Ảnh chế bôi nhọ lính Úc có phải một dạng ngoại giao ‘chiến lang’?

02/12/2020 21:25

Họa sĩ đồ họa, tác giả bức ảnh chế bôi bác lính Úc khiến quan hệ Úc – Trung “dậy sóng”, đã “nổi tiếng chỉ sau một đêm”, và giới quan sát cho rằng có thể đây là một xu thế “họa sĩ chiến lang” mới.

Ảnh chế bôi nhọ lính Úc có phải một dạng ngoại giao ‘chiến lang’? - Ảnh 1.
Thủ tướng Úc Scott Morrison lên án hình ảnh Bộ Ngoại giao Trung Quốc đăng lên tài khoản Twitter có nội dung bôi nhọ quân nhân Úc – Ảnh: SMH

Theo hãng tin Reuters, bức ảnh cắt ghép bằng phần mềm đồ họa có hình một quân nhân thuộc lực lượng đặc nhiệm Úc cầm dao cứa cổ em bé Afghanistan đã và đang khiến mối quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh rơi xuống mức thấp nhất trong nửa thế kỷ qua.

“Chương mới” của nghệ thuật tuyên truyền?

Bức ảnh đã được lan truyền như bão trên mạng xã hội sau khi ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, chia sẻ trên tài khoản Twitter ngày thứ hai tuần này (30-11) và Thủ tướng Úc Scott Morrison phản ứng dữ dội, yêu cầu gỡ bỏ và Trung Quốc phải xin lỗi Úc.

Tuy nhiên Bắc Kinh từ chối cả hai yêu sách này. Twitter cũng không gỡ bỏ hay ẩn đi hình ảnh đó, chỉ gắn thông điệp cảnh báo “nhạy cảm” với nội dung hình ảnh.

Tuy nhiên, cũng bức ảnh đó đã khiến Wuheqilin (tên do người này tự xưng), một họa sĩ trẻ không ai biết bên ngoài Trung Quốc, bỗng dưng nổi tiếng bất ngờ.

Số người theo dõi tài khoản mạng xã hội của Wuheqilin kể từ sau khi đăng bức ảnh gây tranh cãi đã tăng lên hơn 1 triệu. Một số người vừa trở thành fan của Wuheqilin ca ngợi bức ảnh đó giống như một chương mới trong nghệ thuật tuyên truyền của Trung Quốc.

“Bút pháp của Wuheqilin thậm chí còn mạnh mẽ hơn quân đội”, một người dùng trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc (tương tự Twitter) ca ngợi.

Wuheqilin cũng tự nhận là một họa sĩ “chiến lang”, bắt chước theo tên của hai bộ phim rất nổi tiếng của Trung Quốc.

Cụm từ “chiến lang” còn thường được truyền thông quốc tế dùng khi nói về cái gọi là “ngoại giao chiến lang” (wolf warrior diplomacy) nhằm chỉ phong cách đối đầu quyết liệt, không hề “ngoại giao” của các quan chức ngoại giao Trung Quốc.

Trong trả lời phỏng vấn truyền thông Trung Quốc, Wuheqilin nói lâu nay vẫn luôn ủng hộ nghệ thuật tuyên truyền của Trung Quốc, nhưng chỉ tới mùa hè năm ngoái, khi Hong Kong rúng động trong các cuộc biểu tình liên tiếp kéo dài, Wuheqilin mới bắt đầu đưa các đề tài chính trị vào tác phẩm của mình.

Theo hãng tin Reuters, Wuheqilin đã từ chối trả lời phỏng vấn họ.

Tiếp tục đăng tranh công kích Thủ tướng Úc

Theo trang Yahoo News Australia, tối qua 1-12, họa sĩ Wuheqilin tiếp tục đăng lên tài khoản Weibo một bức tranh khác, lần này nhắm trực diện tới Thủ tướng Úc Scott Morrison.

Trong bức vẽ, một tay Thủ tướng Scott Morrison kéo lá cờ Úc trùm lên thi thể những người dân thường Afghanistan, tay kia chỉ về phía một em nhỏ đang đứng trước giá vẽ với nền toan tô đỏ như máu (có thể hiểu mang tính biểu tượng là họa sĩ Wuheqilin) và yêu cầu em xin lỗi, căn cứ theo nội dung đoạn văn bản phía dưới bức tranh.

Phía trước em bé họa sĩ là giá vẽ và hàng chục phóng viên đang hướng ống kính camera vào em, không quan tâm ông Scott Morrison đang làm gì.

Trước đó, ngày 30-11, nhiều giờ sau khi bức vẽ đầu tiên gây phản ứng gay gắt tại Úc, Wuheqilin đã tự ghi lại một thông điệp bằng video gửi tới Thủ tướng Scott Morrison, nói ông nên “đối diện sự thật” và tuyên bố sẽ vẽ một bức tranh khác.

Mạng xã hội WeChat chặn Thủ tướng Úc liên quan vụ bức ảnh tranh cãi

Theo hãng tin Reuters, mạng xã hội WeChat của Trung Quốc đã chặn một thông điệp của ông Scott Morrison trong bối cảnh quan hệ Úc – Trung căng thẳng vì bức ảnh đồ họa bôi nhọ lính Úc.

Ngày 1-12, ông Morrison vào mạng xã hội WeChat để lên án “hình ảnh giả”, ca ngợi cộng đồng người Trung Quốc ở Úc. Ông Morrison cũng bày tỏ quan điểm bảo vệ cách Canberra xử lý cuộc điều tra về những tội ác chiến tranh liên quan tới lực lượng đặc nhiệm Úc ở Afghanistan.

Tuy nhiên thông điệp này của ông Morrison có vẻ đã bị WeChat chặn trong tối nay 2-12, chỉ còn hiện thông báo cho biết nội dung không thể xem vì vi phạm các quy định của mạng xã hội này.

Tencent, công ty mẹ của WeChat, chưa phản hồi ngay với Reuters về sự việc.

D. KIM THOA/TTO

Tags :
Đọc nhiều