chỉ có 20 cơ sở đủ điều kiện đánh giá bệnh nhân chết não và thực hiện ghép tạng. Đây cũng là hạn chế gây khó khăn cho việc tiếp nhận nguồn tạng hiến. Do đó, cần có tập huấn, quy định để mọi bệnh viện đa khoa cấp tỉnh, khu vực có thể chủ động đánh giá chết não.

Ngoài ra, một người muốn hiến tạng cũng phải tự bỏ chi phí thực hiện xét nghiệm, đây là điểm bất cập rất lớn trong chính sách ghép mô tạng. Chế độ tài chính với người hiến sau khi chết cũng chưa được quan tâm, nên không có giá trị động viên, khuyến khích gia đình người hiến.

Chi phí cho một ca ghép tạng tại Việt Nam vẫn được cho là khá thấp so với nhiều nước, song đối với người Việt vẫn là khoản tiền không nhỏ. Một ca ghép tim có giá khoảng 1 tỉ đồng, ghép gan 1,5 tỉ, ghép thận 300-500 triệu đồng.

Người bệnh sau khi ghép tạng cũng phải uống thuốc chống thải ghép suốt đời, trong khi quỹ BHYT mới chi trả một phần rất nhỏ. Đây cũng là gánh nặng với nhiều bệnh nhân.

Ông Phúc cho biết, 2 năm qua, số lượng người đăng ký hiến mô tạng đã tăng rất nhanh sau câu chuyện bé Hải Anh, nhưng hiện nay vẫn là đăng ký trực tiếp tại trung tâm hoặc tại 20 cơ sở đủ điều kiẹn ghép, gây khó khăn cho người dân ở các tỉnh thành khác.

Vì vậy, ông đề xuất thay vì đăng ký trực tiếp như hiện tại, có thể áp dụng tích hợp trên bằng lái xe, chứng minh thư, thẻ định danh công dân, hộ chiếu hay thẻ BHYT như nhiều nước đang triển khai.

Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp Chế cũng thừa nhận, dù Điều 17 của Luật và Thông tư 104 Bộ Tài Chính đã quy định về kinh phí thực hiện chế độ với người hiến, nhưng hiện nay phần lớn các bệnh viện thực hiện kĩ thuật này đều chưa đề xuất dự toán kinh phí khiến quyền lợi của người hiến chưa được đảm bảo.

Ngân sách chi trả cho người hiến và người ghép cũng còn rất hạn chế nên rất cần thành lập quỹ hỗ trợ để giúp các cơ sở y tế hỗ trợ người hiến, người được ghép có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Quỹ này sẽ huy động các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong nước và quốc tế.

Trong thời gian tới, Bà Trang cho biết, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tổng hợp ý kiến, từ đó kiến nghị sửa một số nội dung trong Luật, trong đó sẽ quy định chi tiết hơn về độ tuổi hiến mô, tạng, hiến xác. Xem xét các trường hợp dưới 18 tuổi được hiến khi chết não dưới sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ.

Thúy Hạnh/VNN

Đọc nhiều