Anh cáo buộc Nga và Trung Quốc gây “nguy hiểm, hỗn loạn, chia rẽ” cho thế giới
Trong đánh giá tích hợp (IR), tài liệu về chính sách an ninh và đối ngoại của London, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho rằng Trung Quốc và Nga đang đe dọa trật tự thế giới, có nguy cơ tạo ra “hỗn loạn và nguy hiểm”.
“Đe doạ trật tự thế giới”
Bản đáng giá tích hợp hôm 13/3 đã thể hiện lập trường cứng rắn hơn nhiều của Vương quốc Anh đối với Nga và Trung Quốc so với bản đánh giá được “đế quốc mặt trời không bao giờ lặn” công bố vào năm 2021. Báo cáo dài 63 trang đã củng cố ngôn ngữ và lập trường của Vương quốc Anh đối với Bắc Kinh và Moscow, đồng thời nhấn mạnh mối đe dọa mang tính hệ thống và hiện hữu mà cả hai quốc gia đặt ra đối với Vương quốc Anh, Châu Âu và trật tự thế giới dựa trên quy tắc rộng lớn hơn.
“Điều không thể dự đoán đầy đủ vào năm 2021 là mức độ thay đổi địa chính trị và mức độ tác động của nó đối với đất nước và người dân Anh,” Thủ tướng Sunak nói.
Trong khi bản đánh giá năm 2021 của Vương quốc Anh đã xác định Nga là “mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với an ninh của Vương quốc Anh” , bản đánh giá mới nhất lưu ý rằng an ninh tập thể của Vương quốc Anh và Châu Âu hiện gắn liền với kết quả của cuộc chiến của Moscow với Ukraine và “từ chối Nga có bất kỳ lợi ích chiến lược nào từ cuộc xâm lược của mình”.
Ông Sunak cho rằng hoạt động của Nga ở Ukraine, đưa ra những cảnh báo hạt nhân là “vô trách nhiệm”, việc Trung Quốc có lập trường cứng rắn hơn ở Biển Đông và eo biển Đài Loan đều là những hành động mang tính “kiên cường”, đe dọa và tạo ra một thế giới “nguy hiểm, hỗn loạn và chia rẽ”.
Đánh giá cũng lưu ý rằng việc Vương quốc Anh cung cấp viện trợ nhân đạo và quân sự trị giá 2,3 tỷ bảng Anh (2,8 tỷ USD) cho Kiev, cũng như hàng trăm biện pháp trừng phạt có mục tiêu phối hợp với các đồng minh, đã “làm suy yếu cỗ máy chiến tranh của Nga vì những tội ác chiến tranh nghiêm trọng của Mátxcơva”.
Ngoài ra, mục tiêu của Vương quốc Anh sẽ là ngăn chặn và thách thức khả năng cũng như ý định của Nga nhằm phá vỡ an ninh của Vương quốc Anh, Châu Âu-Đại Tây Dương và trật tự quốc tế rộng lớn hơn, bản đánh giá nêu rõ.
Đáng chú ý, những cảnh báo về các mối đe dọa do Trung Quốc gây ra cũng nghiêm trọng không kém.
“Trung Quốc dưới thời Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đặt ra một thách thức mang tính hệ thống và mang tính thời đại với những tác động đối với hầu hết mọi lĩnh vực trong chính sách của chính phủ và cuộc sống hàng ngày của người dân Anh,” bản đánh giá viết.
Trong phiên bản được xuất bản lần đầu cách đây hai năm, IR đã gọi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh mang tính hệ thống” của Vương quốc Anh. Ngôn ngữ trong bài đánh giá năm nay được cho là khó hơn và đề cập trực tiếp đến vấn đề Đài Loan.
Ngoài ra, việc Bắc Kinh đã chọn tiếp tục tăng cường mối quan hệ với Nga bất chấp hành động gây hấn của Moscow đối với Ukraine, và tiếp tục phớt lờ các cam kết quốc tế về nhân quyền ở Hồng Kông, Tân Cương và Tây Tạng đã gây ra không ít rắc rối cho Vương quốc Anh.
Tuy nhiên, không giống như với Moscow, IR cho biết vẫn có hy vọng về mối quan hệ với Bắc Kinh vì Vương quốc Anh không chấp nhận rằng mối quan hệ của Trung Quốc với Vương quốc Anh hoặc tác động của nó đối với hệ thống quốc tế được sắp đặt theo một lộ trình đã định trước.
Đáp lại, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã phản hồi báo cáo của Anh hôm 13/3 với cảnh báo rằng việc London “liên tục thổi phồng” Trung Quốc như một mối đe dọa sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực cho quan hệ giữa hai nước.
Tờ Thời báo Hoàn cầu của nhà nước Trung Quốc đã trích dẫn học giả Liu Zuokui, một nhà nghiên cứu về nghiên cứu châu Âu tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói rằng việc Vương quốc Anh đưa ra những tuyên bố khiêu khích chống lại Trung Quốc đã trở thành “thông lệ” và rằng London đang bù đắp cho vị thế bị suy giảm trên trường thế giới bằng cách áp dụng “thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc”.
“Lỗ hổng” tài trợ
Bản đánh giá được công bố hôm 13/3 trùng hợp với việc Anh, Mỹ và Úc tăng cường hiệp ước quân sự AUKUS của họ bằng cách tuyên bố bán tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ cho Úc và cũng là sự hợp tác của Washington, London và Canberra trong việc phát triển lớp tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mới trong tương lai.
Thủ tướng Sunak cho rằng Anh cần tăng chi tiêu quốc phòng và an ninh quốc gia để đối phó với các mối đe dọa hiện tại và tương lai. Tài liệu IR đề xuất kế hoạch chi thêm 5 tỷ bảng Anh (6 tỷ USD) cho quốc phòng trong hai năm tới, tập trung vào năng lực hạt nhân và bổ sung kho dự trữ đạn dược đã cạn kiệt, cũng như tăng chi tiêu quốc gia từ 2,2% GDP hiện nay lên 2,5%.
Ông Bronwen Maddox, giám đốc và giám đốc điều hành của tổ chức tư vấn Chatham House có trụ sở tại London, nói rằng đánh giá có một lỗ hổng và đó chính là tài trợ.
“Lỗ hổng lớn trong đánh giá này là tiền và câu hỏi đặt ra là liệu Vương quốc Anh có đủ nguồn lực để làm điều đó hay không,” Maddox nói với Financial Times.
Tuệ Ngô