10
topics
454344

An Giang mời gọi nhà đầu tư, nâng tầm du lịch

06/12/2020 15:09

Sau 4 năm, tỉnh An Giang đã thu hút trên 34 triệu lượt khách đến tham quan, cúng viếng, ước doanh thu trên 18.600 tỉ đồng. Ngành du lịch đang mở cửa để đón các nhà đầu tư đến An Giang nhiều hơn.

Rừng tràm Trà Sư có cầu tre dài nhất Việt Nam đâm xuyên rừng đang thu hút đông du khách đến tham quan – Ảnh: VĂN DƯƠNG

Vào những ngày này, ghé thăm khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư, xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên – một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất tỉnh An Giang – mới thấy hết không khí mát lành của sông nước miền Tây vào mùa nước nổi.

Núi Cấm chờ nhà đầu tư để tăng tốc

Dẫn gia đình và bạn bè hơn 10 người từ TP.HCM đi tham quan rừng tràm Trà Sư, anh Nguyễn Văn Hiền, 40 tuổi, cho biết cảnh vật miền Tây thật yên bình và mát mẻ. An Giang sở hữu không gian hữu tình, có núi, có rừng sinh thái. Tuy nhiên, để chăm sóc du khách, khu du lịch này cần thêm nhiều dịch vụ hơn nữa.

“Khu du lịch rừng tràm Trà Sư mát và đẹp rồi, nên tạo thêm nhiều dịch vụ giải trí khác cho du khách. Cần phải thu hút đầu tư làm hạ tầng giao thông ngon lành hơn” – anh Hiền nói.

Nói về cách làm du lịch ở rừng tràm Trà Sư, ông Nguyễn Khánh Hiệp – giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh An Giang – thừa nhận từ khi doanh nghiệp thuê 120ha rừng tràm Trà Sư để phát triển du lịch đã có những bứt phá hơn so với trước.

Cụ thể, Công ty cổ phần Du lịch An Giang đã đầu tư: cầu tre dài nhất Việt Nam hơn 4km xuyên rừng, cầu Kiều bắc qua rừng tràm…

“An Giang có sông ngòi chằng chịt nhưng chưa được tận dụng, khai thác triệt để. Sắp tới sở đang lập đề án khai thác du lịch đường sông. Nếu mở được du lịch đường sông và có tour tuyến rõ ràng phục vụ khách tham quan, chắc chắn doanh thu du lịch sẽ tăng vượt bậc.

Bây giờ chúng tôi cần có thêm nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, giải trí để giữ chân du khách. Hiện nay đã có trên 5 triệu lượt khách/năm rồi, việc cần bàn chính là hình thành nhiều khu vui chơi, giải trí và dịch vụ phục vụ du khách để tăng doanh thu du lịch” – ông Hiệp nói.

Theo ông Đinh Văn Chắc – giám đốc Ban quản lý khu du lịch Núi Cấm, đơn vị đã đầu tư hơn 4,5 tỉ đồng để bố trí cảnh quan, tạo bộ mặt đẹp từ trước cổng vào khu du lịch Núi Cấm và nhiều hoa, cây cảnh trên đỉnh Núi Cấm.

Nếu như phía trước cổng vào, khu du lịch Núi Cấm được trưng bày các hình ảnh điểm du lịch và các sản vật đặc thù của Núi Cấm, thì trên đỉnh núi cũng được trang trí cảnh quan đẹp mắt để thu hút du khách nhiều hơn.

“Nếu có các nhà đầu tư lớn vào Núi Cấm thì nơi này chắc chắn sẽ trở thành điểm phát triển du lịch nổi bật tại vùng ĐBSCL và cả nước” – ông Chắc nói.

Nếu mở được du lịch đường sông và có tour tuyến rõ ràng phục vụ khách tham quan, chắc chắn doanh thu du lịch sẽ tăng vượt bậc.

