Ấn Độ tung vũ khí sát thủ săn ngầm mới “dằn mặt” Trung Quốc

07/10/2020 19:51

Ấn Độ gần đây thông báo thử thành công tên lửa chống ngầm siêu thanh mới, giúp tàu chiến và lực lượng phòng thủ bờ biển có vũ khí mới đối phó với mối đe dọa càng ngày gia tăng từ các tàu ngầm của đối thủ, đặc biệt là Trung Quốc.

Loại vũ khí mới thực chất là một ngư lôi hạng nhẹ gắn trên thân tên lửa siêu thanh. Tên lửa này sẽ đưa ngư lôi đến địa điểm định trước, sau đó ngư lôi tách ra khỏi tên lửa và tự lao đến mục tiêu dưới nước, sử dụng hệ thống định vị độc lập, theo The Drive.

Tên lửa SMART khai hỏa, đem theo đầu đạn là ngư lôi hạng nhẹ.

Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO), thuộc Bộ Quốc phòng Ấn Độ thông báo Tên lửa Siêu thanh Hỗ trợ Thả Ngư lôi (SMART) đã được phóng thành công hôm 5.10.

Tên lửa siêu thanh được khai hỏa từ một xe phóng di động trên đảo Wheeler thuộc vịnh Bengal.

Mọi yêu cầu thử nghiệm gồm tầm bay và độ cao, quy trình tách vỏ mũi, thả ngư lôi và kích hoạt cơ chế giảm tốc đều được thực hiện hoàn hảo. “Đợt thử nghiệm này rất quan trọng, giúp thể hiện năng lực chống ngầm”, DRDO cho biết.

DRDO đã bắt đầu phát triển tên lửa SMART từ năm 2016. Mẫu tên lửa này có tầm bắn 650km. Đầu đạn trang bị cho tên lửa SMART là Ngư lôi Tối tân Hạng nhẹ (TAL).

Ngư lôi TAL sử dụng đầu dò thủy âm, có khả năng hoạt động trong 6 phút kể từ khi kích hoạt để tìm mục tiêu đối phương. Ngư lôi đạt tốc độ 61 km/giờ và phạm vi di chuyển đạt 19km.

Tên lửa sử dụng đầu đạn là ngư lôi thực tế không mới. Nga và Mỹ đều sở hữu loại tên lửa này. Nhưng Ấn Độ đã đưa loại vũ khí này lên tầm cao mới bằng tên lửa siêu thanh, tầm bắn và tốc độ đều vượt trội hơn hẳn.

Ngư lôi TAL trang bị trên tên lửa siêu thanh SMART.

 

“Cuộc thử nghiệm là bước đột phá trong môi trường tác chiến chống ngầm”, thông cáo của DRDO cho biết. Chỉ cần hệ thống radar và mạng lưới săn ngầm cung cấp vị trí chính xác của mục tiêu, tên lửa SMART sẽ đánh chìm tàu ngầm đối phương từ khoảng cách xa đáng kể

Ở khoảng cách 650km, tên lửa SMART cũng được coi là công cụ răn đe hiệu quả nếu các tàu ngầm đối phương áp sát gần bờ.

Theo các chuyên gia, tên lửa siêu thanh săn ngầm giúp hải quân Ấn Độ có thêm lựa chọn răn đe hiệu quả các mối đe dọa từ dưới biển của Trung Quốc và Pakistan.

Ấn Độ đang đối mặt sức ép ngày càng gia tăng từ hoạt động của hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Trung Quốc cũng đang mở rộng quy mô và năng lực chiến đấu của hạm đội tàu ngầm.

Các tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc đến nay đã được trang bị hệ thống đẩy độc lập (AIP), giúp hoạt động yên tĩnh hơn dưới nước tương tự tàu ngầm Mỹ và Nga.

Tên lửa siêu thanh săn ngầm SMART được kì vọng là vũ khí hữu hiệu để đối phó với các mối đe dọa trên.

Ngọc Minh/DV

Đọc nhiều