Anh Lê Thanh Tùng đi khắp thành phố để vá, đổ xăng và sửa xe miễn phí
Đêm đến, ông Lê Thanh Tùng, 43 tuổi, chạy xe nhiều con đường huyết mạch để giúp những người không may găp sự cố dọc đường.
Gần hai năm nay, một tuần bốn buổi, ông Lê Thanh Tùng (ở quận 12, TP HCM) lại rong ruổi khắp thành phố để vá, đổ xăng và sửa xe miễn phí cho người không may gặp sự cố trên đường.
“Lúc trước có những lần đi làm về khuya, xe tôi hư giữa đường, đành hì hục dắt bộ chứ có chỗ nào sửa đâu. Dắt về đến nhà mệt dữ lắm nên có khi giận lây sang cả vợ con. Nghĩ nhiều người chẳng may hư xe, hết xăng chắc họ cũng cực nên ráng giúp họ bớt khổ sở lúc đêm khuya”, ông Tùng kể.
Lái xe tải là nghề “kiếm cơm” của ông Tùng. Tuần ba buổi, ông chở hàng thuê cho công ty ở Bình Dương, cách nhà gần 20 km. Ông có nhà bên quận 9 nhưng đang ở nhà vợ tại quận 12, vì nơi này tiện bán cà phê và chăm con cái.
“Công việc đêm” của ông bắt đầu lúc 20h30, sau khi phụ vợ dọn dẹp xong quán. Trước khi đi, ông đều chào và nói “Ba đi làm kiếm tiền” thì hai bé song sinh Su và Sam, 4 tuổi, mới để cho cha đi.
Lịch trình của ông thường là những tuyến đường huyết mạch, ít tiệm sửa xe như quốc lộ 1A, Xa lộ Hà Nội, đường Phạm Văn Đồng, Mai Chí Thọ, ngã tư Ga, ngã tư Bình Phước, cầu vượt Linh Xuân, Suối Tiên… Mỗi đêm, ông đảo lại các tuyến đường trên hai lần.
Chiếc xe máy của ông mua lại từ người bạn với giá 1,5 triệu đồng, chỉ dành để làm việc thiện.
“Xe tôi hết xăng dọc đường, đẩy bộ gần 2 km rồi mà không có cây xăng nào. May quá, gặp người tốt cho đổ xăng miễn phí, chứ không biết dắt bộ đến bao giờ lúc đêm hôm thế này”, anh Công chia sẻ.
Ông Tùng cho biết, mỗi lần thường đổ khoảng một lít xăng để đủ cho người đi đường chạy kịp đến cây xăng.
Anh Sang kể, trên đường từ quận Thủ Đức, khi đến quốc lộ 1A thì xe bị cán đinh, mà còn 5 km nữa mới đến nhà.
“Lúc đầu tôi hơi phân vân khi giữa đêm lại có người đi vá xe miễn phí. Tôi cứ nghĩ sửa xong kiểu gì cũng bị ‘chặt chém’, ai ngờ mình ngỏ ý trả tiền mà anh còn nhất quyết không lấy. Ngay cả xin số điện thoại ảnh cũng không cho”, anh Sang nói.
Ông Tùng cho biết không muốn cho những người mình giúp đỡ số điện thoại vì tin rằng có duyên sẽ gặp lại. Tuy nhiên, cũng có lần đang chạy gần về nhà thì ông nhận được cuộc điện thoại nhờ sửa xe của một người ở gần Khu công nghệ cao. Không chút đắn đo, ông chạy ngược lại giúp đỡ.
Ngoài đổ xăng, vá xe, ông Tùng còn sửa những hỏng hóc cơ bản như tăng sên, thay bugi hoặc thay ruột mới xe máy. Mỗi lần vá, sửa xe mất hơn nửa tiếng mới xong.
Công việc thiện nguyện nhưng không phải lúc nào cũng nhận được sự tin tưởng của người cần giúp. Ông kể, có lần gặp một người bị hỏng xe lúc nửa đêm, đã dắt bộ 9 km từ cầu Thủ Thiêm về Xa lộ Hà Nội, muốn ý giúp đỡ nhưng người ta nhất quyết từ chối vì sợ lừa đảo.
“Lúc đó, tôi phải thề với ông ấy là có lừa thì ông cứ la thật to lên. Khi tôi sửa xong, không lấy một đồng nào, ông ấy cảm ơn rối rít. Hỏi ra mới biết, xe hư nhưng do trong người ông ta không có tiền nên phải dắt bộ”, người đàn ông kể.
Trung bình mỗi đêm ông sửa xe cho khoảng 3 người, cao điểm tới gần 10 người. Nhiều bữa đi mà không gặp ai, ông cũng buồn vì biết ngày nào cũng có người hư xe nhưng mình lại không gặp được họ.
“Mỗi tháng cũng tốn cỡ 2 triệu đồng cho tính thích lo chuyện bao đồng nhưng tôi vui lắm. Vợ bán quán, tôi chạy xe cũng chỉ vừa đủ xài, không dư dả gì nhưng giúp được người ta chừng nào thì mình ráng, để thấy cuộc sống ý nghĩa hơn”, ông chia sẻ.
Quỳnh Trần