Ông Nguyễn Khánh Hiệp (giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh An Giang)

Thay da đổi thịt du lịch để thích ứng

Chia sẻ với PV, ông Trần Minh Trí – tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch An Giang – cho rằng sau hơn 2 năm tiếp thu rừng tràm Trà Sư để làm du lịch, đơn vị đã rất trăn trở làm sao để “làm mới áo khoác” rừng tràm. Chính vì vậy đơn vị đã mạnh dạn đề xuất và hình thành nhiều điểm mới trong khu du lịch rừng tràm Trà Sư như tạo cảnh quan cầu tre, cầu Kiều và tuyến du lịch đường sông từ rừng tràm đến đập tràn Trà Sư…

“Tuy nhiên, về hạ tầng giao thông từ TP Long Xuyên về vùng Bảy Núi, chính quyền cần làm đường nhanh, thông thoáng hơn. Công tác quảng bá hình ảnh du lịch cho An Giang cần được quan tâm, xúc tiến hơn. Đặc biệt, ở một số tuyến đường đã làm xong, cần quảng bá những địa danh du lịch nổi tiếng của tỉnh để du khách biết và tìm đến” – ông Trí nói.

Còn ông Chắc cho biết dự kiến đến hết năm 2021 hạ tầng và đường lên Núi Cấm sẽ được đầu tư hoàn chỉnh. “Hạ tầng kết nối về các khu du lịch trọng điểm hiện nay chưa hoàn thiện, dự kiến hết năm 2021 sẽ ngon lành. Lúc đó du khách đi lại thuận tiện hơn rất nhiều” – ông Chắc nói.

Ông Lê Văn Phước – phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang – cho biết tỉnh đã xác định đầu tư hạ tầng trọng điểm để thúc đẩy phát triển kinh tế nên tỉnh sẽ tập trung nguồn lực phát triển giao thông kết nối các khu du lịch và hạ tầng đô thị.

“Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2020 – 2025 xác định 3 khâu đột phá: đầu tư, kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và du lịch. Sắp tới sẽ huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực của xã hội để đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển du lịch và đô thị…” – ông Phước nói.

Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh Núi Cấm đã đạt kỷ lục châu Á về tượng Phật lớn nhất trên đỉnh núi nên thu hút đông đảo khách đến tham quan, cúng viếng – Ảnh: BỬU ĐẤU

Mở cửa đón nhà đầu tư

Ông Lê Trung Hiếu – giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư An Giang – cho biết các doanh nghiệp đang xin chủ trương đầu tư nhiều dự án du lịch vào An Giang, từ du lịch sinh thái đến vui chơi giải trí. Để mời gọi đầu tư, An Giang có tính đến việc xây dựng clip quảng bá hình ảnh của tỉnh.

An Giang xem du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nên sẽ tập trung chủ yếu vào các “ông lớn” Tập đoàn Sun Group, FLC… và kêu gọi nhiều dự án du lịch sinh thái tại Tri Tôn, Chợ Mới và Tịnh Biên.

“Về hạ tầng giao thông có hai hình thức để thực hiện. Đó là sử dụng vốn ngân sách, hoặc xã hội hóa hay vận động doanh nghiệp thực hiện dự án một phần. Hi vọng, đường tránh TP Long Xuyên đưa vào hoạt động sẽ kích thích du lịch “tăng tốc” phát triển mạnh hơn. Dù nhiệm vụ có nặng nề, chúng ta vẫn phải quyết tâm “dọn ổ” sẵn để thu hút các nhà đầu tư vào An Giang” – ông Hiếu khẳng định.

Giai đoạn 2016 – 2020, An Giang đã chi ngân sách nhà nước đầu tư các dự án lĩnh vực hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu du lịch phục vụ phát triển du lịch hơn 3.100 tỉ đồng. Giai đoạn này, An Giang đón 34,3 triệu lượt khách tham quan, du lịch. Doanh thu xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 18.600 tỉ đồng. Riêng 9 tháng đầu năm 2020, An Giang đón khoảng 5 triệu lượt khách. Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 3.200 tỉ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ.

PV

Tags :
Đọc nhiều