Anh, Mỹ lên án lệnh trừng phạt đáp trả của Trung Quốc
Lãnh đạo Anh và Mỹ quan ngại về việc Trung Quốc đáp trả sau khi bị phương Tây trừng phạt với cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.
“Thủ tướng và Tổng thống đã đề cập đến hành động quan trọng của Anh, Mỹ, cùng các đối tác quốc tế khác hồi đầu tuần, khi áp lệnh trừng phạt với những bên vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, đồng thời bày tỏ quan ngại về hành vi trả đũa của Trung Quốc”, phát ngôn viên của Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết hôm 26/3, sau cuộc trao đổi giữa Johnson và Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Hôm 22/3, Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu (EU) và Canada đã áp lệnh trừng phạt các quan chức Trung Quốc với cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với người Hồi giáo thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, động thái phối hợp nhằm đối đầu với Bắc Kinh đầu tiên kể từ khi Biden nhậm chức.
Trung Quốc sau đó đáp trả bằng cách trừng phạt 10 cá nhân và 4 cơ quan châu Âu, cáo buộc lệnh trừng phạt của EU là can thiệp vấn đề nội bộ. Bộ Ngoại giao nước này hôm qua thông báo lệnh trừng phạt cũng được áp đặt với 4 thực thể và 9 cá nhân tại Anh, với cáo buộc “lan truyền dối trá và đưa tin sai lệch một cách ác ý”.
Đáp lại, London bày tỏ ủng hộ với những bên bị Bắc Kinh trừng phạt vì đã lên tiếng bảo vệ người Duy Ngô Nhĩ. “Các nghị sĩ và công dân Anh khác bị Trung Quốc trừng phạt hôm nay đang đóng vai trò quan trọng trong việc làm sáng tỏ những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng chống lại người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Tự do lên tiếng phản đối lạm dụng là một điều cơ bản. Tôi ủng hộ họ mạnh mẽ”, Johnson viết trên Twitter.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết đại sứ Trung Quốc tại London sẽ được triệu tập, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh cho phép Liên Hợp Quốc tiếp cận đầy đủ khu vực Tân Cương nếu muốn “bác bỏ một cách đáng tin cậy những cáo buộc vi phạm nhân quyền”.
Các nhà hoạt động và chuyên gia Liên Hợp Quốc cho rằng ít nhất một triệu người Duy Ngô Nhĩ, cùng những người thuộc các nhóm thiểu số chủ yếu là Hồi giáo khác, đã bị giam trong các “trại cải huấn” ở Tân Cương và bị ngược đãi.
Tuy nhiên, Trung Quốc nhiều lần phủ nhận tất cả cáo buộc, khẳng định những trung tâm đào tạo nghề được thành lập nhằm chống lại mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố cực đoan trong khu vực, đồng thời giúp người Duy Ngô Nhĩ hòa nhập xã hội.
Ánh Ngọc (Theo Reuters, AFP)